7 bí quyết phỏng vấn của cô bé được nhận thực tập tại Apple, Google, Facebook
- Hoàng Vũ
- •
Jessica Pointing – một sinh viên năm ba tại Harvard – đã chia sẻ lại bí quyết phỏng vấn giúp cô được nhận vào làm thực tập sinh tại các công ty nổi tiếng thế giới.
Jessica Pointing một sinh viên năm ba tại Harvard đã được nhận vào làm thực tập sinh tại các công ty bao gồm Google, Apple, Facebook, Microsoft, McKinsey, Bain, Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Với chuyên ngành khoa học máy tính và vật lý học, cô đã nhận được thư mời tham gia vào lĩnh vực công nghệ phần mềm, khoa học dữ liệu, quản lý sản phẩm, tư vấn, ngân hàng đầu tư, kinh doanh và tài chính định lượng. Vậy làm thế nào để vượt qua các cuộc phỏng vấn đó?
Trên blog cá nhân “Optimize Guide” của mình, cô chia sẻ rằng sự chuẩn bị và thư giãn chính là điều cần thiết để phỏng vấn thành công.
Dưới đây là một số bí quyết được Jessica Pointing chia sẻ đến các bạn học sinh và sinh viên, những người đang nuôi giấc mơ được làm việc trong môi trường công ty chuyên nghiệp:
1. Hãy làm bài tập về nhà
Pointing nói rằng cô phải đọc sách trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu.
“Tôi xem các cuộc phỏng vấn thực tập giống như một lớp học, tôi đã nghiên cứu tài liệu từ sách vở và thực hành giải quyết vấn đề trước khi có kiểm tra (buổi phỏng vấn)”, cô nói. “Thông thường, luôn có một cuốn sách hướng dẫn cho từng ngành”.
Những cuốn sách này giúp các ứng viên chuẩn bị tinh thần, bao gồm các chủ đề phỏng vấn và thậm chí đề cập đến các vấn đề cần giải quyết.
Ví dụ, đối với cuộc phỏng vấn đề công nghệ phần mềm, cô đề nghị hãy đọc cuốn “Cracking the Coding Interview” (tam dịch: Vượt qua Phỏng vấn ngành Lập trình) của Gayle Laakmann McDowell, trong khi để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn thuộc lĩnh vực tư vấn hãy đọc “Case in Point” (Ví dụ điển hình) của Marc Cosentino.
2. Xây dựng cấu trúc để giải quyết vấn đề
Căng thẳng trong quá trình tuyển dụng thường khiến buổi phỏng vấn dễ đi vào bế tắc khi bạn đang nói chuyện với nhà tuyển dụng. Đó là lý do tại sao Pointing nói rằng điều quan trọng là cần phải có một tư duy nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề.
Dưới đây là cấu trúc câu trả lời cô đã sử dụng trong cuộc phỏng vấn tuyển kỹ sư phần mềm:
- Lặp lại câu hỏi để chắc chắn rằng bạn hiểu nó và các vấn đề liên quan.
- Làm rõ các giả định và kết quả.
- Kiểm tra các giả định.
- Đưa ra các phương pháp giải quyết vấn đề.
- Thảo luận về sự cân bằng của mỗi phương pháp.
- Chốt lại giải pháp.
- Kiểm tra giải pháp trong một trường hợp bình thường.
- Kiểm tra giải pháp trong một số trường hợp đặc biệt.
>>Cách trả lời 7 câu hỏi phỏng vấn xin việc thông dụng
Cô cũng xây dựng cấu trúc trả lời dùng cho cuộc phỏng vấn thuộc lĩnh vực tư vấn:
- Lặp lại câu hỏi để chắc chắn rằng bạn hiểu nó và các vấn đề liên quan.
- Giải thích các mục tiêu và xem thử liệu có bất kỳ mục tiêu nào khác không.
- Đặt các câu hỏi để làm rõ vấn đề.
- Phát triển ý tưởng và giải pháp.
- Sắp xếp và hệ thống lại câu trả lời.
- Đối với kết quả tính toán, hãy cho biết ý nghĩa của các con số.
- Cuối cùng là tóm tắt vấn đề.
“Những cấu trúc này đảm bảo mọi thứ tôi cần cho một cuộc phỏng vấn thành công”, Pointing nói. “Trong lĩnh vực tư vấn, nắm rõ những ý nghĩa phía sau con số sẽ giúp bạn vượt qua một ứng cử viên tốt và trở thành ứng cử viên xuất sắc”.
