Hãy áp dụng quy tắc 10/10/10 khi bạn phải ra những quyết định khó khăn
- Hoàng Vũ
- •
Thường thì chúng ta rất dễ mất tự chủ khi rơi vào tình thế khó xử. Bị cuốn vào sự việc, chúng ta sẽ lo lắng, khổ sở và dao động từ ngày này sang ngày khác.
Có lẽ kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta khi giải quyết mâu thuẫn là cảm xúc ngắn hạn – một cố vấn không đáng tin cậy. Khi chia sẻ về những quyết định tồi tệ nhất đã thực hiện, mọi người thường nhớ lại những quyết định được thực hiện trong tình trạng cảm xúc tồi tệ: nóng giận, ham muốn, lo lắng và tham lam. Cuộc sống của chúng ta sẽ khác rất nhiều nếu chúng ta có một tá nút “quay lại”.
Nhưng chúng ta không phải là nô lệ của cảm xúc. Cảm xúc tiêu cực sẽ dần biến mất. Đó là lý do tại sao người ta khuyên rằng khi cần ra quyết định quan trọng, chúng ta nên suy nghĩ kỹ. Đây là lời khuyên đúng đắn và chúng ta nên nhớ kỹ. Đối với nhiều quyết định, nghĩ kỹ thôi vẫn chưa đủ mà cần phải có “chiến thuật”.
Chúng ta có thể sử dụng công cụ do Suzy Welch sáng tạo ra, tác giả chuyên viết bài cho các ẩn phẩm như Bloomberg Businessweek và tạp chí O. Đó là “quy tắc 10/10/10” và Welch đã mô tả quy tắc này trong cuốn sách cùng tên. Để sử dụng quy tắc 10/10/10, chúng ta cần xem xét theo 3 khung thời gian khác nhau khi đưa ra quyết định:
- Sau 10 phút chúng ta cảm thấy thế nào về quyết định của mình?
- Sau 10 tháng thì sao?
- Sau 10 năm thì thế nào?
Ba khung thời gian này khéo léo buộc chúng ta phải nhìn nhận lại quyết định của mình.
Hãy xem cuộc trò chuyện của chúng tôi với một người phụ nữ tên là Annie. Cô đang đau khổ trong mối quan hệ với Karl. Họ đã hẹn hò được chín tháng và Annie cho biết: “Anh ấy là một người tuyệt vời và là mẫu bạn đời tôi đang tìm kiếm”.
Tuy nhiên, cô đã rất lo lắng khi mối quan hệ của họ không mấy tiến triển. Ở tuổi 36, Annie muốn có con và cảm thấy rằng cô không có nhiều thời gian để phát triển mối quan hệ với Karl, hiện đã 45 tuổi. Sau 9 tháng, cô vẫn chưa gặp con gái Karl (kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên) và không người nào nói với người kia là “”Anh yêu em” hay “Em yêu anh”.
Cuộc ly dị đã khiến Karl trở nên sợ hãi và rụt rè về một mối quan hệ nghiêm túc. Sau khi ly dị, anh quyết tâm giữ con gái tách biệt khỏi cuộc sống hẹn hò của mình. Annie thông cảm với Karl nhưng điều này khiến cô bị tổn thương vì anh đã không chia sẻ phần quan trọng của cuộc đời với cô.
Chúng tôi trò chuyện với Annie khi cô đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài ngày đầu tiên với Karl. Họ sẽ lái xe từ Los Angeles đến Portland. Cô tự hỏi cô có nên “tiến thêm bước nữa” trong chuyến đi này hay không. Cô biết rằng Karl là người chậm trễ trong việc ra quyết định. (“Anh ấy đã nói về việc sẽ sắm một chiếc điện thoại di động trong 3 năm“). Cô có nên là người đầu tiên nói câu “Em yêu anh” trước không?
Chúng tôi đề nghị Annie thử sử dụng quy tắc 10/10/10. Hãy tưởng tượng rằng cuối tuần này bạn sẽ nói với Karl rằng bạn yêu anh ấy. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào về quyết định này 10 phút sau đó? “Tôi nghĩ tôi sẽ có chút lo lắng nhưng lại tự hào về bản thân vì đã chấp nhận rủi ro và thoát khỏi cảm giác dằn vặt”, cô nói.
10 tháng sau bạn cảm thấy thế nào? “Tôi không nghĩ là tôi sẽ hối hận. Chắc chắn là không. Chẳng phải rõ ràng là tôi muốn điều đó. Tôi nghĩ anh ấy tuyệt vời. Được ăn cả, ngã về không, phải không?”.
