Lòng tốt trước nỗi sợ
- Khải Đơn
- •
Khi sợ hãi, người ta trở nên ích kỷ, nhẫn tâm, kỳ thị và sẵn sàng phản ứng chống lại bất cứ điều gì họ cảm thấy có thể trở thành nguy cơ đe dọa họ.
Dịch cúm coronavirus lần này là tình huống như vậy.
Trong tháng dịch coronavirus diễn ra, vô tình tôi đang đọc một quyển sách tên “The Shanghai Free Taxi Journey” của tác giả Frank Langfitt viết. Quyển sách ra đời vào năm 2017, trong thời gian nhà báo của hãng tin radio NPR này làm việc ở Thượng Hải.
Vì sự kiểm duyệt của Trung Quốc khá chặt chẽ, mà anh Frank muốn biết nhiều hơn về Trung Quốc, anh bèn kiếm một con xe hơi, hàng tuần đi lái taxi – chỉ khác là taxi của anh miễn phí. Đổi lại, nếu người đi xe thấy thoải mái thì kể cho anh nghe chuyện đời họ.
Trong số các truyện anh kể, có một câu chuyện tôi thấy chú ý. Chuyện của một bác sĩ tâm lý tên Fifi. Bà đang đi bộ trên đường thì vết mổ từ đầu gối gãy cũ của bà tái phát, và bà ngã sụp xuống đường. Nếu bà cố lết đứng dậy đi tiếp, đầu gối của bà sẽ đau nặng hơn. Vì vậy bà ngồi yên và điện thoại cho người thân tới giúp.
Trong 25 phút ngồi đó bên vệ đường, hàng trăm chiếc xe hơi băng qua, không một chiếc nào ngừng lại hỏi bà cần giúp đỡ không, vài chiếc còn chạy sát rạt bà khiến bà phải lê vào trong. Hơn 50 người đi bộ ngang qua bà, họ đứng nhìn rồi bỏ đi, quay lưng, chỉ có vài người hỏi bà sao vậy rồi cũng bỏ đi. Nhưng “không ai tỏ ý muốn giúp đỡ”.
Bà Fifi giải thích rằng vì người ta sợ dây vào rắc rối khi giúp người khác. Trước khi tình huống của bà xảy ra, có nhiều lần những người lớn tuổi bị ngã, bị tai nạn, có người khác lại giúp đỡ, thì họ đổ tội ngay cho người giúp – để người giúp đó phải trả tiền viện phí cho họ. Lý do của hành động này là ở Trung Quốc, bạn phải trả tiền viện phí trước mới được bác sĩ điều trị. Và rất nhiều người già ở thành phố, sinh ra dưới thời cộng sản, ở đó họ không phải trả tiền viện phí. Nhưng trong thế giới mà họ đang sống, nếu không trả tiền trước thì bệnh viện không điều trị. Với nỗi đau bệnh tật, thương tật, họ lập tức bấu lấy người giúp họ để mong có được tiền trả viện phí trong khó khăn.
Một câu chuyện xảy ra năm 2006 là điển hình cho vấn đề khúc mắc trên, khi một bà lão ngoài 60 tuổi ngã từ trên xe bus xuống ở Nam Kinh, một người trai trẻ lại giúp đỡ bà và đưa bà tới bệnh viện. Ngay sau đó bà kiện rằng anh đẩy bà ngã xuống xe. Tòa án ở Nam Kinh buộc anh phải trả 40% tiền viện phí cho bà, tương đương 7.000 USD lúc đó. Vụ án khiến bất cứ người Trung Quốc nào sau đó muốn giúp đỡ ai cũng phải dừng một nhịp xem mình có thể trở thành nạn nhân của tình huống nào đó kế tiếp hay không.
Bà Fifi cũng nói bà không trông đợi ai giúp bà đứng dậy hay đến bệnh viện vì bà sợ nếu họ không biết họ có thể làm bà bị thương nặng hơn, và không khí nói chung mọi người không kỳ vọng sẽ có người tốt làm ơn cho họ – nhất là khi có rất nhiều kẻ dàn cảnh lừa đảo để vòi tiền hoặc những trường hợp trớ trêu như kể trên.
