Tản mạn về biểu tượng văn hóa
- Nguyễn Thị Hậu
- •
Mỗi một vùng đất, nơi chốn, mỗi thành phố đều có biểu tượng riêng. Mục đích của biểu tượng là để nhận biết và truyền một thông điệp có ý nghĩa về nơi chốn ấy.
Biểu tượng là hình thức cao của nhận thức, giúp ta lưu giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt. Biểu tượng không nhất thiết phải mang ý nghĩa chính trị hay tư tưởng cao siêu mà nhiều khi là ước mong, hy vọng bình thường của loài người: chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình, chẳng hạn. Một công trình kiến trúc hay tác phẩm là “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng”, một đặc trưng tự nhiên tiêu biểu cho nơi nào đó hay thậm chí là một món ăn độc đáo… đều có thể được coi là biểu tượng. Qua thời gian nhiều biểu tượng đã trở thành di sản văn hóa quốc gia hoặc di sản thế giới.
Biểu tượng và nơi chốn có mối quan hệ hai chiều: Biểu tượng chỉ thuộc về một nơi chốn và ngược lại, nơi chốn tồn tại trong ký ức cộng đồng qua biểu tượng. Paris và tháp Eiffel, Sydney và Nhà hát “con sò”, Bruxelles và tượng cậu bé đứng tè vui nhộn, Copenhagen với bức tượng nàng tiên cá từ câu truyện cổ tích nổi tiếng của Andersel, Hà Nội là Hồ Gươm và sự tích “hoàn kiếm”, Sài Gòn và Chợ Bến Thành – ngôi chợ có mặt từ khi khởi lập thành Gia Định… Nhiều dòng sông được coi là biểu tượng của một thành phố: đoạn sông Danube chảy qua Budapest (Hungaria), sông Seine qua Paris (Pháp), sông Hồng qua Hà Nội (Việt Nam)… cùng với con sông là những cây cầu tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử.
Biểu tượng văn hóa rất đa dạng, phong phú như cuộc sống, phản ánh đặc trưng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, xã hội và con người một thành phố. Có “biểu tượng chính thống” hình thành trong quá trình lịch sử hoặc biểu tượng mới do nhà nước đặt ra và sử dụng chính thức, cũng có “biểu tượng dân gian” được phổ biến, lưu giữ trong cộng đồng và lưu truyền qua ký ức. Biểu tượng chính thống nhưng mới hình thành do chính quyền thường mang tính chất chính trị “độc tôn”, còn biểu tượng dân gian thì đa dạng, mang giá trị phổ quát và tính cộng đồng cao. Ở một thời điểm, một giai đoạn nhất định thì giá trị các biểu tượng như nhau nhưng biểu tượng có từ lịch sử hay dân gian được lưu truyền sâu rộng và tồn tại bền vững hơn, không chỉ với cộng đồng tại chỗ mà còn được nhiều người, nhiều cộng đồng khác biết đến.
Điều thú vị là có những nơi chính quyền đã sử dụng một biểu tượng văn hóa dân gian (có giá trị cao nhất được cộng đồng thừa nhận) như là biểu tượng chính thức, vì nhận thức được giá trị nhân bản phổ quát và sự độc đáo của biểu tượng. Trong mười biểu tượng của Trung quốc mà phần lớn là các công trình kiến trúc đồ sộ, danh nhân văn hóa lừng lẫy thì có gấu trúc – một loài động vật sống ở vùng núi tỉnh Tứ Xuyên. Gấu trúc được chọn vì tiêu biểu cho việc quan tâm chăm sóc động vật hoang dã quý hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học ở Trung quốc.
Gấu trúc mang đến hình ảnh thân thiện với mọi người, mọi quốc gia dù thể chế chính trị khác nhau, thể hiện xu hướng hội nhập với thế giới vì coi trọng và bảo vệ thiên nhiên… Hiện nay gấu trúc trở thành một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Trung quốc, được Hollywood dựng thành phim, thể hiện bằng nhiều vật phẩm văn hóa nên ngày càng phổ biến rộng rãi trên thế giới.
***
Nhân trường hợp gấu trúc Panda không thể không nhớ đến loài Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, vừa được thành phố Đà Nẵng thống nhất chọn làm hình ảnh nhận diện của thành phố, nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra tại đây.
Loài voọc chân nâu có thân hình dài, mảnh dẻ, sống thành từng bầy trên cây, hoạt động vào ban ngày. Đây là loài vooc có màu sắc rực rỡ nhất, được gọi là “nữ hoàng của các loài linh trưởng”. Từ đầu gối đến mắt cá chân của voọc giống như một đôi tất dài màu nâu đỏ, cẳng tay trước của chúng như có đôi găng tay trắng mịn nhưng bàn tay và đôi chân thì lại có màu đen. Vooc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng, mí mắt lại có màu xanh dương nhẹ, đuôi trắng xám và có cụm lông trắng ở phía cuối. Đôi mắt to tròn, đen lấp lánh và vô cùng biểu cảm, trong trẻo như mắt trẻ thơ nhưng cũng đượm nét ngơ ngác buồn…
Các nghiên cứu gần đây cho biết loài vooc này chỉ còn hơn một ngàn cá thể, nhiều nhất ở bán đảo Sơn Trà trong một quần thể sinh học khá đa dạng. Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh việc bảo tồn loài vooc chà vá chân nâu không chỉ vì bản thân chúng mà còn là bảo tồn sự đa dạng sinh học chung của bán đảo Sơn Trà vì môi trường sống của con người. Và cũng như loài gấu trúc ở Tứ Xuyên – Trung quốc, loài vooc chà vá chân nâu của Sơn Trà từ “hình ảnh nhận diện” hoàn toàn có thể được coi là một biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng giàu đẹp về thiên nhiên, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Nếu trở thành biểu tượng của Đà Nẵng thì hình ảnh vooc chà vá chân nâu sẽ có tác dụng tích cực hơn đến giáo dục ý thức, truyền thông rộng rãi hơn về hành vi bảo vệ tự nhiên. Từ tài nguyên bản địa này các loại văn hóa phẩm về loài linh trưởng độc đáo sẽ là một nguồn tài nguyên văn hóa của Đà Nẵng và của cả nước.
Những khu sinh thái và thắng cảnh đặc biệt ở địa phương nào cũng phải được coi là tài sản, di sản quốc gia, được bảo tồn vì sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương và cả nước, góp phần bảo vệ sự sống trên trái đất. Biểu tượng văn hóa được xây dựng từ tài nguyên bản địa, được bảo vệ và phát triển dựa trên tri thức khoa học và sự nhân văn, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới sẽ góp phần làm cho hình ảnh quốc gia được lưu truyền rộng rãi và bền vững.
Tập chí Người đô thị số ngày 21.11.2017
Theo facebook Nguyễn Thị Hậu
Đăng dưới sự đồng ý của tác giả
Xem thêm:
Từ khóa văn hóa bảo tồn văn hóa Di sản văn hóa biểu tượng văn hóa