Vay tiền của Trung Quốc – được gì và mất gì?
- FB TRẦN ĐĂNG KHOA
- •
“Chớ dại mà vay tiền của Trung Quốc”
Thời gian đi nhanh nhỉ. Vèo cái đã qua một tuần. Ngày cuối tuần rỗi rãi, lại được tán gẫu với Trần Đăng Khoa…
Vâng! Vái bà! Xin bà cứ tra khảo. Chả có ai bắt vạ hay đánh thuế cái lũ tào lao…
Ông có biết chuyện có người đặt vấn đề mình cần vay Trung Quốc tiền để làm đường Móng Cái – Vân Đồn không? Có báo đưa tin, trong một công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.600 tỷ đồng, trong đó vay Trung Quốc 300 triệu USD, tương đương gần 7.000 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dự án xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ thực hiện…
Điều này báo chí cũng đã nói rồi. Và Quảng Ninh cũng đã chọn phương hướng khác. Họ sẽ tự huy động vốn để tiến hành dự án. Đấy là cách chọn lựa khôn ngoan. Tiền đầu tư vào đường thu vốn rất nhanh. Vì ai mà chẳng phải đi. Nhiều cung đường do bị rút ruột, chưa khánh thành đã hỏng. Có cung đường rất xấu, mà phí đường lại rất cao. Toàn tiền thật trả cho cho cung đường rởm, mà mỗi ngày trạm vé thu đến hàng chục tỷ đồng. Người đầu tư không thiếu, thậm chí huy động tiền dân cũng xong. Không nên dính vào tiền của Trung Quốc, vì sẽ có rất nhiều hệ luỵ. Họ sẽ ép ta phải dùng công nghệ của họ. Mà công nghệ của họ thì quá lạc hậu. Rồi họ lại đưa người Trung Quốc sang làm đường. Trong khi dân ta còn không có việc làm. Rồi rất nhiều những rủi ro mà ta không thể lường hết được. Rất nhiều học giả và các chuyên gia kinh tế bàn về vấn đề này. Đặc biệt là ý kiến của bà Phạm Chi Lan. Cứ như lời bà thì hiện nợ công của chúng ta rất cao. Nguồn lực đầu tư phát triển không nhiều. Và công trình này ai sẽ hưởng lợi? Quảng Ninh là khu công nghiệp đang phát triển rất mạnh. Việc xây dựng đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn cũng cần, nhưng chưa đến mức phải gấp rút làm ngay. Nếu là sự cần thiết làm ngay thì phải chứng minh tác động kinh tế xã hội, hiện trạng ở vùng đó thế nào, liệu có phải nếu không có dự án này thì Móng Cái, Vân Đồn không thể phát triển được hay không? Nếu có dự án thì vùng này phát triển thế nào? Bao nhiêu người dân được hưởng lợi từ dự án đó? Trong khi nhìn ở tầm Quốc gia thì nhiều địa phương khác còn rất khó khăn, cần đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Móng Cái chủ yếu vẫn là quan hệ buôn bán với Trung Quốc, tiêu thụ hàng Trung Quốc là chính chứ không phải là cửa ngõ cho hàng Việt Nam xuất khẩu được hiệu quả, và vì thế cũng không đóng góp được bao nhiêu vào sự tăng trưởng kinh tế cho Quảng Ninh. Cũng theo bà Phạm Chi lan, Quảng Ninh hoàn toàn đủ lực để tự vực dậy khu kinh tế này, nên chỉ dựa vào ngân sách Trung ương, phải đi vay đi mượn để làm một dự án như vậy thì hoàn toàn không phù hợp. Tại sao bao nhiêu quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải không đưa ra đề xuất mà chỉ nhằm vào dự án này, phải chăng vì Trung Quốc họ quan tâm? Cũng có ý kiến nói rằng, vì không có ai khác quan tâm nên phải làm với Trung Quốc, nhưng phải xem Trung Quốc họ quan tâm vì lợi ích của họ hay vì lợi ích của Móng Cái- Vân Đồn? Họ muốn cho Vân Đồn phát triển ư? Đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Đặc biệt về an ninh quốc phòng. Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ thể hiện quá rõ. Và họ cũng không che giấu. Tình hình Biển Đông chúng ta thấy rồi. Còn đây là vùng biên giới đất liền nên lại càng phải hết sức tỉnh táo. Thêm nữa việc vay vốn của Trung Quốc cũng nhiều rủi ro và rất nguy hiểm.
Ông cũng có vẻ so đo nhỉ?
Xin đừng nghĩ tôi ác cảm hay tảy chay Trung Quốc. Tôi yêu đất nước Trung Quốc vô cùng và đặc biệt rất yêu nền văn hoá của họ. Nhưng hợp tác làm ăn với họ thì sợ vô cùng. Bao nhiêu dự án Trung Quốc làm dưới dạng ODA hay tổng thầu thì đều rất yếu kém. Yếu kém về chất lượng. Đã thế lại đội vốn lên rất cao và kéo dài liên miên về thời gian. Thông thường khi bỏ thầu, họ đưa ra cái giá rất rẻ. Nhưng sau đó giá tăng lên gấp mấy lần. Như vậy, công trình hoá ra rất đắt, chất lượng lại quá kém mà công nghệ thì quá lỗi thời. Bà thử đưa ra một công trình nào ta hợp tác với Trung Quốc mà tử tế? Không! Có dùng đến kính hiển vi cũng không thể soi ra. Nhiều công trình chỉ nhắc đến đã thấy kinh hoàng. Như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Bao nhiêu tai nạn ta phải gánh chịu. Giá vốn bây giờ đội lên gấp ba mà vẫn chẳng đâu vào đâu. Đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ 18 liên tiếp mà vẫn còn tiếp tục vỡ nữa. Ngoài ra còn các dự án liên quan đến Trung Quốc như bô xít Tây Nguyên, dự án Nhà máy thép Thái Nguyên…Tôi cũng rất tâm đắc với cách nhìn nhận tỉnh táo này của bà Phạm Chi Lan: “Trong quan hệ cá nhân, tôi làm ăn với bạn, nhưng nếu bạn liên tục gây hại cho tôi thì tôi chẳng có lý gì để giữ tình bạn với bạn. Tôi phải đi tìm những người bạn tốt hơn, sống với nhau đàng hoàng hơn. Tử tế hơn. Đó là mối quan hệ cá nhân, trong gia đình hay cả quốc gia cũng vậy. Không thể cứ tiếp tục sống với người luôn bắt nạt, chèn ép mình. Đặc biệt là trong quan hệ kinh tế, mình phải chọn lựa người làm ăn, làm sao cả hai bên cùng có lợi. Nhưng ở đây, lợi ích của Việt Nam bao giờ cũng bị thua thiệt. Nhiều khi rất nặng nề. Trong khi điều này không xảy ra với các đối tác khác…”
Ta hãy nhìn ngay những công trình của Nhật Bản hợp tác với ta. Chỉ tính hai cây cầu thôi, là Cầu Bãi Cháy rồi Cầu Nhật Tân. Phải nói là rất tuyệt. Những công trình này không chỉ chắc chắn, vượt tiến độ, mà còn rất đẹp. Đó thực sự là những cảnh quan của đất nước. Trong khi đó, ở quy mô đơn giản hơn nhiều, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông quả là một thảm hoạ. Trong khi vốn đã đội lên gấp ba, và rồi sẽ còn tiếp tục đội lên bao nhiêu nữa, mà công trình vẫn chưa xong. Hình thức lại rất xấu. Lồi lõm, gập ghềnh uốn lượn. Đường thế mà tầu chạy với tốc độ cao, lại ở trên không thì không biết sẽ thế nào? Trong khi thành phố thì bé, những tuyến phố rất bé, nhưng tuyến đường sắt trên cao lại to uỳnh to oàng như một con khổng long kỳ dị. Và rồi ai sẽ đi trên tuyến đường này? Rồi khi đưa vào sử dụng, có phải vì tuyến đường này mà Hà Nội tránh được nạn ùn tắc không? Chắc chắn là không rồi. Muốn giải quyết được nạn ách tắc, chỉ có một giải pháp duy nhất là làm hệ thống tầu điện ngầm. Rất nhiều nước có tầu điện ngầm. Nhưng chỉ có tầu điện ngầm của Nga là hiện đại nhất, hoàn thiện nhất. Phương tiện đi lại chính của người Nga ở Mátxcova là tầu điện ngầm. Hàng trăm ga tầu. Ga nào cũng đẹp. Tôi ở Nga 7 năm, đi lại chủ yếu là tầu điện