5 thói quen xấu này của con, cha mẹ đừng bao giờ nên dung túng
- Mộc Lan
- •
Ngoài việc hình thành cho con những thói quen tốt, các bậc cha mẹ cũng cần ngăn chặn kịp thời những thói quen xấu. Đặc biệt là 5 thói quen xấu sau đây, cha mẹ đừng bao giờ nên dung túng cho con cái, nếu không khi lớn lên sẽ rất khó sửa.
1. Ngắt lời người khác
Một số trẻ thiếu kiên nhẫn và nóng lòng muốn nói ra suy nghĩ của mình do đó mà ngắt lời người khác. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thông thường, cha mẹ không nên dung túng con cái vì hành động xấu đó.
Để làm được điều này, trước hết bạn hãy trở thành tấm gương tốt cho trẻ noi theo. Ví dụ như trong tiếp giữa vợ chồng, với người trên và kể cả với trẻ, nếu người lớn hay ngắt lời người khác, thì cũng sẽ khiến trẻ học theo như vậy. Trong tình huống quên mất điều này, bạn cũng có thể bày tỏ xin lỗi và mời người đối diện tiếp tục nói hết ý của họ. Như vậy bạn còn có thể dạy con trở thành người biết thừa nhận sai lầm.
Nếu trẻ ngắt lời người lớn, bạn cũng không nên to tiếng để át lời trẻ. Bạn có thể ngừng một chút, giữ bình tĩnh và chờ trẻ nói hết ý của mình, sau đó, nghiêm túc nói cho con biết rằng việc ngắt lời người khác là không lễ phép và không lịch sự.
Có thể trẻ sẽ không thể sửa ngay sau những lần dạy đầu tiên của bạn nhưng hãy kiên trì, dành cho trẻ một khoảng thời gian để thực hành thói quen này.
2. Dựa dẫm vào cha mẹ
Trong khi có những đứa trẻ mới lên lớp 4 đã lo cơm nước cho cả nhà thì cũng có những đứa trẻ khác lên lớp 5 rồi còn chưa biết tự xỏ giày, mặc áo còn phải nhờ mẹ giúp. Đây phải chăng là hệ quả của việc các bậc cha mẹ “úm” con quá kỹ?
Trẻ lúc bé dựa dẫm quá nhiều vào cha mẹ, lớn lên có thể sẽ trở thành người ăn bám hoặc vô trách nhiệm. Do vậy việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ khi còn nhỏ là rất quan trọng.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng đôi tay và trí não nhiều hơn. Thực tế cho thấy, trẻ thích làm nhưng nhiều bậc cha mẹ vì chiều chuộng hoặc sợ con làm hỏng việc nên ngăn cản trẻ làm. Đây là một vài lý do khiến trẻ mất tính tự lập, phụ thuộc quá mức vào cha mẹ. Điều đáng tiếc là sau này khi rời xa cha mẹ, những đứa trẻ như vậy thường sẽ trở nên hoảng loạn và sợ hãi ngay cả khi đối mặt với những điều đơn giản.
3. Tùy tiện lấy đồ của người khác
Đến lớp thấy cục tẩy đẹp của bạn liền “im lặng” bỏ cặp mang vế, sang nhà hàng xóm thấy em búp bê bé bé xinh xinh cũng tiện tay mang về… Một số trẻ khi nhìn thấy món đồ chơi yêu thích của người khác là muốn mang về nhà cất cho riêng mình.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ biết đó là hành vi sai trái. Bởi vì nếu để lâu sẽ hình thành nên thói quen xấu cho trẻ, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với bạn bè và những người xung quanh.
Bạn cũng cần để trẻ hiểu rõ ràng về “tính sở hữu”. Những món đồ mà trẻ được cha mẹ tặng là thuộc quyền sở hữu của trẻ, ngay cả cha mẹ dù cần dùng cũng nên hỏi ý kiến của con. Ngược lại, những món đồ thuộc quyền sở hữu của người khác thì trẻ chỉ được phép sử dụng khi có sự đồng ý của người đó.
Khi cha mẹ làm gương tôn trọng đồ của con, tôn trọng đồ của người khác thì trẻ cũng sẽ bắt chước thói quen tốt này của cha mẹ.
4. Trẻ mải chơi, không chịu ngủ
Ôm điện thoại xem video, loay hoay với bộ đồ chơi mới, chơi tung hứng…những điều này cũng có thể khiến trẻ phấn khích mà quên luôn nhiệm vụ đi ngủ.
Trẻ con luôn háo hức với những thứ mình thích, đến giờ ngủ rồi mà còn mải chơi khiến cha mẹ cũng phải xoay vòng vòng theo trẻ.
Suy cho cùng, trẻ không bao giờ có thể chơi đủ trò với những thứ chúng thích, cũng không dễ để hình thành thói quen giờ giấc hoạt động và nghỉ ngơi. Vì vậy, là cha mẹ, bạn cần tuân thủ nguyên tắc và cho trẻ đi ngủ khi đến giờ.
Tuy nhiên môi trường với tiếng ồn từ điện thoại, nhạc, nhiều ánh sáng…cũng có thể khiến trẻ khó ngủ. Hoặc những trẻ ít được cha mẹ cho ra ngoài chơi, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng khó có thể ngủ ngon như các bạn khác. Do đó, để chăm lo cho giấc ngủ của trẻ, cha mẹ cũng cần lưu ý những điều này.
5. Đùng đùng nổi giận khi không có được thứ mình muốn
Mọi người hẳn đã quen thuộc với hình ảnh trẻ vùng vằng, nổi giận và thâm chí lăn lộn nếu không có được một món đồ chơi yêu thích trong siêu thị. Sau đó, cha mẹ có thể sẽ đáp ứng yêu cầu của trẻ bởi vì mềm lòng với con hoặc sợ mất thể diện.
Khi trẻ mất bình tĩnh, cha mẹ có thể im lặng bế trẻ sang một bên, hoặc nhìn trẻ bằng mắt, không nói và đợi trẻ bình tĩnh trở lại, điều này là để trẻ biết khóc là vô ích.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy luôn giữ bình tĩnh khi đối diện với một đứa trẻ đang hờn dỗi cáu gắt, cho dù nguyên nhân gì khiến trẻ như vậy. Thay vì tức giận, bạn hãy hít thở sâu và cố gắng suy nghĩ thật chu đáo.
Trên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Gia đình chỉ có 1 đến 2 con, do vậy rất cưng chiều, khiến trẻ quen được đáp ứng khi đòi hỏi thứ gì đó. Hoặc cha mẹ có thói quen chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài cũng khiến con cái học theo mà đòi hỏi về vật chất. Do vậy cha mẹ cần nhìn nhận nguyên nhân thực sự để giải quyết tận gốc vấn đề.
Mộc Lan
Xem thêm:
Từ khóa dạy con tự lập ngắt lời người khác dựa dẫm trẻ nổi giận Dạy con Thói quen xấu