Nhà thờ Chánh Tòa Bùi Chu: Thực hiện Công ước Quốc tế, không được phá di sản
- Nguyễn Hạnh Nguyên
- •
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng vào năm 1885 bởi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận với lối kiến trúc tuyệt đẹp: Vừa theo chất Ba rốc kiểu Tây Ban Nha, vừa có nét Phương Đông rất gần gũi. Công trình đồ sộ này có chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m, tháp cao 35 m và ẩn chứa trong đó nhiều câu chuyện lịch sử giá trị, nhiều chi tiết kiến trúc, nội thất đặc biệt. Tuy nhiên mấy ngày qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng khi nghe tin công trình sắp bị tháo dỡ để “thay thế bằng một tòa đồ sộ hơn, hiện đại hơn, đủ chỗ cho Giáo dân Bùi Chu”.
Những thắc mắc của giới chuyên môn
Khoan hãy bàn đến việc nhà thờ mới có giá trị hơn công trình cũ hay không, chỉ riêng việc đập bỏ một công trình được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 (năm 1885) mà công chúng chỉ được biết đến khi cách thời điểm phá dỡ chỉ còn 15 ngày. Di sản là tài sản của Cộng đồng, tài sản Quốc gia, không phải của một địa phương hay cá nhân nào. Trong khi Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản mà những di sản đặc biệt như nhà thờ Chánh Tòa Bùi Chu lại bị phá dỡ?. Đây là điều không thể xảy ra.
Khi muốn, người ta đi tìm giải pháp; không muốn, người ta tìm lý do. Và lý do này nghe có vẻ chính đáng: “… Một khi các nhà thờ chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và việc bảo vệ hay phá bỏ các nhà thờ sẽ hoàn toàn thuộc quyền của giáo dân và các cha xứ.” (Một Thế Giới, “Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ”, ngày 29/4/2019)
Nhìn lại Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản thế giới mà Việt Nam là thành viên: “Mỗi Quốc gia thành viên của Công ước này tự nhận trách nhiệm đảm bảo việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và truyền lại cho các thế hệ tương lai di sản… nằm trên lãnh thổ của mình”.
Tại Việt Nam, Luật Di sản cũng khẳng định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các cơ quan văn hoá, thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài các giá trị di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong nhân dân”. (Điều 10 và Điều 11 Luật Di sản Văn hóa).
Thắc mắc của nhóm những người yêu di sản về việc tại sao một Nhà thờ đẹp nổi tiếng như Nhà Thờ Chánh Tòa Bùi Chu mà lại bị tháo dỡ?; chính quyền tỉnh có biết kế hoạch “hạ giải” nhưng thực ra là sẽ tháo dỡ, xây mới Nhà Thờ không?… đã được chúng tôi tìm hiểu và giải đáp sau khi cử người ra Giáo xứ Bùi Chu và điện thoại liên lạc với Phó Chủ tịch Tỉnh Nam Định.
Phó chủ tịch tỉnh, ông Bạch Ngọc Chiến, trả lời: “Tỉnh đã gọi cho chủ tịch Huyện Xuân Trường” – ông Đặng Ngọc Cường cho biết: “Chính quyền không can thiệp vào việc này, do bên Giáo Xứ đã làm thủ tục xin trùng tu nhà thờ. Họ làm đơn theo đúng trình tự (trong đó có nêu: sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về kinh phí, hình thức kiến trúc và cách thức trùng tu, nên Uỷ Ban Huyện chấp nhận cho trùng tu nhà thờ theo nguyên tắc)”.
Nếu nhà thờ này bị phá, sẽ là điều chấn động thế giới nên ông Chiến khẳng định: “Không có chuyện phá dỡ, xây mới nhà thờ. Nam Định là nơi nhiều di sản Tôn giáo. Nếu có chủ trương phá dỡ thì Tỉnh phải có quyết định và cho phép phá dỡ mới thực hiện được”.
Tuy nhiên, tại Giáo xứ, tất cả giáo dân đều được biết chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, ngày 13/5/2019, Chính tòa Bùi Chu sẽ bị tháo dỡ (theo nghĩa “Hạ giải” như họ được giải thích, và từ năm 2017 trong các văn bản, Giáo xứ vẫn ghi là “Đại tu nhà thờ Chính tòa Bùi Chu”). Thông tin này cũng đã được đăng tải trên trang của Tòa Giám Mục Bùi Chu.
Tại Bùi Chu, công việc triển khai xây mới đã được thực hiện rất rõ ràng, nhanh và bài bản. Các khung gỗ, cột gỗ mới vẫn đang được thi công. Tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi thì bản vẽ Nhà thờ mới cho thấy tòa mới không lớn hơn nhiều so với tòa cũ (?!)
Kích thước bước cột tòa cũ: 4,8 m – 6,8 m – 4,8 m
Kích thước bước cột tòa mới: 4,45 m – 8,20 m – 4,45 m
Khảo sát của đại diện nhóm Di sản
Kết quả khảo sát công trình di tích, nhóm đánh giá sơ bộ như sau:
Phần hạ tầng thoát nước: Công trình nằm trong trung tâm của khu dân cư, cũng như quần thể mục vụ của địa phận. Cote nền công trình nằm khá thấp so với hạ tầng xung quanh. Đây là vấn đề có thể khắc phục bằng cách cho vành đai thoát nước nằm ngoài phạm vi móng công trình (khi khảo sát kỹ sẽ có phương án cụ thể sau)
Phần kiến trúc: Công trình có 2 hệ chịu lực chính, phần thân bằng gạch, và phần mái bằng hệ gỗ.
