Bắt được khoảnh khắc cá nhà táng “ngủ đứng” hiếm hoi
- Ngọc Trúc
- •
Trong thế giới tự nhiên, những loài động vật khác nhau có nhiều tư thế ngủ khác nhau, đôi khi vô cùng kỳ quái.
Gần đây, nhiếp ảnh gia Franco Banfi đến từ Thụy Sĩ đã chụp lại được dáng ngủ đặc biệt của cá nhà táng dưới biển. Thật bất ngờ rằng chúng lại ngủ trong tư thế dựng thẳng đứng cơ thể giống như đang “ngủ đứng” trong lòng đại dương.
Khi đó, ông Banfi 58 tuổi bắt gặp cảnh tượng một đàn cá nhà táng khoảng 10 con đang ngủ ở độ sâu 20m tại biển Caribbean. Những con cá nhà táng to lớn dài khoảng 12m này luôn sống theo bầy đàn, chúng dành 7% thời gian sống để ngủ trong tư thế dựng thẳng đứng vuông góc với mặt nước biển.
Ông Banfi nói rằng ông không biết vì sao cá nhà táng lại ngủ đứng, có lẽ là bởi vì như vậy sẽ giúp chúng có thể dùng “định vị” trên đầu để phát hiện những mối nguy hiểm xung quanh.
Ông nói thêm rằng ông cảm thấy rất may mắn khi được nhìn thấy khoảnh khắc tuyệt vời đó của thiên nhiên. Không phải lần nào gặp cá nhà táng cũng có thể thấy được cảnh tượng độc đáo này.
Vào năm 2008, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Anh đã từng bắt gặp một đàn cá nhà táng đang ngủ ở ngoài khơi bờ biển Chile, từ đó mọi người mới biết đến dáng ngủ kỳ lạ của loài động vật này.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những con cá nhà táng này ngủ ở tư thế dựng đứng cơ thể, mỗi lần chúng chỉ ngủ 10 đến 15 phút, và trong khi ngủ, chúng không trao đổi khí.
Dù chúng có thể ngủ nửa bán cầu não (unihemispheric sleep, tức nửa bán cầu não ngủ, nửa bán cầu não còn lại vẫn thức), thế nhưng chúng vẫn ngủ rất sâu, chúng không nghe thấy hay nhìn thấy ngay cả khi tàu của các nhà nghiên cứu tiến đến gần. Cho đến khi chiếc tàu vô tình đụng phải một trong số chúng thì cả đàn mới bơi đi hết.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết cá nhà táng chỉ dùng 7% thời gian cho việc ngủ và giấc ngủ chóng vánh nêu trên có thể là thời gian ngủ duy nhất của chúng. Vì vậy, cá nhà táng có thể là loài động vật ngủ ít nhất trong số các loài động vật có vú mà chúng ta biết hiện nay.
Cá nhà táng là loài có thể lặn sâu nhất trong số các loài động vật có vú, dung tích phổi cực lớn có thể giúp chúng lặn đến độ sâu 2.000m. Chúng chủ yếu tìm kiếm những loại thức ăn như mực và cá nước sâu ở khu vực đáy biển.
Ngọc Trúc
(Ảnh: Franco Banfi | Instagram)
Xem thêm:
Từ khóa Thiên nhiên Yêu động vật Thế giới động vật