Ngày 20/12 đánh dấu kỷ niệm 25 năm Ma Cao được trao trả cho Trung Quốc. Hôm 18, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có chuyến công du đặc biệt tới Ma Cao để thị sát, ông mô tả Ma Cao là viên ngọc quý trên tay tổ quốc, tuy nhiên nơi này thường được biết đến như một thành phố du lịch cờ bạc, hoặc “học sinh kiểu mẫu của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’”. Mặc dù vậy, so với Hồng Kông – cũng thuộc “một quốc gia, hai chế độ” – tại sao Ma Cao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Các bình luận chỉ ra rằng dù là “viên ngọc trên tay tổ quốc” Ma Cao, hay “hòn ngọc phương Đông” Hồng Kông, cả hai đều là vật chết bị ĐCSTQ chinh phục. Người dân Hồng Kông đã hiểu sai về chính quyền “một quốc gia, hai chế độ” trong nhiều năm qua, còn Ma Cao phù hợp các yêu cầu của ĐCSTQ, chỉ tập trung vào kinh tế chứ không coi trọng chính trị.

Tap Can Binh 4
Ông Tập Cận Bình thăm và phát biểu tại Ma Cao. (Ảnh chụp màn hình video)

Dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ, Hồng Kông và Ma Cao đã trải qua những khác biệt rất lớn

Theo báo cáo của Đài Châu Á Tự do (RFA) đưa tin, ông Tập Cận Bình đã đáp chuyên cơ tới Ma Cao để thị sát. Ngay khi xuống máy bay, ông đã đề cập rằng “Ma Cao là viên ngọc quý trên tay tổ quốc, chỉ cần phát huy đầy đủ ưu thế của ‘một quốc gia, hai chế độ’, ngày mai sẽ còn tốt đẹp hơn”. Ông bắt đầu hành trình thăm Ma Cao ngày thứ hai hôm 19/12. Chiều cùng ngày, ông hội kiến Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lý Gia Siêu, người đang tham dự lễ kỷ niệm, và cho biết: “Thực tiễn ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã bước vào giai đoạn mới, Hồng Kông và Ma Cao nên học hỏi lẫn nhau và tăng cường giao lưu và hợp tác.” Tập cũng cho biết ông kỳ vọng rất cao vào Hồng Kông.

Hôm 19/12, tờ Minh Báo (Ming Pao) dẫn lời ông Lưu Triệu Giai (Lau Siu-Kai), cố vấn của Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu Hồng Kông và Macao, nói rằng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã coi Ma Cao là một ví dụ thành công về mô hình “một quốc gia, hai chế độ” trong nhiều năm, và đã trở thành hình mẫu tham khảo cho chính quyền trung ương trong việc quản lý Hồng Kông. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Ma Cao hiện đã vượt qua Hồng Kông, nhưng tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với ĐCSTQ vẫn kém xa Hồng Kông. Dù vậy, thành tựu phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Ma Cao trong 25 năm qua đã khiến Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đánh giá thực tiễn “một quốc gia, hai chế độ” ở Ma Cao vượt trội hơn nhiều so với Hồng Kông.

Cựu quan chức Hồng Kông Trương Bính Lương (Anthony Cheung) đã đăng một bài báo trên Ming Pao hôm 19/12, nói rằng sức hấp dẫn của Hồng Kông nằm ở việc để thế giới nhìn thấy khía cạnh cởi mở, tự do và đa nguyên nhất của Trung Quốc, đồng thời kiên trì con đường “một quốc gia, hai chế độ” thì lòng người và niềm tin sẽ trở lại.

Tuy nhiên, thế giới bên ngoài đặt câu hỏi rằng Hồng Kông và Ma Cao đều là “một quốc gia, hai chế độ”, vì sao Hồng Kông trải qua phong trào chống Dự luật Dẫn độ, Luật An ninh Quốc gia, hiện nay lại đối mặt với các vấn đề như suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản chậm lại, niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, nhân tài tháo chạy và “xu hướng bị cô lập”, còn Ma Cao đã trở thành “học sinh kiểu mẫu” của ĐCSTQ.

Trước đây, dư luận cho rằng chỉ vì người dân Ma Cao không quan tâm đến dân chủ nên xã hội mới ổn định, kinh tế phát triển nhanh. Tuy nhiên, cựu Nghị sĩ ủng hộ dân chủ Ma Cao Au Kam San cho rằng cách nói này là lấy kết quả làm nguyên nhân.

Ông nói: “Ở Ma Cao, một mặt là ảnh hưởng của Bắc Kinh, mặt khác là ảnh hưởng của tầng lớp đặc quyền địa phương. Trên thực tế, họ không muốn có quyền bầu cử phổ thông.” Ông giải thích rằng Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rõ rằng Trưởng đặc khu và Hội đồng lập pháp sẽ được bầu bằng phổ thông đầu phiếu. Chính vì 2 cam kết này mà các xung đột chính trị liên quan đã nảy sinh. Ma Cao thì ngược lại, Ma Cao soạn thảo Luật Cơ bản muộn hơn Hồng Kông. Mặc dù phần lớn được sao chép từ Hồng Kông nhưng lại thiếu hai cam kết về quyền bầu cử phổ thông. Dù không được viết ra nhưng không có nghĩa là không thể tồn tại, tuy nhiên môi trường chính trị và cơ cấu xã hội của Ma Cao không thể tạo ra phong trào dân chủ.

Học giả quan hệ quốc tế Hoàng Vĩ Quốc (Wong Wai-Kwok) cho rằng việc ông Tập Cận Bình ca ngợi Ma Cao là sự tự lừa dối: “Ông Tập Cận Bình nói rằng Ma Cao rất thịnh vượng. Đây là một kiểu tự lừa dối. So với tình hình thực tế, chưa chắc nền kinh tế Ma Cao thực sự rất tốt trước khi ông Tập Cận Bình đến.”

Trước sự khác biệt quá lớn giữa Hồng Kông và Ma Cao ngày nay, một số cư dân mạng đã để lại lời nhắn rằng: “Ma Cao nên chú ý, sẽ trở thành tàn tích tiếp theo”.

Một số cư dân mạng thẳng thừng nói: “Ma Cao hoàn toàn khác với Hồng Kông. Người dân Ma Cao không phản kháng”. Vì vậy, nếu ĐCSTQ không động đến Ma Cao thì người dân Ma Cao không cần phải phản kháng, “Đến ngày hôm nay thì đã không còn cần phải phản kháng nữa, Ma Cao đã bị ‘luộc ếch bằng nước ấm và luộc đến chín rồi.” 

Một cư dân mạng khác để lại bình luận nhấn mạnh rằng Ma Cao đã “mất hết quyền tự do”.

Tang Phổ: Hồng Kông và Ma Cao là “vật đã chết”

Nhà bình luận thời sự Tang Phổ (Sang Pu) cho rằng ĐCSTQ thường “đề cao Ma Cao và hạ thấp Hồng Kông” trong những năm gần đây, đồng thời tin rằng Ma Cao là hình mẫu cho Đặc khu hành chính. Điều này là do ĐCSTQ chỉ muốn có hai hệ thống về nền kinh tế;  về phương diện kinh tế, Hồng Kông về cơ bản là một đặc khu trong đặc khu, nhưng ĐCSTQ chưa bao giờ đề cập rằng Hồng Kông hay Ma Cao là các đặc khu chính trị. Nói cách khác, ĐCSTQ sẽ không cho phép Hồng Kông thực hiện hệ thống phổ thông đầu phiếu dân chủ. Ngay từ ngày đầu tiên, “Điều 45 của Luật Cơ bản và các điều khoản khác chỉ là cái cớ”, do đó ĐCSTQ phớt lờ cam kết bầu cử phổ thông đầu phiếu đối với Hồng Kông. Đối với “Luật cơ bản Ma Cao”, thì không có cam kết về bầu cử phổ thông.

Ông Tang Phổ cho rằng dù là Ma Cao (được mệnh danh là “Hòn ngọc trong trên tay”), hay Hồng Kông (được mệnh danh là “Hòn ngọc phương Đông”), trong mắt ĐCSTQ, cả hai đều là “vật đã chết” và là đối tượng bị chinh phục, “Chính quyền trung ương sẽ cảm thấy Ma Cao là đối tượng dễ thắng, còn Hồng Kông thì khó hơn. Họ sẽ không coi Ma Cao và Hồng Kông là báu vật mà sẽ coi Ma Cao là biểu tượng quan trọng của sự bành trướng bá quyền. Ma Cao đã lập pháp Điều 23 và quản lý toàn diện.”

Trước những lo ngại từ bên ngoài rằng việc Ma Cao trở thành “viên ngọc quý trên tay” của chính quyền trung ương ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng đến vị thế “Hòn ngọc phương Đông” của Hồng Kông. Trang tin Am730 đã đăng bài viết hôm 20/12 với tiêu đề “Tác dụng ‘Hòn ngọc’ của Hồng Kông và Ma Cao”. Tác giả Lý Nhuệ Thiệu (Johnny Y.S. Lau) cho biết, loại lo lắng này là không có cơ sở vì Hồng Kông và Ma Cao mỗi nơi đều có chức năng riêng và rất khó để so sánh với nhau, cũng như hướng phát triển của hai nơi là khác nhau.

Ông nói rằng Bắc Kinh không sẵn sàng để Hồng Kông trở nên giống Ma Cao. Nếu muốn Ma Cao trở nên giống Hồng Kông, họ sẽ phải tốn rất nhiều công sức để thực hiện nhiều vấn đề cơ bản và vấn đề thực tế. Vì vậy, ông tin rằng thay vì “đào núi mở sông”, chi bằng cứ để thuận theo tự nhiên càng tốt hơn.

Ông Trình Tường, cựu đại diện Văn Hối Báo (Wen Wei Po) tại Bắc Kinh, mới đây đã viết một bài trên Đài Châu Á Tự do, cho biết Bắc Kinh sợ Hồng Kông nên đã cưỡng chế ban hành Luật An ninh Quốc gia hà khắc và Điều 23 của Luật Cơ bản.

Đề cập đến những lý do sâu xa khiến ĐCSTQ sợ hãi Hồng Kông, ông Trình Tường giải thích rằng bối cảnh lịch sử có thể bắt nguồn từ trước khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ từng lợi dụng Hồng Kông là căn cứ để lật đổ Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc,  và tiến hành mánh khóe vũ trang phân tách lãnh thổ quốc gia. Chính dựa trên kinh nghiệm lịch sử này mà ĐCSTQ hiểu rằng Hồng Kông có tiềm năng lật đổ chế độ tham nhũng, đồng thời cũng rất có người dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”, lợi dụng sự tự do của Hồng Kông để đánh đổ sự thống trị của ĐCSTQ.

Lư Ất Hân, Vision Times