3. Luyện tập và lên chiến thuật
“Điều quan trọng là phải luyện tập trước cuộc phỏng vấn”, Pointing nói. “Nếu trường đại học của bạn cung cấp những cuộc phỏng vấn thử, hãy tham gia! Một số công ty cũng cung cấp những buổi giả lập phỏng vấn. Còn có những dịch vụ khác như Refdash, cung cấp cho bạn những cuộc phỏng vấn giả lập miễn phí. Hãy thực hành mỗi khi có cơ hội.”
Nếu có thể, Pointing khuyên bạn nên lập kế hoạch cho các “cuộc phỏng vấn giả tưởng” này. Bằng cách đó, tất cả những cuộc phỏng vấn trước có thể được xem như buổi luyện tập để rút ra kinh nghiệm và bài học.
>>10 câu hỏi phỏng vấn “kỳ lạ” nhất khi xin việc ở Anh
4. Có kế hoạch dự phòng
Các cuộc phỏng vấn có thể khá căng thẳng. Vậy làm thế nào để giữ được bình tĩnh trong hoàn cảnh căng thẳng như vậy?
Pointing khuyên bạn nên có một kế hoạch dự phòng trong tâm trí. Bạn luôn nên có một con đường khác để theo đuổi nếu công việc hay cơ hội thực tập của bạn rời khỏi tầm tay.
“Nếu bạn có cuộc phỏng vấn vào mùa hè và bạn đến cuộc phỏng vấn mà không có kế hoạch gì khác cho mùa hè, thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy căng thẳng hơn”, Pointing nói. “Thay vào đó, nếu bạn đã có một đề nghị hay một ý tưởng mơ hồ về một điều gì đó sẽ làm trong mùa hè (ví dụ như đi du lịch), thì nỗi lo lắng trong cuộc phỏng vấn sẽ không áp lực như thế. Càng có nhiều lựa chọn, bạn càng thoải mái hơn và cơ hội bạn được nhận sẽ càng cao”.
Vì vậy, hãy thư giãn và chắc chắn rằng bạn đã phác thảo một kế hoạch dự phòng.
5. Đầu tư thời gian
Quá trình phỏng vấn không chỉ là dành thời gian nói chuyện với một loạt các nhà tuyển dụng. Bạn sẽ cần thời gian để đọc, luyện tập và thậm chí là đi du lịch.
“Tôi đã đi khắp đất nước hơn sáu lần trong 12 tuần để tham dự các buổi phỏng vấn và có khoảng 80 giờ trên máy bay”, Pointing nói. “Hãy chắc rằng bạn có đủ thời gian để đầu tư vào việc nghiên cứu chương trình thực tập. Bạn nên dành một vài giờ mỗi ngày luyện tập cho các cuộc phỏng vấn. Tôi đã lên lịch để luyện tập phỏng vấn vào mỗi sáng (sau khi hoàn thành những công việc thường lệ trong buổi sáng).”
6. Tạo nên một ngân hàng câu hỏi
Pointing khuyến cáo rằng sau mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi ứng viên nên viết ra các câu hỏi và câu trả lời trong buổi phỏng vấn, những điểm mạnh cùng điểm yếu mà họ cần cải thiện.
“Trong một cuộc phỏng vấn công nghệ phần mềm, tôi đã bỏ qua một cấu trúc dữ liệu cụ thể có thể cho phép tôi đưa ra một giải pháp hiệu quả hơn, nhưng tôi đã ghi chú nó, và trong một cuộc phỏng vấn sau đó, tôi đã gặp phải câu hỏi yêu cầu sử dụng cấu trúc dữ liệu này”, cô nói. “Sau khi giải quyết đủ các trường hợp và vấn đề, bạn sẽ bắt đầu nhận ra các khuôn mẫu, và bạn sẽ tự tin hơn và nhanh nhẹn hơn trong việc giải quyết vấn đề”.
7. Không bỏ qua những câu hỏi hành vi, tính cách
Không chỉ tập trung vào các câu hỏi cụ thể về công việc. Pointing nói rằng những người được phỏng vấn cũng phải chuẩn bị cho các câu hỏi về tính cách.
Cô chia sẻ: “Câu hỏi về hành vi thường thuộc nhiều lĩnh vực: lãnh đạo, làm việc nhóm, thách thức và thành công”. “Bạn nên định hình những câu chuyện từng trải qua trong cuộc sống của chính bạn theo từng thể loại. Bạn cũng nên viết xuống những câu chuyện này và toàn bộ chi tiết. Viết những câu trả lời cho câu hỏi hành vi trước cuộc phỏng vấn là rất quan trọng”.
Theo Business Insider
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa phỏng vấn Thành công việc làm