Chủ đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vừa đề xuất điều chỉnh phí cao tốc theo hướng tăng gấp đôi trong giờ cao điểm và giảm một nửa trong giờ thấp điểm với lý do để giảm ùn tắc ở nút giao An Phú và nút giao quốc lộ 51.

tăng phí cao tốc TP.HCM-Long Thành
Trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: vece.com.vn)

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) – ông Mai Tuấn Anh cho biết đơn vị vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về phương án điều tiết giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại trạm thu phí Long Phước.

Trong đó, VEC kiến nghị điều chỉnh mức phí tăng gấp 2 lần vào các khung giờ cao điểm (từ 7h – 19h) và điều chỉnh giảm 1/2 mức phí vào giờ thấp điểm (từ 19h – 7h sáng hôm sau) so với mức phí hiện tại đang áp dụng.

Mức phí cụ thể của từng loại phương tiện sẽ được VEC tính toán và áp dụng trên cơ sở biểu đồ phân bổ lưu lượng giao thông.

Phương án trên được VEC đề xuất thử nghiệm trong 3 tháng, sau đó từ thực tế sẽ phân tích, đánh giá tình hình thực hiện để báo cáo Bộ Giao thông xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

Trao đổi thêm, ông Tuấn Anh cho biết đề xuất điều chỉnh tăng mức cước phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây gấp hai lần vào giờ cao điểm so với mức phí hiện tại qua trạm thu phí Long Phước chỉ áp dụng vào các ngày nghỉ lễ, Tết. “Các ngày bình thường sẽ không áp dụng giải pháp này”, ông Tuấn Anh cho hay.

Theo đại diện của VEC, trong năm 2016, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đạt khoảng 14 triệu lượt, trung bình 37.000 lượt xe/ngày – đêm, tăng mạnh so với năm 2015. Sự tăng trưởng nhanh về lưu lượng xe dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào cuối tuần, các ngày lễ, Tết, đặc biệt theo chiều từ Dầu Giây về TP.HCM.

Chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2/2015, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120 km/h.

Điểm đầu tại nút giao An Phú, quận 2, TPHCM; điểm cuối tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỷ đồng bằng vốn vay của ngân hàng ADB, JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Mức phí áp dụng từ ngày 8/2 đối với ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt là 60.000 đồng/lượt; ôtô 12-30 chỗ, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn: 90.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn: 120.000 đồng/lượt.

Xe từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe container 20 feet có mức thu là 150.000 đồng/lượt. Cao nhất là mức thu 240.000 đồng/lượt đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.

Nguyễn Quân

Xem thêm: