Ai sẽ kiểm soát giới tinh anh Trung Quốc?
- Blog Viên Kiếm
- •
Sau hơn 25 năm cải cách, bộ mặt của xã hội Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Trong thời đại của Mao Trạch Đông, chỉ có tầng lớp tinh anh chính trị nắm trong tay cả thiên hạ. Ngày nay, tầng lớp tinh anh của Trung Quốc về mặt chức năng có thể phân hoạch ra tương đối rõ ràng bao gồm: tinh anh trí thức, tinh anh quan chức (hay còn gọi là tinh anh chính trị) hay tinh anh kinh tế. Có thể định nghĩa rằng tinh anh chính là những người sử dụng quyền lực của chính trị, kinh tế hay văn hóa để gây ảnh hưởng lớn tới đại chúng.
Nói về tinh anh trí thức của Trung Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến các học giả, các giáo sư, các nhà nghiên cứu, được xã hội trọng vọng và giao phó các trọng trách nghiên cứu chuyên sâu. Trong công cuộc cải cách, họ có vai trò rất lớn và chính bản thân tầng lớp này cũng đã thay đổi rất nhiều.
Giữa những năm 90, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc được mời đến giảng ở Nam Kinh. Ông này được mời ở khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất Nam Kinh. Ngày hôm sau, sau khi nhà kinh tế này rời đi, đơn vị mời đã vô cùng sửng sốt khi nhận được hóa đơn thanh toán cho các khoản tiêu trong đêm đó là hơn 1 vạn nhân dân tệ (khoảng 2100 đô-la Mỹ tỷ giá lúc đó). Thậm chí tính theo tỷ giá hiện nay thì đó cũng là một số tiền lớn. Vào giữa những năm 90, đó quả thực là một con số kỷ lục. Đơn vị tổ chức này về sau không bao giờ dám mời nhà kinh tế này nữa. Còn nhà kinh tế này, nay đã cao tuổi, vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và nhận được sự ngưỡng mộ của công chúng.
Năm 2002, đại học Vũ Hán mời một vị viện sĩ đến tham gia hội thảo thẩm định kết quả một công trình nghiên cứu cấp quốc gia. Vị viện sĩ đã cao tuổi này không chỉ tự mình đến mà còn ngang nhiên dẫn theo tình nhân của mình, là một phụ nữ có tuổi tác chênh lệch rất nhiều. Nếu chuyện chỉ đến đó thì mọi người chắc cũng chỉ cười trừ rồi bỏ qua. Điều đáng nói là vị viện sĩ này thậm chí còn đòi đơn vị mời phải thanh toán tiền vé hai chiều cho cả tình nhân của mình.
Những chuyện kiểu này xảy ra vô cùng nhiều ở Trung Quốc cuối những năm 90. Tầng lớp tinh anh trí thức là đại diện của tinh thần văn hóa Trung Quốc, đồng thời lại chính là biểu hiện hoạt kê nhất cho các giá trị hủ bại trong công cuộc cải cách kinh tế. Cuối những năm 80, đầu những năm 90, giới tinh anh trí thức của Trung Quốc chỉ dám “ăn cắp” một cách nhỏ lẻ cá nhân riêng biệt thì sau đó, nhóm tinh anh trí thức của Trung Quốc bắt đầu đạp lên cả các lằn ranh giá trị đạo đức thấp nhất để tiến hành “cướp bóc” một cách có hệ thống.
Ăn cắp tức là lợi dụng lúc người khác thiếu phòng bị mà thuận tay cầm lấy, giống như nhà kinh tế học kia lén lút tiêu tiền vào thẻ phòng. Còn cướp bóc là sự ngang nhiên dùng bạo lực để ép người khác phải đưa tiền, giống như cách ngài viện sĩ kia ngang nhiên yêu cầu trả tiền cho tình nhân của mình. Sự khác biệt của hai điều chỉ là việc còn hay không cảm giác xấu hổ đối với hành vi của mình. Kẻ ăn cắp vẫn còn xấu hổ còn kẻ cướp thì hoàn toàn không quan tâm đến đạo đức và công lý nữa.
Người Mỹ thường hay dùng từ “tinh anh” (elite) với ý nghĩa mỉa mai thì ngược lại, ở Trung Quốc, cả trong truyền thông và trong dân chúng, “tinh anh” có liên hệ với hình ảnh của một cuộc sống đặc biệt và có gây ảnh hưởng lớn.
