Những kẻ sống sót
- Nguyễn Phi Vân
- •
Khi gặp khủng hoảng kiểu đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới thấy, những doanh nghiệp “bỏ hết trứng vào một rổ” luôn bị đe doạ bức tử đầu tiên. Đó cũng là lý do vì sao có chữ đa dạng hoá từ kênh bán hàng, phân phối, marketing, chuỗi cung ứng, cho đến hồ sơ thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, v.v…
Người xưa dặn, “Don’t put all eggs in one basket” – Đừng bỏ hết trứng vào một cái rổ, vì lỡ cái rổ này nó bể, thì toi hết cả đám trứng. Nếu chỉ có 1 khách hàng lớn, 1 kênh bán hàng, 1 nhà cung cấp, 1 thị trường chính, 1 loại sản phẩm, 1 mô hình kinh doanh, v.v.. thì khi cái 1 đó đụng khủng hoảng, kiểu thị trường Mỹ, EU tạm ngưng nhập khẩu, hay lệnh tạm đóng cửa các chi nhánh của một số ngành tại TP.HCM vừa rồi sẽ cướp đi sự sống của rất nhiều doanh nghiệp. Do đó, luôn tập trung bắt đầu từ một khi khởi đầu, nhưng luôn luôn phải tiếp tục đa dạng hoá theo kế hoạch và thời gian.
Nếu chỉ đang B2B (Business to Business – chỉ hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), phải nghĩ khi nào và bằng cách nào sẽ B2C (Business to Customer – hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng), F2C (Factory to Customers – hình thức kinh doanh từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng), F2C2C (Factory to Customers to Customers – hình thức kinh doanh từ nơi sản xuất đến khách hàng và từ khách hàng đến khách hàng), v.v…
Nếu chỉ đang offline, phải nghĩ khi nào sẽ online, khi nào tự vận hành, khi nào qua third party (bên thứ 3), qua các nền tảng nào để trở thành O2O (Online To Offline – mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức Online và Offline dựa trên các công nghệ số), Omni-channel – mô hình bán hàng đa kênh.
Nếu chỉ đang manual – thủ công, phải nghĩ khi nào sẽ số hóa, sẽ tự động hoá để quản trị tối ưu và hiệu quả hơn. Nếu chỉ đang có một kênh phân phối truyền thống, phải nghĩ khi nào bắt đầu các kênh phi truyền thống. Nếu chỉ một mô hình kinh doanh gia công, hãy nghĩ tự xây dựng thương hiệu, tự xây dựng mô hình kinh doanh bán sỉ hay lẻ với thương hiệu đó, v.v…
Hôm qua, VTV gọi phỏng vấn và hỏi tôi chuyện gì sẽ xảy ra sau COVID-19. Tôi nghĩ khủng hoảng này là một cơn thanh lọc khá tàn nhẫn, loại nhiều doanh nghiệp không đa dạng hoá, không số hoá, không ứng dụng công nghệ, không có kế hoạch chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh 4.0. Ví dụ đối với ngành F&B (Food and Beverage Service – dịch vụ nhà hàng và quầy uống), việc chuyển đổi sang các mô hình nhỏ, mobile, virtual – nền tảng online, subscription – dịch vụ đăng ký trước, v.v.. đã có từ lâu. Tuy nhiên, do chủ quan tình hình kinh doanh chưa hề bị ảnh hưởng nên rất nhiều doanh nghiệp lơ là, bỏ qua không đưa vào kế hoạch. Do đó, khi đại dịch xuất hiện, họ không kịp trở tay, vì phải bắt đầu từ số 0, trong khi các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đa dạng hóa mô hình chỉ cần hoán đổi vị trí ưu tiên và phản ứng nhanh để chuyển đổi. Sống còn, không phải là ông to bà nhỏ. Sống còn thuộc về những nhóm phát triển có kế hoạch, phản ứng nhanh, linh hoạt, quyết liệt, với mô hình quản trị tinh gọn.
Qua đại dịch này, đương nhiên sẽ có người ra đi, người ở lại, nhưng đây là bài học đắt giá cho những ai kinh doanh một cách quá chủ quan, không để mắt đến tương lai, không cập nhật xu hướng chuyển đổi tất yếu của thời thế, của thế giới. Khủng hoảng, cuối cùng là cuộc reset – tái lập tư duy cho tất cả doanh nghiệp. Survival of the fittest – sự tồn tại thuộc về kẻ thích nghi & hội nhập.
Nguyễn Phi Vân (Chuyên gia nhượng quyền)
Từ khóa COVID-19 khủng hoảng kinh tế viêm phổi Vũ Hán