“Căn bệnh giáo dục” và thông điệp đừng lóa mắt bởi hào quang giáo dục
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong thế giới hiện đại ngày nay, có lẽ rất ít người nghi ngờ vai trò của giáo dục đối với sự trưởng thành, phát triển của cá nhân cũng như của mỗi quốc gia – dân tộc. Các quốc gia trên khắp thế giới đều nhấn mạnh giáo dục là chìa khóa, là quốc sách, là nhân tố quyết định đến sự thành bại của chiến lược quốc gia, đến tương lai của dân tộc. Tuy nhiên trong cuốn sách “Căn bệnh giáo dục” (Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021) tác giả Ryo Uchida lại bắt đầu tác phẩm của mình bằng một phản đề “giáo dục có phải là thứ luôn tốt đẹp không?”. Câu trả lời của tác giả ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách là “Không”. Ông viết “Thứ tốt đẹp” có tên giáo dục đã đi quá đà mà không có phanh hãm vì nó tốt đẹp. Những mục tiêu chói lóa như “cảm động”, “vì trẻ em” đã làm cho người ta không nhìn ra được những “nguy cơ lớn tiềm ẩn ở đó”.
Ông gọi tình trạng đó là tình trạng bị chói mắt bởi ánh hào quang của giáo dục. Trong cuốn này, ông đã lần lượt chỉ ra và phân tích “Những nguy cơ giáo dục khiến cả giáo viên và học sinh Nhật Bản khổ sở”. Những phân tích của ông đều dựa trên các số liệu thực chứng và phương pháp xử lí thông tin khoa học. Những kết quả nghiên cứu này đã khiến cho độc giả Nhật Bản kinh ngạc vì những gì vốn được truyền thông đại chúng và nhiều giáo viên, phụ huynh coi là “thành tích”, là ánh hào quang của giáo dục nhưng hóa ra lại là những “nguy cơ”, “vấn đề” đang hàng ngày hàng giờ đem lại nỗi bất an và sự bất hạnh cho học sinh.
Ryo Uchida là phó giáo sư nghiên cứu về giáo dục phát triển tại Đại học Nagoya. Chuyên môn của ông là xã hội học giáo dục vì thế sở trường của ông là sử dụng tài liệu lưu trữ và các số liệu thu được từ các cuộc điều tra để làm rõ các xu hướng và bản chất của vấn đề. Ông cũng là người tích cực sử dụng mạng xã hội, blog để truyền thông kết quả nghiên cứu, nêu ra ý kiến của bản thân và tạo ra được dư luận mạnh mẽ đối với các vấn đề được mổ xẻ trong cuốn sách này như tai nạn do thể dục đội hình gây ra, Lễ thành nhân ½, gánh nặng đối với giáo viên và học sinh ở các câu lạc bộ.
Trước hết đối với thể dục đội hình với sản phẩm chính là “tháp người” thường được các trường trình diễn theo xu hướng “to hơn, cao hơn, nhỏ tuổi hơn”, ông chỉ ra rằng đây là tiết mục không có nhiều ý nghĩa giáo dục và có nguy cơ lớn gây ra tai nạn nghiêm trọng cho học sinh. Bằng nghiên cứu của mình ông chứng minh rằng tiết mục thể dục chồng người thành kim tự tháp luôn làm cho khán giả “cảm động”, “thán phục” này chính là tiết mục nguy hiểm nhất và gây ra tai nạn thảm khốc nhất trong các kì đại hội thể dục thể thao.
Phía sau những kỉ lục xếp thành tháp cao 9 tầng, 10 tầng với cả trăm người tham dự là các vụ tai nạn gây thương tích nghiêm trọng và chết người. Ông đã lần tìm trong kho lưu trữ để đưa ra ánh sáng các số liệu thống kê thực chứng về các vụ tai nạn nghiêm trọng trong khi tập luyện và biểu diễn thể dục đội hình. Xét về số lượng, số vụ tai nạn xảy ra trong thể dục đội hình đứng thứ 3 sau nhảy ngựa và bóng rổ (2012). Tuy nhiên, cái đáng kể nhất mà nhiều người bỏ qua chính là mức độ nghiêm trọng của tai nạn. Khi rơi từ độ cao tương đương với tòa nhà 3 tầng xuống học sinh sẽ bị tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Đơn giản vì khác với bóng rổ hay nhảy ngựa thường gây chấn thương ở chân, tay, ngón tay, chấn thương ở thể dục đội hình thường là vùng đầu, gáy, thắt lưng – những bộ phận quan trọng quyết định sinh mạng của con người.
