Ai đi phà Tân Châu qua sông Hồng đều có thể nhìn thấy tàu hút cát đang sục vòi xuống lòng sông hút cát, tiếng máy nổ phình phịch, rất nhiều tàu, sà lan, xe tải, máy cẩu, máy xúc hoạt động công khai trên bãi tập kết cát cao tới vài chục mét. Đó là những gì đang diễn ra tại địa bàn xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo phản ánh của người dân, tình trạng “cát tặc” tại địa bàn Khoái Châu, Hưng Yên vẫn không thuyên giảm. Cát bị công khai hút, tập kết, vận chuyển cả ngày lẫn đêm, kéo dài khoảng 5 năm nay. Xe múc cỡ lớn đang xúc cát từ thuyền lên bãi tập kết. Dưới xã Tân Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) là xã Đông Ninh, cũng là một trong những khu vực “cát tặc” tự do tung hoành nhiều năm qua, bất chấp sự việc đã được phản ánh lên báo chí nhiều lần. Bãi tập kết được lập ngay bờ sông, xe cần cẩu chạy ngay trên bãi để chuyển cát lên xe tải chở đi. Những cảnh hút, xúc cát mang đi diễn ra công khai, nhộn nhịp ngay giữa ban ngày, với sự im lặng của chính quyền sở tại. Một tàu đang sục vòi xuống hút cát ven bờ. Bãi tập kết với khối lượng hàng nghìn m3 để lộ thiên ngay bãi sông Hồng.
Theo thông tin do người dân cung cấp, dọc bờ sông thuộc Khoái Châu, Hưng Yên có khoảng 4 điểm tập kết cát như trên. Năm 2015, hàng trăm người dân xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu tập trung tại UBND xã hơn 10 ngày, để phản đối việc khai thác cát trái phép khiến bãi bồi bị thu hẹp, sạt lở. Tuy nhiên, sự việc vẫn “đâu đóng đấy”, cát vẫn bị hút ngang nhiên cho tới hiện tại. Tàu, xe tải, cần cẩu đều công khai biển kiểm soát. Không dưới 20 phương tiện cơ giới cỡ lớn đang công khai khai thác trái phép cát dưới lòng sông Hồng. Cảnh hút cát và bãi tập kết ngay sát khu dân cư, báo chí và người dân cũng nhiều lần phản ánh, đặt câu hỏi về việc chính quyền đã “xuôi tay” đối với nạn “cát tặc”. “Công trường” “cát tặc” với 3-4 tàu cùng sục vòi xuống hút cát giữa sông. Theo phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ (20/7/2015), chuyên gia môi trường, TS Vũ Ngọc Long cho biết cát là khoáng sản đặc thù, không chỉ giúp bồi đắp, mở rộng đất, mà còn bảo vệ hệ sinh thái sông như thảm thực vật ven bờ, thủy sinh động, thực vật, hệ sinh thái đáy sông… Theo đó, cát là một bộ phận không thể tách rời khỏi hệ sinh thái sông, không thể khai thác. 2-3 tàu đang cắm vòi xuống dòng sông Hồng tận thu tài sản quốc gia để trục lợi. Tương tự như đất và nước, cát là tài nguyên thiên nhiên, cần được bảo vệ. Toàn cảnh hút cát, bãi tập kết, vận chuyển cát trái phép chỉ cách bến phà Tân Châu vài chục mét. Khi nạn “cát tặc” đã diễn ra hoành hành từ nhiều năm qua, thì đây không phải là vấn đề mới nữa, mà vấn đề gây bức xúc là sự im lặng của chính quyền địa phương lâu nay trước thực trạng tài nguyên quốc gia bị công khai xâm phạm để trục lợi. Bài và ảnh: Xuân Tường
Xem thêm: