Làm sao để thực hiện giấc mơ?
- Khải Đơn
- •
Thì… thực hiện nó thôi. Đơn giản mà.
Tuy nhiên, đời không dễ mơ như vậy. Nếu tôi vừa phải làm kiếm đủ tiền phụ giúp gia đình, vừa muốn thực hiện thứ mình yêu thích? Nếu bạn bị cha mẹ buộc học một ngành không mong muốn và muốn cưỡng lại điều đó? Nếu bạn đang làm giáo viên, có lương hàng tháng, và chỉ muốn bỏ nghề để đi làm bánh?
Tôi không cho rằng phải ồn ào thực hiện điều mình yêu thích, xong tuyên bố với cả thế giới là: “Tôi bỏ việc, tôi đi làm điều yêu thích đây!” thì mới là anh hùng. Rất nhiều thứ bạn yêu thích không tạo ra tiền để sống. Và thứ mà bạn đang thù ghét có khi đang giúp bạn trang trải tiền nhà và trả hóa đơn cho cả gia đình.
Tuyên ngôn “hãy đuổi theo giấc mơ” của mình chỉ dành cho tuổi 20, khi cha mẹ vẫn còn cho tiền bạn và bạn chẳng phải thức dậy và nhìn thấy con yêu cần tiền đóng học. Và tuyên ngôn đó nguy hiểm ở chỗ, nó biến một khao khát thành cuộc rượt đuổi tình yêu: chóng vánh, vội vã, ồn ào, thể hiện nhưng lại không có đủ cam kết dài hạn.
Đầu tiên, giấc mơ là giấc mơ: Người ta chỉ già đi khi bắt đầu chối bỏ ước mơ của mình. Vì vậy, đừng đánh mất nó, đừng gọi nó là khờ dại, ngu ngốc hay vớ vẩn. Càng đặt cho nó những tính chất xấu xa, bạn càng bị hành hạ bởi nó. Bởi tự dối lòng mình, bạn sẽ che phủ lên trái tim một sự lừa lọc bản thân. Bạn sẽ ân hận kín đáo suốt đời. Bạn sẽ mơ màng suốt đời mà không đủ can đảm thực hiện. Hãy gọi giấc mơ bằng đúng tên gọi của nó: Tôi muốn trở thành thợ rang cafe, tôi muốn làm bánh, tôi muốn biết viết văn, tôi muốn leo núi. Gọi đúng tên nó giúp bạn thông báo cho cơ thể rằng: đây là một việc tôi muốn làm, nó không xấu xa, không có hại, không gây tổn thương ai hết. Vì vậy, khi có cơ hội tôi sẽ thực hiện nó.
Thứ hai, hãy thực hiện nó: Bạn không cần phải lên công ty mắng vào mặt sếp là “tôi nghỉ việc” thì ước mơ mới thành hiện thực. Bạn không cần phải nói với vợ, anh đi du học đây là vợ sẽ bỏ bạn ngay. Bạn cũng không cần phải hùng hồn nói vào mặt đám bạn thân là tao không làm việc nữa, tao đi thực hiện ước mơ đây. Những tuyên ngôn chỉ làm bạn lún sâu vào sự tủi hổ nếu không thực hiện được. Nó cũng làm bạn mất cơ hội kiếm sống, mưu sinh, đón nhận cơ hội từ cuộc sống hàng ngày. Vì mọi người nghĩ rằng bạn đâu cần nữa đâu.
30 phút mỗi ngày thực hiện ước mơ sẽ đáng giá hơn cả chuyện bỏ việc xong thực hiện ước mơ. Bạn cần tiền để sống. Trừ khi bạn có thừa khả năng tiền bạc, thì hãy thực hiện ước mơ ngay tùy thích. Còn lại, đừng mạo hiểm trả giá những tiện ích đầu tiên trong đời sống cho ước mơ. (Nghe có vẻ hèn nhát). Nhưng bạn sẽ làm gì nếu cha bảo: “Mày mà không học ngành đó thì tự đi mà kiếm tiền học ngành khác đi” – còn bạn thì chưa biết làm kiếm tiền. Bạn sẽ làm gì nếu mỗi tháng cần đóng tiền học và mua sữa cho hai con, không lẽ bảo thôi hai đứa nhịn đi, để ba đi thực hiện ước mơ?
Hãy phác thảo kế hoạch cho ước mơ. Bạn cần học ngành mới? Bạn cần học kỹ thuật làm bánh? Bạn cần tập để tăng thể lực? Bạn muốn chuẩn bị chuyển hẳn sự nghiệp sang việc khác? – Bước đầu tiên bao giờ cũng là trang bị đủ “vũ khí” cho chúng. Và bạn có thể làm việc này khi đang làm công việc hàng ngày. Tôi dành 2 giờ viết mỗi ngày khi muốn chuyển việc. Tôi trích ra một đến hai ngày cuối tuần để đi tập thể lực quãng ngắn cho chuyến leo núi dài. Bạn tôi, cô đến studio học kỹ thuật làm bánh Pháp khi đang làm kế toán ở Bangkok. Hai năm sau cô về quê nhà và làm bánh tại nhà bán cho các quán cafe. Một bạn khác của tôi bắt đầu tập viết báo khi cô muốn nghỉ việc kiến trúc sư đi làm báo. Cứ hai tuần cô viết một bài và gửi thử cho các báo. Ngoài ra, mỗi ngày cô viết 500 chữ sau giờ làm việc (tốn chừng 1 giờ).
Tôi tin rằng 30 phút luyện tập kỹ thuật và chuẩn bị “vũ khí” có tác dụng hơn trò sồn sồn nhảy từ cái này sang cái kia. Nó giúp bạn không mạo hiểm tiền bạc, tài chính, nhất là khi bạn không quá giàu. Nó giúp bạn dần dần định hình ước mơ thật sự, và tái khẳng định cam kết theo đuổi nó.
Tôi mất đến một năm để chắc chắn biết mình muốn thay đổi sang việc gì, và gần hai năm để cảm thấy gắn bó với chuyện muốn leo núi. Bạn làm bánh của tôi học mất hai năm, và có thời gian cô bỏ ngang ba tháng vì thấy mình không có năng khiếu, nhưng quay trở lại vì quá yêu thích. Bạn kiến trúc sư của tôi mất chừng một năm vừa viết vừa nhận vẽ kiến trúc, khi đã bắt đầu được biên tập tại tòa soạn yêu thích, đó là lúc cô nộp hồ sơ xin làm phóng viên và nghỉ việc kiến trúc.
Bạn có thể vẫn học ngành chẳng yêu thích gì mà cha mẹ đầu tư, và dành 2 giờ mỗi ngày để học thêm thứ bạn muốn. Khi ra trường, bạn có một tấm bằng cha mẹ cho, và sẵn sàng để bắt đầu công việc bạn ao ước. Tại sao phải biến mọi thứ thành cuộc vật lộn một mất một còn?
Giấc mơ không chết đi, chỉ có người từ bỏ nó: Có lần tôi phỏng vấn một nhân vật. Ông đã già và luôn miệng nói đau đáu được trở lại quê nhà để gặp lại người bạn cũ. Nhưng đã không làm được. Tôi hỏi vì sao – và ông kể ra hàng loạt lý do như ta vẫn nghe: tiền bạc, sức khỏe, bận bịu, con cháu, công việc. Khi phỏng vấn, tôi đang ngồi trong ngôi nhà ba tầng của ông ở Quận Bình Thạnh. Chuyến đi từ Sài Gòn ra miền Trung chắc không phải quá sức với người có khả năng như vậy. Nhưng ông không thực hiện.
Và cũng tương tự vậy, ở Siem Reap, tôi gặp một người đàn ông Khmer – nhưng cha là người Việt. Cậu kể rằng cha cậu nghèo lắm, nhà ở tận Hà Tĩnh. Nhưng ông tiết kiệm từng đồng làm ra, cứ 5 năm lại đủ tiền đi xe đò qua Phnom Penh, lần hỏi tung tích mẹ con cậu, cho đến khi một anh đồng đội nói anh biết gia đình đang ở Siem Reap, thì cha mới tìm ra cậu. Ước mơ tìm lại con đủ lớn. Nhưng nó phải chắt chiu từ từ, chậm chạp, khó khăn. Nhất là khi nhân vật đó còn nghèo khổ, không thể đủ tiền di chuyển tứ tung để tìm con. Khi ông tìm được “thằng bé”, “nó” đã là người đàn ông hơn 40 tuổi.
Đừng dùng quá nhiều ý chí, hãy dùng thói quen: Ta thường kêu gọi ý chí khi muốn làm việc gì đó khó. Thực ra, ý chí rất tốn sức. Và nếu ta đã trì hoãn một lần, ý chí sẽ chẳng thể làm gì để chống lại trì hoãn thêm lần nữa, lần nữa. Trong khi đó, thói quen, nếu tập luyện từ nhỏ nhẹ đến dài hơi, lại rất hiệu quả, bền vững và chẳng mất nhiều sức mạnh. Mỗi ngày tập luyện 30 phút, sau 1 tháng có thể tăng thành 1 giờ, 1 tháng 30 ngày là làm được 30 giờ. Tuy nhiên, nếu bảo hãy chia 30 giờ đó thành mỗi ngày 5 giờ trong 6 ngày, hầu như ta sẽ bỏ cuộc – nếu đó không phải là thứ gì đó hấp dẫn khủng khiếp lắm.
Tôi lười và chậm chạp. Tôi không làm khó bản thân. Tôi muốn tận hưởng giấc mơ của mình mỗi ngày từng chút một mà không phải từ bỏ bất cứ gì. Nó là niềm vui sống, và tôi không muốn khốn khổ vì ước mơ.
Xem thêm:
Từ khóa thay đổi bản thân ước mơ Trưởng thành