Đã qua hơn một tháng, câu chuyện bỏ hay giữ chiếc loa phường vẫn chưa tới hồi kết.

loa-phuong-1
Nhiều ý kiến cho hay những chiếc loa vẫn còn hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp, vậy thì việc thay đổi lại càng cần thiết. (Ảnh: Nguyễn Hồng Kiên)

Một vấn đề rất gần gũi với dân sinh, gắn liền với nhịp sống, nhịp sinh hoạt của nhiều người được dậy lên từ ý kiến của Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trong cuộc họp với Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) thành phố ngày 9/1, ông Chung cho rằng “loa đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nên xóa bỏ đi”.

Nhưng ngày 14/2, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Bạch Thành Định đưa ra quan điểm bất đồng khi cho hay “loa phường chính là sức mạnh của chính quyền, đó là sợi dây nối giữa dân và Đảng, chính quyền và dân”, vì vậy, “cần nâng cao chất lượng, cải tiến loa phường, chứ đừng có xóa”. Vậy loa phường là công cụ thể hiện “sức mạnh của chính quyền” hay đơn thuần là một phương tiện truyền thông dành cho đại chúng?

Hãy bắt đầu từ ý kiến “khơi dòng” cho câu chuyện.

Trong buổi họp triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở TT&TT, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu ý kiến, “Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không?”, đồng thời giao Sở TT&TT thực hiện đánh giá, lấy ý kiến người dân để tham mưu cho thành phố việc bỏ hay giữ loa phường.

Tính đến cuối ngày 20/2, trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, trong tổng hơn 2.900 lượt người đã tham gia cho ý kiến, hơn 89% đề nghị không duy trì loa phường, gần 7% cho rằng cần thiết nhưng phải đổi mới trong khi chỉ gần 4% ý kiến cho rằng loa phường là cần thiết, nên duy trì như hiện nay.

Số người cập nhật thông tin qua nghe đài truyền thanh cơ sở (tức là loa) chỉ gần 4% trong khi đa số cho biết họ cập nhật tin tức thông qua mạng internet (gần 45%), TV (hơn 27%).

Trước đó, cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân về loa phường được bắt đầu từ ngày 25/1, tuy nhiên chỉ 2 tuần sau, website của Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội bất ngờ gặp sự cố.

Sáng ngày 6/2, số lượt người tham gia cho ý kiến về loa phường bất ngờ tăng vọt từ hơn 3.000 lên hơn 178.000 (gấp gần 60 lần), trong đó số lượt người chọn duy trì loa phường tăng đột biến từ 4% lên 78%, còn ý kiến chọn bỏ loa phường giảm từ 76% xuống còn 21%.

>> Tính đến ngày 5/2, gần 80% người dân tham gia bình chọn không duy trì ‘loa phường’

>> Website bất ngờ gặp sự cố, Hà Nội dừng lấy ý kiến về loa phường

Mặc dù Sở TT&TT cho hay hệ thống “đã bị tấn công” khi số liệu người cho ý kiến tăng bất thường, nhưng rõ ràng việc số người bình chọn giữ loa phường tăng vượt kiểm soát khiến nhiều người nghi ngại về tính chân thực của các con số. Sau 3 ngày tạm khóa để sửa, hệ thống tiếp tục được mở để lấy ý kiến người dân với tỷ lệ % chọn bỏ loa phường trở lại mức tương đương như thời điểm trước khi xảy ra sự cố.

Vậy thì đối với người dân, loa phường là công cụ thể hiện “sức mạnh của chính quyền” hay là một phương tiện truyền thông dành cho đại chúng – câu trả lời đã được đại chúng đưa ra theo quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.

Vậy, sức mạnh của chính quyền trong nhận thức của người dân là gì?

Ở cấp quốc gia, sức mạnh của chính quyền là việc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định theo Khoản 6, Điều 96 Hiến pháp 2013: Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể quyền hạn và nhiệm vụ đó được thực hiện như thế nào?

Lấy sự kiện môi trường mang tính Quốc gia năm 2016 làm ví dụ.

Đối với thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, theo GS.TS. Nguyễn Vân Nam, Chính phủ Việt Nam có quyền yêu cầu công ty Formosa Hà Tĩnh bồi thường những tổn thất về môi trường biển, làm mất giá trị kinh tế biển và thất thu về thuế do kinh tế biển ở các vùng bị ô nhiễm giảm sút, v.v… do công ty này gây ra.