ngầm, nhưng tôi vẫn chưa biết hết tất cả các ga. Mỗi ga là một công trình văn hoá kỳ vĩ. Có ga nằm sâu dưới lòng đất đến mấy trăm mét. Mỗi ga có sức chứa đến hàng ngàn người. Có thể tránh được cả bom nguyên tử. Đó là hệ thống giao thông nhanh nhất và tiện lợi nhất. Ngoài giao thông, nó còn có giá trị về mặt quốc phòng. Có thể thành hầm trú ẩn cho dân khi có chiến tranh. Thành phố lớn Matxcova nhìn trên mặt đất rất thưa thoáng và có phần vắng vẻ. Nhưng dưới lòng đất là cả một thế giới sống động và náo nhiệt. Tôi nghĩ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một hệ thống tầu điện ngầm hiện đại. Tiện ích như thế. Bây giờ, bằng công nghệ ép đất, có thể chỉ mấy năm là chúng ta có hệ thống giao thông tiện lợi này. Chỉ có bằng phương tiện này, chúng ta mới có thể xoá bỏ được nạn ách tắc giao thông và loại bỏ được xe máy. Còn sắp tới, nếu loại bỏ xe máy mà không có tầu điện ngầm thì sẽ còn ách tắc hơn vì lấy đâu ra đường cho ô tô đi. Tất nhiên, làm Tầu điện ngầm, không thể trông vào người Việt được. Với thói quen ăn cắp vặt, quen rút ruột công trình, làm mấy mét hầm còn sập lún thì làm sao làm được tầu điện ngầm. Hãy thuê luôn Nga họ làm cho. Bảo đảm sẽ đâu vào đấy hết. Mà rất chuẩn.
Có khi lúc ấy, lại Trung Quốc trúng thầu ông ạ. Trung Quốc rất có kinh nghiệm làm những công trình ngầm ở dưới lòng đất…
Không thể phủ nhận tài năng của người Trung Quốc. Các công trình của họ rất kỳ vĩ, có độ bền đến hàng ngàn năm. Các thành phố của họ rất đẹp. Hệ thống giao thông của họ vô cùng hiện đại. Có đến mấy tầng đường. Rất đẹp. Họ làm các công trình ngầm, các công trình nước mặn cũng tài lắm. Thì đấy, họ làm trộm đảo nhân tạo, làm trái phép, rồi các sân bay, các khu quân sự phi pháp, mà vèo cái đã xong rồi. Vậy mà chỉ mấy chục cây số đường Cát Linh Hà Đông họ làm cho ta thì dầm dề mấy năm trời, mà vẫn nhày nhụa, chẳng đâu vào đâu cả. Trông cung đường lại rất bẩn mắt. Điều này không phải chỉ xảy ra ở nước ta mà còn ở rất nhiều nước khác. Có lẽ vì thế mà trong vài năm gần đây, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã tảy chay hàng loạt các dự án của Trung Quốc, nhất là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Họ cân nhắc kỹ lưỡng giữa những cái được và cái mất, giữa lợi nhuận và rủi ro. Và rồi cuối cùng họ đã tháo chạy. Đầu 2016, Indonesia đã yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc dừng xây đường sắt cao tốc trị giá 5,5 tỷ USD. Trước đó, Sri Lanka cũng đã ngưng một dự án trị giá 1,5 tỷ USD ngay thành phố cảng Colombo với cáo buộc nhà đầu tư Trung Quốc vi phạm luật pháp và gây tổn hại môi trường. Chính phủ Myanmar cũng đã ngưng dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD, trong đó có 90% vốn do chính phủ Trung Quốc tài trợ và nhà thầu Trung Quốc thi công. Đó là những bài học vô cùng quý giá cho chúng ta. Đối với Trung Quốc, cần phải hết sức tỉnh táo. Không nên sa vào những vũng lầy mà chúng ta cũng đã từng bị sa lầy…
Xin cám ơn ông!
Vũ Song ghi,
Từ khóa công trình đường sắt kinh nghiệm Trung Quốc