Đi sâu nghiên cứu Ryo Uchida chỉ ra rằng các tiết mục thể dục đội hình này đã chạm đến cả pháp luật. “Quy tắc an toàn vệ sinh lao động” ở Nhật Bản quy định khi công nhân tác nghiệp ở vị trí cao trên 2m thì người chủ, người quản lý lao động phải thiết lập rào chắn, chăng lưới, sử dụng dây an toàn… để phòng chống ngã. Tuy nhiên trong tiết mục thể dục đội hình học sinh đã phải xếp chồng lên nhau và học sinh cuối cùng thì đứng trên độ cao tương đương căn nhà 2-3 tầng khi dang rộng hai tay mà hoàn toàn không có biện pháp an toàn nào hỗ trợ. Trong khi học sinh ở dưới phải chịu sức nặng khủng khiếp có khi tới 200kg và học sinh ở phía trên lo sợ mình rơi xuống thì khán giả lại vỗ tay râm ran và chảy nước mắt cảm động.
Đối với “Lễ thành nhân ½”, một nghi lễ trường học rất phổ biến ở các trường tiểu học Nhật Bản trong những năm gần đây, Ryo Uchida chỉ ra rằng chính nghi lễ này đã khuếch đại ảo tưởng về gia đình và làm cho giáo dục trường học can thiệp vào gia đình ngày một sâu.
Thông thường, “Lễ thành nhân ½” được tổ chức để chúc mừng học sinh lớp 4 tròn 10 tuổi. Tên gọi của nó sinh ra từ đó vì ở nước Nhật, thanh niên sẽ chính thức được công nhận trưởng thành trong Lễ thành nhân khi 20 tuổi. Các trường học rất chú trọng nghi lễ này và thường nội dung các buổi lễ sẽ có những tiết mục như giáo viên chiếu lên những tấm ảnh học sinh lúc nhỏ để phụ huynh và học sinh đoán xem là ai, cùng ôn lại những kỉ niệm, quá trình trưởng thành của học sinh, học sinh phát biểu cảm tưởng và trao thư cảm ơn cho cha mẹ.
Theo Ryo Uchida thì nếu nhìn vào số liệu do công ty giáo dục Benesse tiến hành điều tra dư luận năm 2012 thì nghi lễ này rất thành công khi có tới 90% phụ huynh được hỏi bày tỏ sự “hài lòng”. Tuy nhiên, trên thực tế, Ryo Uchida cho rằng số liệu không phải bao giờ cũng phản ánh đúng bản chất của sự việc. Gia đình trong xã hội Nhật Bản hiện tại đã không còn là gia đình với mô hình mẫu mực và hạnh phúc như tưởng tượng. Tỉ lệ ly hôn, ly thân tăng cao làm cho rất nhiều gia đình chỉ có bố hoặc mẹ với con. Hơn nữa, theo ông đối với những trẻ bị cha mẹ bạo hành, trẻ sẽ bị tổn thương lần nữa và mất niềm tin vào người lớn khi phải nói những lời cảm ơn hay nhìn nhận tích cực những người bạo hành mình.
Ông dẫn ra rất nhiều ý kiến trong thực tế của phụ huynh về mặt trái của nghi lễ này. Chẳng hạn sau khi ông chia sẻ trên Facebook hai bài báo ông viết về “Lễ thành nhân ½”, có độc giả đã bình luận “Lễ thành nhân ½ chẳng qua chỉ là sự lấy lòng phụ huynh. Bản thân việc biết ơn cha mẹ là việc quan trọng nhưng nghi lễ này đã triệt tiêu mầm mống của việc đưa ra vấn đề ngược đãi, hơn nữa còn làm gia tăng sự bất hạnh. Đối với bản thân tôi thì gia đình chẳng qua là nhà tù. Cha thì bạo lực và đã đánh tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi chẳng nhớ được là đã có bao nhiêu chiếc đĩa vỡ trên đầu mình”. Từ đó ông rút ra kết luận rằng “Lễ thành nhân ½” nên “được tổ chức dưới hình thức không đụng chạm đến hoàn cảnh gia đình và giúp học sinh sống hướng về phía trước”.