Đầu thời đại của Đặng Tiểu Bình, để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đội ngũ quan chức của Trung Quốc ngoài chức năng chính trị đã được tăng cường hơn nhiều chức năng quản lý quan liêu. Đội ngũ quan chức của Trung Quốc được trí thức hóa và trẻ hóa rất nhiều so với trước đó. Tầng lớp tinh anh chính trị đã xuất hiện các màu sắc quan liêu, chuyên nghiệp, kỹ thuật hóa. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tinh anh quan liêu của Trung Quốc vẫn không thoát khỏi bản chất chính trị kéo dài suốt từ thời của Mao Trạch Đông. Sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, phát triển kinh tế không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của ĐCSTQ mà còn là tiêu chí đánh giá các quan chức. Để đạt được thăng tiến về chính trị, quan chức tại tất cả các cấp đều ưu tiên theo đuổi các thành tích kinh tế.
Chính vì vậy, có thể nói rằng, suốt kể từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình đề ra “Bốn hiện đại hóa” cho đến ngày nay, thay vì hiểu rằng tinh anh quan chức của Trung Quốc trở nên chuyên nghiệp và kỹ thuật hơn, chúng ta nên hiểu rằng phát triển kinh tế càng lúc càng bị chính trị hóa cao độ. Khi phát triển kinh tế trở thành một mục tiêu lý tưởng mà người ta phải theo đuổi bằng mọi cách, cái giá phải trả có thể vô cùng lớn và sự bền vững của nền kinh tế cần phải bị đặt nghi vấn. Điều này cũng không khác gì với việc Mao Trạch Đông vào những năm 1950 đã đặt công nghiệp hóa là một nhiệm vụ chính trị. Điều khác biệt chỉ là, trong khi Mao tin tưởng vào sự nhiệt tình của quần chúng, Đặng Tiểu Bình tin tưởng vào hệ thống quan liêu.
Trên thực tế, kể từ sau những năm 1990, tinh anh quan chức của Trung Quốc đang theo đuổi lý tưởng phát triển kinh tế bằng mọi giá. Đối với các tinh anh quan chức, phát triển kinh tế không phải dựa trên kiến thức chuyên nghiệp trong công việc hay là theo ý kiến mong mỏi của quần chúng, mà dựa trên các suy đoán chính trị. Về mặt này, tinh anh quan chức của Trung Quốc vẫn mang nguyên bản chất chính trị như cũ. Họ không phải là các chuyên gia có thể làm theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, cũng không có năng lực quản trị, họ chỉ là những người có khả năng xoay xở chính trị để làm chiều lòng cấp trên. 25 năm sau cải cách, tầng lớp tinh anh quan chức của Trung Quốc đã nhận ra rằng cách tốt nhất chính là theo đuổi cả lợi ích kinh tế và chính trị cùng một lúc.
Không có những ước thúc về đạo đức, giới tinh anh quan chức sẵn sàng tụt xuống cả những làn ranh tiêu chuẩn thấp nhất của xã hội để đạt được lợi ích về kinh tế và chính trị. Nhìn vào lý lịch của các quan chức Trung Quốc, rất nhiều người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Điều này làm người ta dễ có ảo tưởng rằng Trung Quốc đang có sự phát triển vượt bậc về giáo dục. Tuy nhiên, những người hiểu chuyện đều biết rằng có một số lượng lớn (thậm chí có thể nói đại đa số) đều là giả. Một vị quan chức cấp tỉnh của một tỉnh miền Đông của Trung Quốc từng làm mọi người ngạc nhiên vì chỉ trong thời gian hơn 2 năm, vị quan chức này từ chỗ tốt nghiệp một trường chuyên nghiệp bổ túc đến nhận được bằng thạc sĩ của một trường kỹ sư hàng đầu. Các ví dụ như vậy làm một số người cảm thấy ngưỡng mộ IQ cực cao của quan chức Trung Quốc, nhưng đồng thời lại làm một số người kinh ngạc với sự dũng cảm mặt dày của họ.
Cơ chế tuyển chọn và thăng cấp chính trị trong hệ thống quan chức Trung Quốc vô cùng mơ hồ. Giới tinh anh quan chức đều không tự nắm được vận mệnh của mình, không biết phải dùng cơ sở hay tiêu chí nào để phấn đấu và cách duy nhất là thiết lập mối quan hệ với “những người quan trọng”. Việc này dần dần dẫn đến việc hình thành nên các nhóm lợi ích. Nhóm lớn cùng theo đuổi một món lợi lớn gọi là “phái”. Nhóm nhỏ cùng giúp nhau đạt được những điều lợi nhỏ, gọi là “bang”. Người ta có thể thấy sự phổ biến của các nhóm lợi ích kiểu này trong quan trường Trung Quốc.
