Tập Cận Bình sa bẫy “cảnh khốn của nhà độc tài”
- Vương Đan
- •
Về những diễn biến chính trị nội bộ bất thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây khi chỉ trong vòng 3 tháng, 2 trong số 5 Ủy viên Quốc vụ đã bị thanh trừng đầy bí ẩn, điều này gợi nhiều suy đoán trong giới quan sát. Bài viết của tác giả Vương Đan đăng trên Đài VOA dưới đây thể hiện góc nhìn riêng cho thấy khả năng ông Tập Cận Bình sa bẫy “cảnh khốn của nhà độc tài” là một thực tế đáng lưu tâm.
Kể từ khi tham dự Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-châu Phi lần thứ 3 (tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 29/8), Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng của ĐCSTQ là ông Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng. Trong bối cảnh giới quan sát quốc tế đang chú ý bàn luận về vấn đề này, các phương tiện truyền thông hàng đầu như Financial Times, Washington Post và Reuters… mới đây đưa tin ông Lý Thượng Phúc đã bị cách chức và bị điều tra.
Từ vụ việc mất tích vào tháng 6 của một Ủy viên Quốc vụ khác là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương cho đến vụ việc Lý Thượng Phúc hiện tại, chỉ trong vòng 3 tháng đã có 2 trong số 5 Ủy viên Quốc vụ của ĐCSTQ bị cách chức đầy bí ẩn mà vẫn chưa có tuyên bố chính thức thuyết phục nào từ phía Trung Quốc. Nhìn từ tình hình các quan chức bị thanh trừng liên quan đến quốc phòng và đối ngoại là hai vị trí cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc, chúng ta có thể suy ra rằng ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy một đợt thanh trừng mới trong giới lãnh đạo cao nhất.
Vấn đề phổ biến được giới quan sát thế giới chú ý là tại sao ông Tập Cận Bình cần phải “thanh lọc” ngay trong ban bệ cao nhất? Hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận nguyên nhân cụ thể, nhưng có một số nguyên nhân được thế giới bên ngoài suy đoán, tôi nghĩ có thể phân tích từ logic bình thường để hướng đến ước đoán gần thực tế nhất.
Ví dụ, quan điểm cho rằng vấn đề dẫn đến việc ông Lý Thượng Phúc bị xử lý là tham nhũng, quan điểm này nghe thì có vẻ đúng đắn. Lâu nay thông tin phổ biến cho rằng vì tính chất mờ ám trùng trùng nên quân đội Trung Quốc gặp vấn đề tham nhũng nghiêm trọng hơn nhiều so với các chính quyền địa phương. Trong một thời gian dài trước đây ông Lý Thượng Phúc đã phụ trách “những lĩnh vực béo bở” như vấn đề vũ khí trang bị quân đội, từng giữ chức Giám đốc Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, là những nơi liên quan đến ngân sách quân sự bí mật khổng lồ rất thuận tiện cho tham nhũng. Theo thông lệ của quan trường Trung Quốc, thì nghi vấn ông Lý Thượng Phúc tham nhũng nghiêm trọng không phải là suy diễn vô căn cứ.
Tuy nhiên, với tư cách là “thân tín dòng chính” của ông Tập Cận Bình, ông Lý Thượng Phúc phải trải qua cuộc điều tra nghiêm ngặt của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trước khi được thăng chức Bộ trưởng Quốc phòng, nếu có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng mà ông Tập không thể chấp nhận được thì sẽ không thể lọt vào vòng cốt lõi của ban lãnh đạo cấp cao nhất, hà tất phải đợi chưa đầy một năm sau khi ông Lý nhậm chức mới giải quyết “cái gọi là vấn đề tham nhũng”? Hơn nữa, việc trấn áp tham nhũng nhằm vào Lý Thượng Phúc sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lực của chính ông Tập Cận Bình, dù sao đây cũng là lãnh đạo cấp cao do Tập lựa chọn, nên không lẽ ông không có trách nhiệm liên quan? Tất nhiên, cách xử lý cuối cùng đối với ông Lý rất có thể sẽ nhân danh “tham nhũng”, nhưng tôi không nghĩ đây là nguyên nhân thực sự khiến ông Lý Thượng Phúc bị thanh trừng.
Một quan điểm khác cho rằng việc thanh trừng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với ông Lý Thượng Phúc là nhằm xoa dịu quan hệ Trung-Mỹ, bởi Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, chừng nào ông Lý còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì các cuộc trao đổi quân sự Trung-Mỹ mà Mỹ mong đợi sẽ không thể nối lại suôn sẻ. Tôi nghĩ quan điểm này cũng gượng gạo.
Thứ nhất, nếu Trung Quốc thực sự muốn nối lại trao đổi quân sự thì hoàn toàn có thể thông qua một lãnh đạo quân sự cấp cao hơn ông Lý Thượng Phúc, chẳng hạn như hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương thay mặt hội đàm với Mỹ, sau đó trong hai năm tới thay thế Lý Thượng Phúc khi ban lãnh đạo thay đổi, như vậy có vẻ hợp lý hơn; thứ hai, từ hai sự kiện là việc trở lại của người có đường lối cứng rắn với Mỹ là Vương Nghị với tư cách là Ngoại trưởng, và việc Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy ông ấy không mấy nhiệt tình trong việc khôi phục và cải thiện quan hệ Trung-Mỹ đến mức phải thay thế thân tín để lấy lòng Mỹ. Vì vậy, quan điểm thay thế Lý Thượng Phúc nhằm cải thiện quan hệ Trung – Mỹ có phần không chính đáng.
Mặc dù chúng ta vẫn chưa thể biết sự thật chính xác đằng sau việc ông Lý Thượng Phúc bị xử lý, nhưng chỉ trong 3 tháng thay thế liền 2 ủy viên Quốc vụ dường như gợi ấn tượng sau: Tập Cận Bình đầy ngờ vực đối với các cán bộ cấp cao xung quanh, do đó đã không ngại các biện pháp cứng rắn.
Tôi tin rằng Tập Cận Bình đã bước vào tình thế điển hình “cảnh khốn của nhà độc tài”: nghi ngờ, ảo tưởng bị mưu hại, mắc kẹt trong cảnh đơn độc, dễ thanh trừng thân tín. Từ Tần Cương đến Lý Thượng Phúc, những gì chúng ta đã thấy là các biện pháp thành trừng đối với các thân tín hàng đầu của Tập Cận Bình ngày càng giống với thủ đoạn của Stalin trước Thế chiến thứ hai: không báo trước, tùy ý và bất ngờ. Kiểu cách như vậy tất nhiên sẽ gây hiệu ứng sợ hãi trong nội bộ khiến các lãnh đạo cấp cao khác sống trong hoang mang.
Nhưng hiệu ứng sợ hãi cấp trên đó không hẳn là điều tốt.
Thứ nhất, nếu thân tín luôn trong cảnh lo sợ cấp trên thì họ làm sao có thể làm tốt nhiệm vụ? Thứ hai, những quan chức gặp vấn đề nghiêm trọng thường có xu hướng liều lĩnh xử lý lãnh đạo để bảo vệ bản thân.
Do đó, có thể nhận định rằng Tập Cận Bình đã sa vào bẫy “cảnh khốn của nhà độc tài”, sẽ ngày càng cô đơn hơn, ít có khả năng thu được thông tin đầy đủ và chính xác, đồng thời tỷ lệ khả năng đưa ra quyết định sai lầm sẽ lớn hơn rất nhiều.
Từ khóa Tập Cận Bình Tân Cương Lý Thượng Phúc