Còn sau 10 năm nữa thì sao? Annie nói rằng, bất kể anh ấy phản ứng thế nào, nó sẽ không còn là vấn đề quan trọng sau một thập kỷ. Đến lúc đó hoặc là họ sẽ hạnh phúc bên nhau hoặc là cô sẽ có mối quan hệ hạnh phúc với một người khác.
Annie nên chủ động. Cô nên tự hào về bản thân khi làm điều đó và cô không nghĩ rằng mình sẽ hối tiếc, ngay cả khi mối quan hệ với Karl không đi đến đâu. Nhưng nếu không phân tích theo quy tắc 10/10/10, cô sẽ cảm thấy đây không phải là một quyết định dễ dàng. Những cảm xúc ngắn hạn – căng thẳng, sợ hãi và lo sợ phản ứng tiêu cực – là nguyên nhân gây phân tâm và nản chí.
Chúng tôi giữ liên lạc với Annie vài tháng sau đó để xem chuyện gì đã xảy ra trong chuyến du lịch đường dài đó và cô gửi email cho chúng tôi như sau:
“Tôi đã nói “Em yêu anh” trước. Tôi cố gắng thay đổi tình hình và cảm thấy bớt mơ hồ hơn về mọi chuyện… Karl vẫn chưa nói anh ấy yêu tôi, nhưng nhìn chung có thay đổi đáng kể (chẳng hạn như thân mật với tôi hơn, nhạy cảm hơn v..v..).Tôi tin chắc rằng anh ấy yêu tôi và chỉ đơn giản là anh cần thêm thời gian để vượt qua nỗi sợ hãi để có thể đáp lại lời tỏ tình của tôi. Tôi vui vì mình đã chấp nhận rủi ro và sẽ không hối tiếc ngay cả khi chuyện với Karl không có tiến triển. Tôi muốn nói rằng hiện tại tôi dám cá đến 80% là đến hết hè này, tôi và Karl vẫn ở bên nhau”.
Quy tắc 10/10/10 giúp cảm xúc trở nên bình ổn. Cảm xúc hiện tại rất mạnh mẽ và mãnh liệt, tuy nhiên, sẽ giảm dần về sau. Sự khác biệt này tạo nên áp lực lớn vào thời điểm hiện tại bởi sự dâng trào của cảm xúc. Quy tắc 10/10/10 buộc chúng ta phải thay đổi góc nhìn, yêu cầu chúng ta tưởng tượng về thời điểm 10 tháng sau trong tương lai khi nghĩ về vấn đề “nóng hổi” của hiện tại.
Sự thay đổi này có thể giúp chúng ta đẩy lùi những cảm xúc ngắn hạn. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua cảm xúc ngắn hạn; thường chúng sẽ hữu ích trong việc giúp nhận biết về điều chúng ta muốn trong một số hoàn cảnh nhất định. Nhưng không nên để chúng làm chủ. Tất nhiên, chúng ta không nên để cảm xúc chi phối ở nơi làm việc, sự tái cân bằng cảm xúc tại đây là cần thiết. Nếu bạn đang tránh nói chuyện với đồng nghiệp thì tức là bạn đang để cảm xúc ngắn hạn điều khiển. Nếu buộc phải trò chuyện, 10 phút sau đó bạn có thể cảm thấy lo lắng, nhưng 10 tháng sau chẳng phải bạn có thể sẽ vui mừng vì đã làm điều đó? Hoặc thở phào nhẹ nhõm? Hay tự hào?
Nếu bạn đang săn đuổi một ứng cử viên sáng giá: 10 phút sau khi quyết định chấp nhận lời đề nghị tăng lương, bạn có thể không cảm thấy gì cả ngoại trừ hào hứng; 10 tháng sau bạn có thể hối tiếc vì những gì bạn trả cho nhân viên này sẽ khiến những người khác cảm thấy họ không được đánh giá cao? Và 10 năm sau, liệu ứng cử viên sáng giá này có đủ linh hoạt để theo kịp sự biến động trong doanh nghiệp của bạn?
Nhìn chung, cảm xúc ngắn hạn không phải lúc nào cũng không tốt. Phân tích 10/10/10 không đảm bảo rằng cái nhìn dài hạn luôn đúng. Nhưng nó đảm bảo rằng cảm xúc ngắn hạn không phải là tiếng nói duy nhất.
Theo GetPocket
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa quy tắc sống trí thông minh cảm xúc cảm xúc Quy tắc 10/1/10 Ra quyết định