Những chuỗi số liệu khí tượng và sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển cho thấy chúng ta sẽ phải đối diện với một tương lai khá khốc liệt phía trước.

chuoi gia tang nhiet do toan cau
Chuỗi gia tăng nhiệt độ toàn cầu từ năm 1880-2021. (Nguồn: nnvl.noaa.gov/Huy Nguyen/Facebook)

Về ngắn hạn trong đợt nóng này [từ ngày 17/6] thì đến 22/6 trời sẽ hơi đỡ nóng khi có các cơn mưa rào ở hầu hết mọi miền, trừ vùng ven biển từ Nghệ An vào Quảng Trị vẫn nóng và phải đợi sau đó ít ngày mới đỡ nóng. Nói là đỡ nóng thôi chứ giai đoạn này vẫn đang là mùa gió Tây Nam nên không mát mẻ được.

Nhìn xa hơn với những chuỗi số liệu khí tượng và sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển cho thấy chúng ta sẽ phải đối diện với một tương lai khá khốc liệt phía trước.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA) mới đưa ra chuỗi số liệu thống kê cho thấy một số điều như sau:

– Chuỗi số liệu trong 142 năm từ 1880-2021 cho thấy trong vòng 6 năm gần đây tính từ 2016, số liệu ghi nhận các tháng tháng 5 hàng năm có nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục. Đó là một chuỗi tăng đột biến với mức tăng hơn 1.5⁰C so với trung bình chung của thời kỳ tiền công nghiệp. Sự gia tăng này lại không phân bố đều mà theo hướng ngẫu nhiên tùy vùng miền. Tháng 5 năm 2021 là một trong sáu tháng 5 nóng nhất lịch sử mặc dù virus corona đã hạn chế được 10% phát thải khí nhà kính trong năm.

– Nồng độ khí nhà kính có mối tương quan khá rõ rệt với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Và nếu chúng ta nhìn vào sơ đồ gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển thì thấy mức độ gia tăng khí nhà kính giai đoạn này đã gấp đôi so với giai đoạn trước năm 1980. Giai đoạn hiện nay, loài người đang thải vào khí quyển khoảng 38 tỷ tấn CO2 mỗi năm và nếu tiếp tục duy trì mức gia tăng phát thải hiện tại thì đến năm 2050 loài người sẽ thải vào khí quyển khoảng 51 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Khi đó ngưỡng gia tăng nhiệt độ không phải chỉ vượt 1.5⁰C mà là 2⁰C- 2.5⁰C. Mức gia tăng đó là một cuộc khủng hoảng khó chống chịu.

Vậy có còn xa lắm không để chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng đó trong những năm 2050s? Xin thưa đó là 30 năm ngắn ngủi và đa số chúng ta, con cháu của chúng ta sẽ đối diện với nó. Tất nhiên những người ở thế hệ 6x và 7x không còn nhiều người sống được đến lúc đó, nhưng với những đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ là chủ nhân của thế giới ở những năm 2050s ấy. Liệu chúng chúng sẽ đối mặt với khủng hoảng khí hậu như thế nào? Chúng là con và cháu của chúng ta đấy.

Không cần đợi đến năm 2030s hay 2050s để thấy rõ cuộc khủng hoảng khí hậu mà những tác động của nó đang diễn ra thật gần cả về không gian và thời gian quanh chúng ta.

Tôi có một nỗi lo về hệ lụy của một cuộc khủng hoảng nguồn nước trầm trọng khi El-Nino quay trở lại. Giai đoạn đó có thể là khoảng mùa khô cuối năm 2022.

Vậy thì,

Trước khi đặt bút ký việc xóa sổ một khu rừng, dù là rừng trồng thì hãy nghĩ rằng con cháu sau này sẽ không còn nguồn nước, không chống chọi được với nắng nóng đâu.

Trước khi cầm cái cưa để cưa một cái cây, hãy nhớ đến những ngày nóng như thiêu như đốt này sẽ lặp lại và khốc liệt hơn. Xin đừng cưa, đừng chặt!

Không cần làm gì to tát cả, thấy chỗ đất nào trống thì cứ trồng cây vào đó. Có nhiều cây thì thành rừng. Còn cây và còn rừng thì còn nguồn nước sạch.

TS Nguyễn Ngọc Huy

(Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của tổ chức Oxfam tại Việt Nam)

Đăng theo Facebook Huy Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/kinh-te/mot-ngay-quang-binh-ra-3-quyet-dinh-thu-hoi-126-ha-dat-rung-cho-du-an-dien-gio-lon-nhat-viet-nam.html