Có thể dự đoán rằng, chừng nào việc phát triển kinh tế vẫn có thể duy trì, nếu không xuất hiện những thay đổi lớn về thể chế hay có sự giám sát, kiểm tra từ bên ngoài, bản chất hiện nay của giới tinh anh quan chức Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi.
Suốt từ khi ĐCSTQ nắm chính quyền cho đến khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách, Trung Quốc mặc dù có một số lẻ tẻ các nhà “tư bản đỏ” nhưng chưa bao giờ có một “giới” tinh anh kinh tế. Phải đến hơn 20 năm cải cách, tầng lớp tinh anh kinh tế của Trung Quốc mới bắt đầu hình thành. Một số trong số họ là những người thuộc tầng thấp của chế độ quan liêu cũ của Mao Trạch Đông. Khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách, những người này đã tích cực tham gia vào thị trường và tích lũy tài sản. Ví dụ như Lưu Vĩnh Hảo của Tập đoàn Hy Vọng ở Tứ Xuyên. Một số khác thì vốn thuộc nhóm tinh anh trí thức không được trọng dụng ở thời đại trước. Trong sự vận động của thị trường, với sự khác biệt về nền tảng giáo dục, họ đã chiếm được các vị trí trọng yếu trong các ngành công nghiệp mới, như là truyền thông, bất động sản, tài chính. Nhóm thứ ba chính là nhóm tinh anh kinh tế dựa vào câu kết chính trị. Những người này có thể là người đứng đầu các công ty tư nhân cũng như công ty nhà nước. Điểm chung của họ chính là sử dụng các cơ hội đến từ các nguồn chi công cộng như chuyển quyền bất động sản, nhượng quyền thương mại năng lượng hay thực hiện các dự án giao thông để đạt được lợi ích.
Việc xuất hiện thêm tầng lớp tinh anh kinh tế bên cạnh tầng lớp tinh anh chính trị có thể là một tín hiệu tốt cho cải cách ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là, kể từ giữa những năm 90 đến nay, tầng lớp tinh anh kinh tế Trung Quốc không ngừng tìm cách đạt được các quyền lực chính trị và có xu hướng tái nhập vào giới tinh anh chính trị thông qua “cửa sau”. Có một ông chủ một doanh nghiệp ở Chiết Giang đã từng nói: “Muốn làm to nhất định phải làm chính trị. Không làm chính trị thì không làm to được”.
Điều đáng chú ý chính là 25 năm cải cách, quyền sở hữu tài sản ở Trung Quốc không hề trở nên rõ ràng mà chỉ ngày càng trở nên mơ hồ hơn. Sự mơ hồ trong quy định ai có quyền sở hữu tài sản và sở hữu như thế nào chỉ càng làm cho việc phân chia tài sản dễ dàng hơn thông qua các quyền lực chính trị, thay vì trao đổi cân bằng trên thị trường. Điều này lại càng làm cho giới tinh anh kinh tế muốn đạt được nhiều quyền lực chính trị hơn.
Chúng ta có thể nhận thấy, bên cạnh sự biến đổi của giới tinh anh chính trị cũ, đã có sự hình thành của hai giới tinh anh mới là trí thức và kinh tế, họ có sức ảnh hưởng vô cùng lớn lên quần chúng Trung Quốc. Điều đáng tiếc là chúng ta không hề thấy sự kiểm tra chéo và cân bằng giữa ba giới tinh anh. Thay vào đó là sự liên minh vì lợi ích, hủ bại và tham nhũng càng lúc càng phát triển mạnh mẽ và kín đáo. Ở trong bất cứ thời đại nào, thể chế nào, luôn có các nhóm tinh anh có quyền lực và ảnh hưởng lớn ở mức độ nhất định, họ có khả năng cân bằng quyền lực lẫn nhau. Tuy nhiên, trong xã hội Trung Quốc hiện đại với quá nhiều điểm “đặc sắc Trung Quốc” ngày nay, vấn đề đang được đặt ra là: ai sẽ kiểm tra và kiểm soát giới tinh anh?
Blog Viên Kiếm
Xem thêm:
Từ khóa Đặng Tiểu Bình Elite tinh anh Tinh anh Trung Quốc