Nước bạc hay người bạc
- Trần Vương Thuấn
- •
Những chú tôm chết khô trên một nhánh sông Mekong kiệt nước ở Thái Lan sẽ nói gì với 4 thùng thiếc tôm trị giá 1 đồng bạc năm 1929 ở Hậu Giang?
Trong ảnh là một trang viết trong cuốn hồi ký về vùng Hậu Giang-Ba Thắc của cụ Vương Hồng Sển. Theo như sách, vào những năm 1927, 1928, cụ đã mua 4 thùng thiếc tôm càng với giá chỉ 1 đồng bạc, giữa mùa nước lớn. Mua ngay giữa sông, gác chèo nhóm lò, nướng con tôm, ăn miếng gạch, thơ mang mang như nước.
Để biết 1 đồng bạc lúc ấy trị giá thế nào, có thể tham khảo thêm cuốn “Người Bahnar ở Kontum”, theo đó, thịt heo ở Kontum năm 1933 có giá được tác giả cho là rẻ vì nuôi tại chỗ nhiều, vào khoảng 3 đồng/10kg. Tức nếu so thì 4 thùng thiếc tôm càng sông Cử Long năm 1929 chỉ bằng khoảng hơn 3kg thịt heo ở Kontum năm 1933. Con số ấy cho thấy sự trù phú của vùng đất đồng Cửu Long vào mùa nước về, nước mang sự sống.
Cũng trong trang sách này, cụ Vương cho biết “Mấy năm trước, cá mắm không làm sao cho hết”. Cụ viết bài này vào khoảng 1966, vậy vào khoảng đầu thập niên 60, khi chiến tranh chưa tăng cường độ, các khu vực sông miền Tây chưa bị mất an ninh vì 2 phe đánh nhau đến mức ít người khai thác và xăng dầu, súng đạn khiến cá tôm ít đi thì nước vẫn đãi đằng người hết mức.
Sự trù phú ấy đã thành cổ tích, chuyện bước ra là thấy cái ăn đã thành chuyện cười ra nước mắt. Câu chuyện đồng ngập mặn khiến bao nhiêu làng đã trở thành công nhân thời vụ ở các khu công nghiệp, nhấp nhổm chờ nước về, chờ đất ngọt lại để quay về không còn là hiếm. Câu chuyện không tiền mua nước ngọt xài, câu chuyện người dân các vùng hạn mặn phải đào ao trải bạt trữ từng ít nước ngọt để dùng trong các việc cần thiết nhất, ngay giữa vùng mà cách đây ít lâu người ta còn lo lắng hát hò kiểu “miền Tây nước lớn đứng ngồi không yên”, nỗi kinh ngạc quá buồn. Không chỉ là ly hương, ly nông, một đời sống văn hóa đạp đẽ, những cuộc đời cụ thể đang biến mất dần.
Trong khi đó, 40 tỷ mét khối nước đang được 8 đập Trung Quốc giữ lại phía đầu nguồn. Báo chí Trung Quốc khi đề cập đến Mekong, không nói 1 từ nào về cách họ trải các bẫy nước khắp từ thượng đến hạ nguồn dòng sông này, họ đổ nước cạn là tại trời không mưa. Các đập thủy điện như Cảnh Hồng là một ông trời mới, khi cuối nguồn kêu ca quá, họ nhỉ ra một chút nước, những giọt nước sẽ đổ tiếp vào các đập như Xayaburi đang tích nước chạy thử nghiệm.
Trong khi ước mộng bá chủ bằng nguồn năng lượng điện đang đốt cháy hừng hực dòng sông, khiến mọi phù sa biến mất, khiến mọi thủy tộc chết khô, thì người dân cuối nguồn chia nhau từng giọt nước ngọt, loay hoay tìm cách khai mở đời sống. Câu chuyện về thỏa thuận nguồn nước cách quá xa khả năng của họ. Đại dịch virus hôm nay, phải chăng là một cơ hội để những kẻ gom hết của thiên hạ về làm của riêng mình tỉnh ra một chút mà biết trong sự sống có người có ta, những vận động, chế tài nào đó có thể trả lại nước, trả lại phù sa, trả lại thủy sản, trả lại sự sống cho một dòng sông, cho nhiều dòng sông, cho một vùng đất, cho nhiều vùng đất.
Những chú tôm chết khô trên một nhánh sông Mekong kiệt nước ở Thái Lan (ảnh) sẽ nói gì với 4 thùng thiếc tôm trị giá 1 đồng bạc 1929 ở Hậu Giang? Chắc như những người dân, chúng không hiểu đời sống của chúng được quyết định cách đó rất xa bằng rất nhiều con số được gọi là chỉ số phát triển, gọi là tiền.
Trần Vương Thuấn
Đăng theo Facebook Thuan Vuong Tran với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa nguy cơ hạn hán ĐBSCL sông Mekong cạn nước thủy điện sông Mekong