+ Phần thân 2 tháp chuông kết cấu còn đảm bảo, thân tường có một số bị nứt tương đối nghiêm trọng (vết nứt khoảng 5cm) và có dấu hiệu bị xâm thực (một phần do sắp tháo dỡ nên công trình không còn được chăm sóc thường xuyên nữa).
+ Phần sàn chưa thấy dấu hiệu lún ở các vị trí có tải trọng lớn như tháp chuông, các vị trí cột.
+ Các chi tiết bậc cấp, bằng đá thanh bị chèn, lấp do thay đổi cao độ sân.
Phần nội thất:
+ Trần cuốn vòm bằng rơm, mật mía, có dấu hiệu bong, rộp và rơi rớt. Phần cửa không còn cửa nguyên gốc, thay vào đó là cửa bản gỗ đơn giản.
+ Tường trong: Xuất hiện nhiều mảng rêu mốc có diện tích lớn ở nội thất (nứt tường). Sàn còn rất đẹp, gần như còn nguyên gạch lát sàn, chưa bị ảnh hưởng.
+ Cột gỗ lim và bệ đá chân cột: khả năng chịu lực còn tốt, các cột gỗ lim kích thước lớn, còn nguyên vẹn và có giá trị thẩm mỹ cao. Ngôi thánh đường đứng vững là nhờ những cột gỗ lim vững chắc đặt trên những bệ đá với những đường nét hoa văn mang dấu ấn theo lối kiến trúc Ba rốc đậm chất Tây Ban Nha. Những hình hoa ovan với nhiều chi tiết cầu kỳ là dấu ấn nhận biết ngôi thánh đường này. Nó xuất hiện từ những góc nhỏ của ô cửa sổ đến góc cao của trần thánh đường. Hình ảnh kết hối ba hình ovan vừa thể hiện đường nét ba rốc cổ kính vừa thể hiện nét Phương Đông tạo ra không gian đa dạng phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại. Trần thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương trong đó có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc (KTS. Cao Thành Nghiệp)
Tạm kết luận sơ bộ về hiện trạng Di sản: Không có dấu hiệu cho thấy công trình xuống cấp nghiêm trọng và không có khả năng chịu lực như thông tin mà Tòa Giám Mục đưa ra.
Công trình có kiến trúc rất đẹp, hoàn toàn có khả năng sửa chữa, trùng tu. Nhóm nghiên cứu hiện trạng đề nghị cho dừng ý định hạ giải công trình để đợi các chuyên gia di sản xem xét. Ngoài ra, biện pháp thi công phần trùng tu phải được công bố về phương pháp trùng tu.
Một số giải pháp trước mắt
Nhà Thờ Chánh tòa Bùi Chu chưa được xếp hạng di tích, đề nghị Tỉnh Nam Định ra quyết định khẳng định đây là công trình có giá trị kiến trúc/lịch sử, văn hóa và đưa vào danh mục kiểm kê để được bảo vệ bằng Luật Di sản. Như vậy có thể tạm thời hoãn lại ngày khởi công phá dỡ.
Các nhà báo có thể xin gặp UBND Huyện Xuân Trường yêu cầu cung cấp thông tin về việc xin trùng tu của Giáo Xứ (vì hiện nay Nhà Thờ mới chỉ công bố trên trang thông tin của Giáo phận Bùi Chu và cũng không công khai giấy tờ liên quan như giấy phép xây dựng, quyết định cho trùng tu…)
Nhà thờ chưa hề công bố ý định thi công dự án mới? Trùng tu như thế nào? Đại tu là ở mức độ nào?… Vì vậy, đề nghị Tòa Giám mục Bùi Chu cung cấp công khai những nội dung này.
Thực hiện Công ước – Không phá di sản
Khi Việt Nam đã tham gia ký công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản, việc Di sản Nhà Thờ Chánh tòa Bùi Chu bị phá dỡ sẽ tạo nên “tiếng vang lớn”. Cả thế giới sẽ nhìn cách chúng ta ứng xử với Di sản ở Bùi Chu giống như họ đã nhìn người Pháp ứng xử ngày 15/4 với Notre Dame De Paris để mà so sánh. Liệu Giáo xứ, Tòa Giám mục và cả chính quyền huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có chịu được trách nhiệm này?
Di sản là tài sản Quốc gia cho dù đã nằm trong danh sách di sản hay chưa cũng không ai được động đến nếu không có những quyết định, cân nhắc từ phía các nhà chuyên môn. Di sản Nhà Thờ Chánh tòa Bùi Chu không còn là tài sản riêng của Giáo xứ hay của Tỉnh Nam Định mà chúng ta cần nhận thức rằng đó là tài sản của cộng đồng. Sẽ là tổn thất lớn, là sự mất mát không chỉ với tỉnh Nam Định mà với tất cả chúng ta nếu chúng ta cho đập bỏ di sản. Thời điểm này còn quá ít thời gian, rất cần một quyết định khẩn cấp, kịp thời của UBND Tỉnh, của cơ quan Bộ Văn Hóa để tạm thời hoãn hoạt động khởi công ngày 13/5 sắp tới. Chờ có những phân tích chuyên môn và đưa ra giải pháp bảo tồn Di sản này, cho dù có phải mất thêm thời gian. Mọi sự vội vàng sẽ có thể dẫn đến những sai lầm không thể sửa chữa được.
Cần ghi chú thêm: “Hạ giải” là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng. Vì vậy việc hạ giải là để phục vụ công tác trùng tu, trong trường hợp này (so sánh trên bản vẽ và hiện trường thi công kết cấu gỗ) Nhà thờ sẽ được xây mới hoàn toàn.
TS Nguyễn Hạnh Nguyên (Kiến trúc sư)
Theo Facebook Nguyen Hanh Nguyen
Xem thêm:
Từ khóa Quốc tế Di sản nhà thờ Bùi Chu