Viêm phổi Vũ Hán tàn phá ngành dệt may, da giày như thế nào?
- Nguyên Hương - Sơn Nguyên
- •
Đóng góp 10-15% giá trị xuất khẩu cả nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước, ngành dệt may da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 tháng kể từ khi Trung Quốc công bố dịch viêm phổi Vũ Hán, cùng lúc dịch bệnh lan ra toàn thế giới, toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đảo lộn, đẩy 2,7 triệu lao động vào tình trạng bấp bênh khi cả nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu đều sụt giảm.
Sản xuất cầm chừng, chờ nguyên liệu
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cho biết từ đầu tháng 2 đến nay các nhà cung ứng nguyên liệu dệt may, da giày tại Trung Quốc ngừng sản xuất do dịch Viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Hoạt động giao thương, vận tải giữa các nhà cung ứng Trung Quốc với bên ngoài cũng gặp khó khăn nên không thể nhập được nguyên liệu.
Do không lường trước tình huống dịch bệnh nên doanh nghiệp Việt Nam cũng không dự trữ nhiều nguyên liệu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, Việt Nam nhập khẩu 151 ngàn tấn bông, 77,8 ngàn tấn sợi, 709,3 triệu USD giá trị vải các loại, 369,3 triệu USD giá trị nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước từ 8-12%.
Theo ông Khánh, để bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thuộc da từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… Tuy nhiên, năng lực cung ứng của các thị trường này không lớn và hiện cũng đang chịu tác động tiêu cực của dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Còn thuộc da được sản xuất trong nước còn quá ít và có giá thành khá cao, không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất đơn hàng lớn.
“Tới thời điểm này, một số doanh nghiệp đã chuyển sang phương án sản xuất một ngày, nghỉ một ngày vừa chờ nguyên liệu vừa giữ chân công nhân với hy vọng có thể hoàn tất các đơn hàng đặt trước vào cuối tháng Ba. Nếu qua tháng Tư, tình hình cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc không có chuyển biến tích cực và không có đơn hàng mới thì nhiều doanh nghiệp buộc phải ‘đóng băng’ hoạt động,” ông Khánh chia sẻ.
Đối với nguyên phụ liệu dệt may, các doanh nghiệp cho biết phía Trung Quốc đã thông báo giao hàng trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán, công suất sản xuất tại Trung Quốc giảm mạnh, một số nguyên phụ liệu bị thiếu hụt nên việc trả hàng cho Việt Nam đang rất chậm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết nguồn nguyên liệu hiện có tại các doanh nghiệp chỉ đảm bảo duy trì sản xuất đến cuối tháng 3. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sản xuất khoảng 60-70% công suất để chờ nguồn nguyên liệu mới.
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp dệt may sẽ rất khó để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho 2,7 triệu người lao động trong ngành.
EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam
Tại cuộc họp của Bộ Công thương bàn các giải pháp ứng phó dịch COVID-19 của ngành công thương vào chiều 20/3, ông Trương Thanh Hoài – cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết một số nhà mua lớn tại Mỹ và EU yêu cầu hủy đơn hàng ngành dệt may và da giày tháng 3 và hoãn đơn hàng tháng 4-5; đơn hàng tháng 6 tạm thời chưa đàm phán.
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh nghiệp của ông đã nhận thông báo ngưng xuất hàng sang các nước EU từ ngày 13/3 và ngưng xuất sang Mỹ từ ngày 18/3. Tuy nhiên, ông Việt dự đoán việc ngưng nhận hàng của Mỹ và EU có thể kéo dài ít nhất 2 tháng, lý do là thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh điểm của dịch.
“Tại châu Âu bệnh lại lan truyền quá nhanh khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại dịch vụ tê liệt, không ai mua bán, ngoài việc tranh nhau trữ hàng thực phẩm. Chờ đến khi châu Âu kiểm soát được dịch này, mọi cái tạm ổn, ngành bán lẻ khởi động lại, thì các doanh nghiệp nhập khẩu mới mở lại kho và nhập hàng hóa vào để phân phối”, ông Việt nhận định.
Ông Nguyễn Đức Trị – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết với thị trường Mỹ, tổng số hàng bị hủy là 350.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy 150.000 sản phẩm. Ngoài ra các khách hàng cũng đề nghị lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30-60 ngày so với thời hạn.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay việc cấm tụ tập đông người của EU, Mỹ, đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn tại đây đóng cửa, “đây là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động”. Với việc hủy đơn hàng, số lượng đơn hàng bị hủy tương ứng 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Ông Trường nhận định với tình trạng dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng xuất khẩu thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nếu quy trình xử lý dịch kéo dài, thì không chỉ ngành dệt may mà các ngành khác đều gặp khó khăn trong năm 2020.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm đến 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.
Với thị trường EU, xuất khẩu dệt may năm 2019 đạt kim ngạch trên 4,6 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 41,48 tỷ USD.
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán hủy đơn hàng dệt may ngành da giày