Câu chuyện “lòng tốt” ở Thượng Hải tôi vừa đọc đến cùng thời điểm với bài viết về những người Singapore lập ra trang @StandUpForSG lan truyền đi thông điệp giúp chống kỳ thị nhân viên y tế, khi các bác sĩ và y tá ở đảo quốc này đang làm việc vất vả để ngăn chặn sự lan rộng của coronavirus.
Khi thấy tình trạng nhiều người Singapore tránh xa và kỳ thị các bạn y tá, nhân viên y tế ra về, hoặc đòi họ phải xuống xe bus, xuống tàu không cho đi chung, những người Singapore đã lên một chiến dịch #braveheartsg (trái tim Singapore dũng cảm). Chiến dịch đó không chỉ thực hiện trong một nhóm trên mạng mà đã lan ra khắp Singapore.
Một cô bé 13 tuổi viết thông điệp của cô (theo bài tập trường giao cho các em làm): “Gửi người chữa bệnh dũng cảm, cảm ơn rất nhiều vì đã chiến đấu chống virus. Các cô chú đã dùng sinh mạng mình để cứu người khác, đã rời gia đình để làm việc không ngơi nghỉ.”
Một giáo viên ở Singapore cũng nói cô muốn gửi thông điệp rằng: “Tôi muốn tham gia vì giờ đây có quá nhiều nỗi sợ hãi. Nỗi sợ dẫn tới sự ích kỷ và kỳ thị. Nếu chúng ta hành động cùng nhau, ta có thể chăm sóc cho nhau.”
Chính Thủ tướng Singapore cũng đã nhắc đến chiến dịch #braveheartsg này trong các cập nhật của ông về dịch coronavirus. Ông viết: “Chúng ta hãy làm phận sự của mình để giúp đỡ và động viên lẫn nhau. Cùng nhau ta sẽ vượt qua thời gian khó khăn này và vươn lên mạnh mẽ hơn.”
Đọc hai câu chuyện này trong một ngày, tôi nhìn thấy sự đối sánh rõ ràng trước những thảm họa, dịch bệnh hay bất an xảy ra trong xã hội và cách chọn tâm thế hành động.
Dù là mô hình xã hội nào cũng sẽ có hình ảnh của sự ích kỷ, tàn nhẫn và kỳ thị ngoi lên. Ta không thể nói Trung Quốc thì tệ thế này, hay Singapore thì tốt hơn thế khác (như tại chính Singapore thì nhân viên y tế người Sing đã bị kỳ thị). Nhưng phản ứng của chính quyền, bầu khí quyển của xã hội, phản ứng của các nhóm người khác nhau trong xã hội, có thể thay đổi gương mặt xấu xí đó trước tình hình bất an, khiến mỗi người chậm lại trước khi phản ứng hung bạo hay ác độc để bảo vệ “nồi cơm” của mình.
Các nhóm xã hội dân sự hành động nhanh để người dân chợt hiểu ra những nhân viên y tế trên đang bảo vệ mình – bảo vệ thành phố mình – và họ không xứng đáng bị đối xử lạnh lùng như vậy khi đi làm về. Họ chính là “tuyến lửa” đang giúp thành phố không bị lây lan thêm, và kìm giữ không để nỗi hoảng loạn làm cả đảo quốc gặp nguy hiểm.
Cô giáo, học sinh, nhà trường hành động để soi chiếu và suy nghĩ về chính bản thân họ trong thế giới đầy hỗn loạn đó, sắp xếp lại tâm thế và chọn lựa hành động đúng với trái tim họ.
Và quan trọng nhất, đó là một hệ thống xã hội không dẫm đổ lòng tốt, không cài đặt lòng ngờ vực dã tâm, không chia rẽ con người bằng hằn thù định kiến chính trị.
Ở đó, lòng tốt sẽ đủ dũng cảm bừng nở…
Khải Đơn (Tác giả độc lập)
Đăng theo trang cá nhân của Khải Đơn với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa Lòng tốt bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán kỳ thị