Cuộc sống của sinh viên đại học Nhật Bản diễn ra như thế nào?
- Quốc Hùng
- •
Thi đậu vào một trường đại học Nhật Bản là điều không hề dễ dàng với hầu hết học sinh ở Nhật, việc này sẽ tiêu tốn một lượng lớn thời gian, tiền bạc và thậm chí là cả các mối quan hệ nữa. Thời gian dành để chuẩn bị cho kỳ thi đại học rất nhiều và phải được ưu tiên hàng đầu.
Một số cặp đôi đang yêu ở trường trung học thậm chí còn chia tay nhau để tập trung vào ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi. “Juken” hay kỳ thi đầu vào là một sự kiện lớn ở Nhật. Tương lai thành bại hay không quyết định là ở đây. Các bậc cha mẹ dành nhiều tiền bạc cho “juku” hay các trường luyện thi để giúp con cái mình vào được các trường đại học danh giá.
Một khi học sinh vượt qua được khó khăn vất vả của kỳ thi và thành công nhận được tấm thẻ sinh viên đại học, thì cuộc sống sau đó sẽ trở nên dễ thở hơn. Có người Nhật nói rằng vào đại học thì khó, nhưng ra đại học thì dễ.
Cuộc sống của một sinh viên đại học ở Nhật Bản thông thường sẽ như thế nào? Cùng lướt qua những nét cơ bản nhất:
Thời khoá biểu
Các môn học ở trường đại học thường được dạy một, hai hoặc ba lần một tuần tuỳ vào từng bộ môn hoặc chương trình học. Còn đối với một sinh viên quốc tế theo học ở một trường đại học tại Nhật, hầu hết các môn học được sắp xếp một lần một tuần, có môn hai lần một tháng.
Có lịch học ngày và lịch học tối. Thời gian biểu tuỳ thuộc vào từng trường. Tiết đầu tiên thường bắt đầu vào 8h30 sáng và tiết cuối kết thúc khoảng 5h30 chiều. Ca tối thường bắt đầu vào 6h00 và kết thúc lúc 8h00 tối. Sinh viên có thể chọn học nhiều hoặc ít môn tùy vào nhu cầu.
Các câu lạc bộ ở trường
Các câu lạc bộ là một phần rất quan trọng trong cuộc sống sinh viên ở Nhật Bản. Câu lạc bộ Khiêu vũ, Ca hát, Nhạc cụ Mộc, Nhạc cụ Đồng, Đá bóng, Bóng chày, Bóng chuyền (có lẽ mỗi một môn thể thao đều có một câu lạc bộ), Nấu ăn, Tiếng Anh. Khó có thể kể hết tên của chúng!
Một sinh viên có thể là thành viên của nhiều câu lạc bộ. Các sinh viên đam mê chúng đến nỗi đôi khi họ tham gia các buổi họp và tập luyện ở câu lạc bộ còn nhiều hơn cả đi học. Có một lần vị giáo sư đã rất ngạc nhiên vì gần một nửa lớp không có mặt. Họ đã đến câu lạc bộ để chuẩn bị diễn thử cho một sự kiện sắp tới của trường.
Trong lễ khai giảng (thường tổ chức vào tháng 4 hàng năm), thành viên các câu lạc bộ đứng đầy ở cổng trường, hành lang và sân trường để mời chào các sinh viên mới nhập học tham gia vào câu lạc bộ của họ. Cách họ mời mọc người mới biến khung cảnh ngày khai trường thành một lễ hội hay có khi là một siêu thị đang bán hàng giảm giá.
Công việc bán thời gian – Arubaito
“Arubaito” là thuật ngữ chỉ các công việc bán thời gian ở Nhật. Hầu hết các sinh viên đều đi làm thêm. Các cửa hàng tiện lợi, tiệm mì ăn liền, tiệm udon, nhà hàng, siêu thị, “juku” (trường luyện thi) là những nơi tập trung nhiều sinh viên làm thêm.
Một sinh viên đã làm một cuộc khảo sát không chính thức quy mô nhỏ ở trường của mình và phát hiện ra rằng thu nhập có được từ làm thêm giúp trang trải hoá đơn và chi phí cho các nhu cầu cơ bản khác (họ gọi đó là “hitori gurashi” hay sống tự lập), mua sắm (chủ yếu là sinh viên nữ), du lịch và các hoạt động xã hội khác (như các bữa tiệc rượu – nomikai và hát karaoke).
Với những sinh viên năng động, cuộc sống sinh viên đại học ở Nhật vừa vui vừa bận rộn; còn với những ai lười nhác và thiếu động lực, nó sẽ rất buồn chán. Lựa chọn thế nào là tuỳ bạn.
Theo Japan Info
Quốc Hùng
Xem thêm:
Từ khóa sinh viên Giáo dục Nhật Bản đất nước Nhật Bản