Ngoài ra, Chính phủ còn có quyền yêu cầu Formosa trả tiền khắc phục hậu quả ô nhiễm và đưa vùng biển bị ô nhiễm trở lại trạng thái như trước khi ô nhiễm.

Đây chính là sức mạnh của chính quyền dựa trên Hiến pháp quốc gia, với vai trò và quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền công dân trong và ngoài lãnh thổ.

>> Chúng ta còn lại gì sau khi hủy hoại môi sinh?

Tương tự, đối với cấp tỉnh, Điều 1 và 2 Luật số 11/2003/QH11 quy định HĐND và UBND có vai trò xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Theo đó, trong vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm, chính quyền nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm có quyền lên tiếng yêu cầu công ty Formosa bồi thường các thiệt hại như thất thu thuế, giáo dục đối với con em ngư dân bị mất việc, sức khỏe của người dân, chi phí chuyển đổi ngành nghề, v.v…

Ngoài ra, với hàng loạt người dân bị tổn hại vì ô nhiễm môi trường, họ có quyền khởi kiện công ty gây thiệt hại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, sửa đổi bổ sung 2011.

Tạo dựng niềm tin của người dân rằng pháp luật đang được thực thi cũng chính là con đường tạo dựng niềm tin của người dân vào chính quyền. Sức mạnh của chính quyền không phải cái gì đó quá xa xôi. Nó có gốc rễ từ lòng tin vào con người, vào các giá trị sống đúng đắn, trong đó có lòng yêu nước, sự tự hào về một dân tộc không có áp bức, không ngại chuyển mình.

Sức mạnh của chính quyền, theo hiểu biết đã được đặt ra theo Hiến pháp, luật Quốc hội cùng nhiều quy định khác là khác với quyền lực áp đặt chủ quan được lồng ghép vào những chiếc… loa. Và niềm tin của người dân vào chính quyền không phải nằm ở việc phải nghe thứ âm thanh khuếch đại, xâm phạm quyền tiếp cận thông tin, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe,… được bảo vệ theo Hiến pháp 2013.

Dù nhiều ý kiến cho hay những chiếc loa vẫn còn hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp, thì điều đó càng cho phép chúng ta được quyền cải thiện công cụ truyền thông cấp cơ sở này, để hàng ngày không gây thêm lãng phí lớn về người và của khi mà môi trường đã tới ngưỡng ô nhiễm về tiếng ồn.

Ngày 12/2/2017, hơn 180.000 người tại mạn Bắc tiểu bang California (Hoa Kỳ) nhận được lệnh sơ tán về phía Bắc sau khi đập tràn thuộc đập Oroville – con đập cao nhất nước Mỹ bị suy yếu vì mưa lớn. Nhà chức trách cảnh báo hồ chứa có thể xả tới 2.830 m3/phút.

Trong một thông cáo trên mạng xã hội chiều hôm Chủ Nhật, cảnh sát trưởng khu vực quanh đập Oroville đã ra lệnh cho cư dân di tản, nhắc đi nhắc lại ba lần rằng lệnh này “không phải tập dượt”. Liền sau đó, trang Twitter chính thức của Quận Butte cũng đăng tải tin về các nơi tạm trú khẩn cấp và những khách sạn còn phòng trống.

Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này trong gần 50 năm nay tại hồ Oroville, nhưng có thể thấy các chỉ thị từ cơ quan luật pháp địa phương được người dân tuân thủ rộng rãi. Điều này là để giúp phòng ngừa những tổn thất đáng tiếc về người và của, chứ không phải nhằm biểu lộ cho một sức mạnh mang tính áp đặt nào từ chính quyền. Sợi dây kết nối lúc ấy giữa người dân và chính quyền đơn thuần là những lo lắng về an nguy cho sinh mạng con người.

Theo đó, hãy giữ lại loa phường vì những cảnh báo khẩn cấp, nếu như mạng internet và việc dùng mạng xã hội ở Việt Nam chưa tới mức phổ biến như ở vùng California nói trên. Nhưng những vấn đề về nội dung, âm lượng, chất lượng âm thanh cũng như về số lượng loa phường là những điều cần được xét đến và cần được thay đổi. Những thay đổi này, quan trọng hơn, chỉ có thể được xuất phát từ việc thay đổi tư duy về vai trò của loa phường trong cuộc sống hiện nay. Loa – là sức mạnh của chính quyền hay là phương tiện để xây dựng niềm tin của người dân, vốn là nguồn gốc của mọi sức mạnh dân tộc?

Lê Trai

Xem thêm: