Tập Cận Bình muốn làm “anh cả”, nhưng Putin không muốn làm “em trai”
- Dương Uy
- •
Trước chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, truyền thông Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố tình tuyên bố rằng quan hệ Trung-Nga không phải là “’đồng minh’ như anh cả và em trai.” ĐCSTQ muốn lấy “em trai” Nga ra thách thức Hoa Kỳ và phương Tây với tư cách là “anh cả”, tuy nhiên ông Putin lại không muốn làm “em trai”.
Ngày 21/3/2023, ông Putin (ở xa) tổ chức lễ đón ông Tập Cận Bình tại Điện Kremlin, ông Tập (nhìn từ phía sau) đang đi qua sảnh dài để đến nơi chụp ảnh chung với Putin. (Ảnh: Pavel Byrkin/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)
Trung Quốc và Nga luôn lợi dụng lẫn nhau. Hiện giờ cả hai đều gặp khó khăn, họ lại càng có động cơ lợi dụng nhau một cách liều lĩnh, và tiếp tục diễn trò khá gượng gạo.
Ông Putin cố tình nâng cao vị thế của mình
Nga đã lún sâu vào cuộc chiến ở Ukraine và không thể tự mình thoát ra. Có vẻ như họ ngày càng cần sự giúp đỡ của ĐCSTQ. Điện Kremlin đã công bố tin tức về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình trước một tháng.
Tất nhiên, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ rất sẵn lòng làm “anh cả”. ĐCSTQ từng gọi Liên Xô cũ là “anh cả”, công nhận nền độc lập của Ngoại Mông do Liên Xô cũ ủng hộ, nhượng lại những vùng đất rộng lớn đó, như thành phố bị xâm chiếm Vladivostok. Thậm chí ĐCSTQ còn chiến đấu cho Liên Xô cũ trên bán đảo Triều Tiên.
Giờ đây, cuối cùng ĐCSTQ cũng có cơ hội được làm “anh cả”. Tuy nhiên, ông Putin lại không muốn làm “em trai”, mà lại muốn đề cao bản thân.
Lễ đón tiếp ở điện Kremlin diễn ra chóng vánh như thường lệ. Ông Tập Cận Bình phải đi bộ qua một hành lang dài mới đến được vị trí chụp ảnh chung với ông Putin. Bầu không khí ông Putin cố tình tạo ra không giống một cuộc gặp ngang hàng giữa hai nguyên thủ quốc gia, mà hơi giống một cuộc triệu kiến của ông ta. Ông Tập Cận Bình tỏ vẻ không hài lòng, nhưng cũng đành bất lực.
Ngày 20/3, hai ông Tập Cận Bình và Putin gọi nhau là “người bạn cũ thân thiết” trước cuộc hội đàm riêng. Tuy nhiên, ngày 21/3 khi ông Tập Cận Bình đến Điện Kremlin, ông Putin lại không ra cửa chào đón.
Trong đại sảnh dài dành cho lễ tiếp đón, ông Putin đợi ở một đầu bên trong, còn ông Tập Cận Bình bước vào từ bên ngoài của đầu còn lại. Khoảng cách giữa hai người ước chừng có thể là 100m, nếu thị lực không tốt, có thể không nhìn rõ nhau.
Nơi hai người bắt tay và chụp ảnh chung cách ông Putin khoảng 20-30m, nhưng lại cách ông Tập Cận Bình 50-60m. Ông Putin cố tình đi chậm lại, đợi ông Tập Cận Bình đi ngang qua hội trường dài. Ông Tập Cận Bình đi ngang qua một hàng quan chức Trung Quốc và Nga cùng các phóng viên truyền thông, trông rất giống một đặc phái viên nước ngoài đến hội trường yết kiến.
Bằng cách sắp xếp một buổi lễ bất đối xứng như vậy, có lẽ ông Putin hy vọng sẽ nâng cao vị thế của mình, đồng thời hạ thấp ông Tập Cận Bình.
Sau khi hai người gặp nhau, chỉ có tấu nhạc đơn giản và chụp ảnh là kết thúc. Toàn bộ buổi lễ cũng không hoành tráng, ấn tượng sâu sắc nhất là ông Tập Cận Bình phải đi qua hơn nửa hội trường để tới bắt tay với ông Putin.
Theo thông lệ của ĐCSTQ, khi các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ sẽ cùng họ duyệt đội danh dự của 3 lực lượng vũ trang. Buổi lễ được tổ chức bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh khi thời tiết tốt, và được bố trí trong sảnh của Đại lễ đường Nhân dân khi thời tiết xấu.
Sau khi ông Tập Cận Bình đến sân bay Moscow, Nga đã cử Phó Thủ tướng ra đón. Tại sân bay Nga cũng bố trí một cuộc duyệt binh nhỏ, nhưng chỉ có Phó Thủ tướng tháp tùng.
Sáng 21/3, ông Tập Cận Bình đến Phủ Thủ tướng Nga hội đàm, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã đón tại cửa. Buổi chiều ông Tập Cận Bình đến điện Kremlin hội đàm với ông Putin nhưng ông ấy không ra cửa chào.
So với năm 2019, lễ đón do Điện Kremlin sắp xếp gần giống nhau, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ khó có thể thể hiện hình ảnh của một “anh cả”.
Tháng 9/2022, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này ở Trung Á có phần lúng túng. Khi đó, ông Putin đang khẩn thiết cầu cứu, trong khi ông Tập Cận Bình có vẻ tránh né. Truyền thông ĐCSTQ cố tình xử lý một cách lặng lẽ. Lần này sự sắp xếp của Điện Kremlin dường như không phải đang cầu cứu nhà lãnh đạo ĐCSTQ.
Tính toán của điện Kremlin
Chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình hẳn là điều mà Điện Kremlin rất mong đợi. Ngày 18/3, ông Putin cố tình xuất hiện tại thành phố Mariupol, Ukraine, thực chất là đang tìm mọi cách để kéo ông Tập Cận Bình xuống nước.
Tốt nhất là có thể khiến ĐCSTQ trực tiếp can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine, hoặc chí ít là để chuyến thăm của ông Tập trở thành việc ĐCSTQ tán thành với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Điện Kremlin rất hy vọng rằng ĐCSTQ có thể cung cấp vũ khí và đạn dược trên quy mô lớn càng sớm càng tốt, đặc biệt là được cung cấp viện trợ miễn phí như Hoa Kỳ và NATO dành cho Ukraine.
Một khi sự thật về việc ĐCSTQ cung cấp vũ khí bị bại lộ, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và các nước NATO, ĐCSTQ sẽ bị Moscow trói vào cỗ xe chiến tranh của Nga.
Moscow rất muốn chứng kiến sự đối đầu gia tăng, thậm chí là xung đột leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như sự xấu đi của mối quan hệ Trung Quốc-Châu Âu, và ĐCSTQ chính thức trở thành kẻ thù của NATO. Như vậy, áp lực lên Nga sẽ được nới lỏng.
Nếu ĐCSTQ phát động chiến tranh qua eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ có thể sẽ không quan tâm đến Ukraine.
Điện Kremlin biết rằng ĐCSTQ thực sự hy vọng cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn sẽ tiếp tục, để Nga tiếp tục kiềm chế Hoa Kỳ và Châu Âu, đồng thời sử dụng Nga như một quân bài thương lượng, để chơi trò chơi đối đầu và thỏa hiệp với phương Tây.
Moscow biết rằng hiện tại ĐCSTQ cũng cần Nga. Điện Kremlin không muốn bị ĐCSTQ lợi dụng làm con bài thương lượng, thay vào đó họ lại muốn làm điều ngược lại, biến ĐCSTQ làm quân bài của mình.
Điện Kremlin cũng nhìn thấy tình trạng khó khăn hiện tại và mối lo ngại của ĐCSTQ. Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ không đủ thực lực để chia cắt bản thân với Hoa Kỳ, nên phải tránh gây thù chuốc oán với Châu Âu.
Do đó, Moscow khó có thể mong đợi ĐCSTQ công khai viện trợ quân sự cho Nga. Ở một mức độ nào đó, Nga còn phải hợp tác với ĐCSTQ, để ĐCSTQ đóng vai trò làm trung gian hòa giải, trong khi Điện Kremlin không sẵn lòng.
Quân đội Nga đang duy trì thế tiến công ở Ukraine, hiện tại chưa đến lúc ngừng bắn. Trong vài tháng nữa, nếu Ukraine thực sự phản công, và quân đội Nga không thể chống cự, thì chuyện này mới xảy ra.
Ngay cả khi Điện Kremlin thực sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, Moscow và phương Tây cũng có thể giải quyết trực tiếp với nhau, mà không cần tới sự can thiệp của ĐCSTQ.
Điện Kremlin thông thạo với các mô hình ngoại giao và kênh liên lạc của phương Tây hơn so với ĐCSTQ. Họ hoàn toàn không phải dựa vào ĐCSTQ, và cũng không sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của ĐCSTQ, để trở thành quân bài thương lượng cho các thỏa hiệp và giao dịch có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Lúc này, Điện Kremlin thực sự cần tới ĐCSTQ, nên họ phải diễn tuồng với nhà lãnh đạo ĐCSTQ, phối hợp với những lời tuyên truyền “ngoại giao cường quốc” và “ngoại giao nguyên thủ quốc gia” mà ĐCSTQ dùng để phô trương vị thế hòa giải của mình trong cuộc chiến Nga-Ukraine, cũng như vị thế của ĐCSTQ với Hoa Kỳ và phương Tây.
Có lẽ ĐCSTQ đang hỗ trợ cung cấp vũ khí trá hình cho Nga thông qua Iran và Belarus. Nếu ĐCSTQ không dám công khai, thì nhiều nhất cũng chỉ có thể cung cấp một số phụ tùng thay thế. Nga đành phải chấp nhận, bởi có còn hơn không.
Moscow hy vọng rằng khoản viện trợ này được cấp miễn phí, hoặc ĐCSTQ sẽ mua thêm năng lượng và nguyên liệu thô của Nga với giá cao nhất có thể, đồng thời giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Có lẽ đây mới là nội dung cốt lõi của cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai ông Putin và Tập Cận Bình vào ngày 20/3. Những gì được công bố trước công chúng chỉ là lời hoa mỹ nhằm che mắt thiên hạ.
Hai bên tất yếu phải mặc cả, có lẽ ông Tập Cận Bình muốn làm “anh cả”, nhưng ông Putin lại không muốn làm “em trai”.
ĐCSTQ đang cố tình phô trương thanh thế
Số lần hai ông Tập Cận Bình và Putin hội đàm đã quá nhiều, nhưng về cơ bản lĩnh vực hợp tác giữa hai bên vẫn không thay đổi nhiều.
Ngày 21/3, sau cuộc hội đàm quy mô lớn giữa Trung Quốc và Nga, ĐCSTQ tuyên bố sẽ “mở rộng thương mại truyền thống về năng lượng, tài nguyên, sản phẩm cơ điện”; “mở rộng hợp tác về công nghệ thông tin, kinh tế số, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và các lĩnh vực khác”; “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hậu cần và vận tải xuyên biên giới”; “tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy trao đổi nhân sự giữa hai nước.”
Trong khi, ông Putin chỉ đề cập đến việc “thúc đẩy tiến bộ mới trong sự hợp tác thiết thực giữa hai nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, hàng không vũ trụ, vận tải xuyên biên giới và hậu cần.”
Có vẻ như sự hợp tác Trung-Nga được hai bên phóng đại mạnh mẽ khó đạt được sự đột phá và thiếu những ý tưởng mới. Tân Hoa Xã liệt kê các văn bản hợp tác mà hai bên đã ký kết, bao gồm “nông nghiệp, lâm nghiệp, nghiên cứu khoa học cơ bản, giám sát thị trường, truyền thông” và các lĩnh vực khác, nhưng thực sự khá mờ nhạt.
Tuyên truyền của ĐCSTQ về hợp tác Trung-Nga chủ yếu là dành cho người Trung Quốc xem. Còn trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, trò lừa bịp của ĐCSTQ, chủ yếu là cho Hoa Kỳ thấy.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đề xuất Trung Quốc và Nga tham gia “quản trị toàn cầu” chỉ nhằm “củng cố các khuôn khổ đa phương quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cơ chế hợp tác BRICS và G20”.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và cơ chế BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có ảnh hưởng hạn chế và ít tác dụng đối với các nước phát triển phương Tây.
G20 chủ yếu do 7 quốc gia phương Tây thống trị, Trung Quốc và Nga có rất ít tiếng nói. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã không làm gì, còn ông Putin thì hoàn toàn không tham dự. Các cuộc đàm phán hữu danh vô thực giữa Trung Quốc và Nga không thể hiện nhiều sức mạnh.
Ngày 21/3/2023, ông Putin (phải) đọc diễn văn trong tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Pavel Byrkin/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)
Cả Trung Quốc và Nga đều có ý định lợi dụng nhau như một quân bài mặc cả, để thể hiện với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên ván bài giữa Putin và Tập Cận Bình phối hợp không tốt, cả hai đều chỉ nóng lòng muốn đạt được mục đích của mình.
Nếu ĐCSTQ muốn làm “anh cả”, đồng nghĩa với việc hy vọng nước Nga sẽ suy yếu. Nhưng đồng thời ĐCSTQ vẫn muốn Nga kéo dài cuộc chiến, không thể rút lui nhanh chóng khỏi Ukraine. Moscow cần ĐCSTQ, và biết rằng ĐCSTQ cũng cần Nga, nên Nga không muốn hạ mình làm “em trai”.
Sự đồng thuận thực sự giữa Trung Quốc và Nga, cũng như cơ sở hợp tác song phương đều khá hạn chế. Sau màn trình diễn chính trị là một cuộc gặp nhằm phô trương thanh thế, hai bên vẫn không có giải pháp cho các vấn đề của bản thân. Trò chơi “anh cả” và “em trai” này vẫn chưa có hồi kết.
Dương Uy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)
Từ khóa Tập Cận Bình quan hệ Nga - Trung Vladimir Putin Dòng sự kiện Tập Cận Bình thăm Moscow