Vị cựu tỉnh trưởng và những người hùng thầm lặng trong cuộc giải cứu đội bóng Thái
- Nguyễn Thị Ngọc Trân
- •
Tuần trước, sau khi biết tin 2 thợ lặn người Anh đã tìm thấy đội bóng The Wild Boars và huấn luận viên của họ, mình khen với nhỏ bạn cùng nhà người Thái, chính phủ nước mày giỏi nhỉ, trong vòng một thời gian ngắn đã huy động được một lực lượng cứu hộ quốc tế khổng lồ như thế để tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Nó bảo: À không, công đầu không thuộc về chính quyền trung ương, mà là chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc, cụ thể là cựu tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, ông Narongsak Osotthanakorn.
Bằng kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ quốc tế, và đặc biệt là tấm lòng của mình, ông Narongsak đã điều phối suôn sẻ một chiến dịch giải cứu mang tầm quốc tế, thu hút sự chú ý còn hơn cả World Cup, và gây cấn hồi hộp không kém gì các phim hành động Mỹ.
Ông Narongsak được điều về làm tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai hồi năm trước. Ông là một người được học hành tử tế và rất ham học hỏi. Ông có bốn bằng đại học ở Thái bao gồm kỹ thuật dân dụng, công nghệ, luật và quản lý công. Sau đó ông lấy tiếp bằng thạc sỹ về kỹ thuật khảo sát và thông tin địa lý tại Ohio State University ở Mỹ.
Ông Narongsak là một “ông quan” liêm khiết và chính trực, không cuối đầu trước cái sai và những điều vô lý. Trong một năm tại chức ngắn ngủi, ông đã từ chối phê duyệt nhiều dự án lớn mà ông cho là không có lợi cho người dân. Điều này đã làm mếch lòng chính quyền trung ương, kết cục là khoảng hai tháng trước, chính quyền trung ương đã ra quyết định thuyên chuyển công tác, điều ông về làm tỉnh trưởng của một tỉnh khác nhỏ hơn. Trong những ngày diễn ra chiến dịch giải cứu, ông đã không còn là tỉnh trưởng của tỉnh Chiang Rai nữa, vì vậy khi đọc báo mọi người sẽ thấy khi nhắc tới ông người ta đề là “the former governor”, hay “cựu tỉnh trưởng”.
Sự lãnh đạo tích cực của ông Narongsak trong chiến dịch này, hẳn không phải là một màn biểu diễn để kiếm phiếu cử tri, vì Thái Lan hiện giờ đâu có bầu cử dân chủ. Khi sự cố hang động xảy ra, ông cũng đã biết mình sắp kết thúc nhiệm sở tại Chiang Rai rồi, đáng lẽ ông đã có thể làm lơ, hay đơn giản là báo cáo cấp trên, chờ chỉ đạo. Nhưng bằng tấm lòng của mình, ông đã nỗ lực và chủ động khẩn trương tiến hành quá trình giải cứu. Tất nhiên không thể phủ nhận sự hỗ trợ từ Hoàng gia và Chính phủ Thái Lan, nhưng vai trò khởi động và điều phối của ông Narongsak là hết sức quan trọng.
Lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm, dân nhờ biết bao nhiêu. Chỉ huy một chiến dịch giải cứu kéo dài, phức tạp với nhiều bên liên quan và các lực lượng hỗ trợ quốc tế không hề là một việc đơn giản. Ông đi ra đi vào hang động hằng ngày để nắm tình hình, họp với các chuyên gia để bàn phương án cứu nạn, thăm hỏi trò chuyện với gia đình các nạn nhân, và thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo để thông báo tình hình với báo chí trong nước và quốc tế. Dân Thái thực sự xúc động khi xem một clip quay cảnh ông dặn dò lực lượng cứu hộ Thái, hãy xem các cậu bé như con em của mình.
Mình thì bị ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp, chu đáo và cẩn trọng của họ. Ngày hôm qua, khi nghe tin 4 em đầu tiên đã được giải cứu, mình tưởng tượng cảnh bố mẹ các em sẽ là những người đầu tiên được gặp các em trong bệnh viên, sau bao ngày xa cách. Nhưng mình đã lầm, danh tính của những người được cứu ra được giữ kín, và chỉ có nhân viên y tế mới được tiếp xúc với các em. Việc này có hai lý do, thứ nhất là để tránh nhiễm trùng, thứ hai là để không gây thêm đau đớn, lo lắng, hồi hộp cho các gia đình của các bé còn lại.
Hôm qua trước khi chiến dịch giải cứu bắt đầu, toàn bộ báo chí và những người không liên quan phải sơ tán khỏi khu vực cửa hang. Bệnh viện địa phương tỉnh Chiang Rai dành nguyên tầng một để đón các em, và cảnh sát canh phòng cẩn mật không cho báo chí đến gần. Ngày hôm nay, khi chiếc trực thăng chở một em đáp xuống và đội hỗ trợ khiêng cán cứu thương di chuyển từ trực thăng qua xe cứu thương, cảnh sát cầm các chiếc ô lớn để che mặt cậu bé đang nằm trên cán, giữ kín danh tính của người được giải cứu. Mọi việc đã được tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Tất nhiên, ông Narongsak không phải là người hùng duy nhất trong chiến dịch này. Có một người hùng đã hy sinh. Có những người hùng thầm lặng khác ít được truyền thông nhắc tới. Đó là những người nông dân nghèo ở khu vực quanh hang động vẫn vui vẻ với cánh đồng lúa ngập nước và đàn vịt thất lạc do nước bơm ra từ hang, họ vui vì họ có thể làm gì đó để giúp. Là những người thức đêm thức hôm giặt ủi những bộ quần áo lấm lem bùn đất của quân đội để trả lại những bộ quần áo sạch sẽ cho các anh tiếp tục nhiệm vụ vào sáng hôm sau, họ bảo họ không trực tiếp giúp đưa các em ra được, thôi thì giúp được cái gì thì giúp. Là những tổ chức chữ thập đỏ tình nguyện túc trực tại cửa hang cung cấp các nhu yếu phẩm, thức ăn, cả dịch vụ matxa, hớt tóc, và họ từ chối nhận tiền quyên góp. Là các chuyên gia lặn, chuyên gia hang động, bác sỹ, quân đội,… từ khắp nơi trên thế giới…
Mình nể sự dũng cảm, khả năng chịu đựng và tinh thần đoàn kết của đội bóng bao nhiêu thì cũng nể những con người quên bản thân mình để cứu đồng loại bấy nhiêu, không phân biệt màu da, quốc tịch, chính trị, tôn giáo,… Không phải một đại dương, mà cả bốn đại dương tấm lòng mình đã được chứng kiến trong chiến dịch này. Humanity has no borders, indeed.
Theo Facebook Kiểm toán viên Nguyễn Thị Ngọc Trân
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa Thái Lan giải cứu đội bóng nhí