Cuối cùng, Ryo Uchida đặt ra những câu hỏi có tính phản biện đối với cách thức tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ vốn tồn tại phổ biến ở trong trường học phổ thông Nhật Bản. Ở Nhật Bản các câu lạc bộ thể thao xuất hiện từ tiểu học nhưng đến cấp THCS thì nó gần như trở thành bắt buộc. Mỗi học sinh đều phải tham gia vào ít nhất một câu lạc bộ và tập luyện nghiêm ngặt, đều đặn dưới sự hướng dẫn của các cố vấn (huấn luyện viên). Đóng góp của các câu lạc bộ vào việc giáo dục thể chất cho học sinh và phong trào thể dục thể thao nói chung là không thể phủ nhận. Hơn nữa, nhìn từ góc độ lịch sử thì có thể thấy sự ra đời của các câu lạc bộ trong trường học chính là sự đảm bảo quyền tự do giáo dục của giáo viên và tính tự trị của học sinh.
Tuy nhiên vấn đề lớn mà Ryo Uchida chỉ ra là các tai nạn xảy ra đối với học sinh trong các câu lạc bộ này trong đó có cả các tai nạn gây thương tật vĩnh viễn hoặc làm cho học sinh tử vong. Những câu lạc bộ gây ra nhiều tai nạn nhất thường là Judo, Kendo, điền kinh, bóng chày. Lý do là vì học sinh đã phải tập luyện quá sức trong thời gian dài. Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng học sinh bị “trừng phạt thân thể”. Vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là phía nhà trường và xã hội đã coi bạo lực như là “một phần của giáo dục”. Thế nên nhiều giáo viên đã làm cho học sinh bị thương tật thậm chí tử vong chỉ vì muốn “giáo dục học sinh”. “Trừng phạt thân thể” đã núp bóng giáo dục để tồn tại và hoành hành ở các câu lạc bộ. Ngoài nạn bạo hành các câu lạc bộ trong trường học còn làm khó cho cả thầy và trò khi các giáo viên trong trường buộc phải làm cố vấn (huấn luyện viên) trong khi nhiều người hoàn toàn không có năng khiếu, khả năng, được đào tạo về môn mình phụ trách. Giáo viên phải đối mặt với căng thẳng, phải làm việc ngoài giờ kéo dài và cả vào ngày nghỉ trong khi phụ cấp lại ít ỏi hoặc không có. Nhiều giáo viên lâm vào tình trạng kiệt sức.
Để vượt thoát khỏi những nguy cơ nói trên mà giáo dục trường học Nhật Bản đang đối mặt, Ryo Uchida cho rằng cả xã hội và nhà trường, các công dân phải nhìn thẳng vào hiện thực để có cái nhìn thực chứng và toàn cảnh thay vì chạy theo sự kiện đơn lẻ. Ông cho rằng “do bị lóa mắt trước giáo dục trong tư cách là “thứ tốt đẹp”, người ta không nhìn thẳng vào nguy cơ nên làm xảy ra tai nạn nghiêm trọng”. Các giáo viên không hề ý thức được rằng bản thân mình có thể sẽ đối mặt với các vụ kiện. Giáo viên đã trở thành vật hy sinh cho cả tham vọng của nhà trường và phụ huynh. Cuốn sách khép lại với thông điệp tác giả nhắn gửi tới các bậc phụ huynh – những người sống bên ngoài trường học, dễ bị lóa mắt bởi ánh sáng của giáo dục nên không nhìn thấy nguy cơ và dễ biến con mình thành vật hi sinh: “Công dân ngoài trường học cũng bị lóa mắt trước hào quang của giáo dục. Chính các công dân bao gồm cả phụ huynh đã khuyến khích các hoạt động nguy hiểm. Khi trường học muốn hướng tới quản lý nguy cơ thì công dân lại đang tay ngắt đi mầm non đó. Chúng ta cần phải tự giác rằng sự coi thường nguy cơ trong giáo dục không chỉ có trong trường học mà nó có gốc rễ ngay chính trong bản thân chúng ta”.
“Căn bệnh giáo dục” không chỉ là kết quả nghiên cứu thực chứng của Ryo Uchida mà còn bao hàm trong đó cả sự tâm huyết của ông đối với giáo dục và sự quan tâm của ông đối với các gia đình có con em đang độ tuổi đến trường. Bản thân ông cũng đóng vai trò là chuyên gia tư vấn cho các trường học và là một KOL có hạng trên không gian mạng. Những yếu tố này đã làm nên sức hút của cuốn sách ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh quan tâm tới bản chất của giáo dục và an toàn trường học.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Độc giả có thể liên hệ đặt mua sách qua Facebook dịch giả
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương