Khi nạn phá rừng ở Brazil bắt đầu leo thang trở lại, một người đàn ông đã dùng cả 40 năm cuộc đời để kiên trì trồng rừng, tự mình cứu lấy rừng.

cứu rừng, trồng rừng trong suốt 40 năm, tái sinh một khu vực đã bị chặt phá để chăn thả gia súc. (Ảnh: Tommaso Protti/ Theguardian.com)
Ông Antonio Vicente kiên trì trồng rừng trong suốt 40 năm qua, tái sinh một khu vực đã bị chặt phá để chăn thả gia súc. (Ảnh: Tommaso Protti/Theguardian.com)

Khi ông Antonio Vicente (hiện 84 tuổi) mua một mảnh đất ở bang São Paulo và nói rằng ông muốn sử dụng nó để trồng rừng, người ta đã cho là ông bị điên. Đó là vào năm 1973, khi những cánh rừng được xem như là một “trở ngại” cho công cuộc phát triển và lợi nhuận.

Sau đó, chính phủ quân đội Brazil đã khuyến khích các điền chủ giàu có khai hoang đất đai bằng cách cung cấp tiền trợ cấp hào phóng để họ đầu tư vào các kỹ thuật canh tác hiện đại, các tướng lĩnh cầm quyền hy vọng việc này sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp quốc gia phát triển.

Nhưng tài nguyên nước và sự thiếu hụt nước chính là điều Vicente quan tâm khi ông thấy quy mô chăn thả gia súc và công nghiệp được mở rộng quá mức, rừng địa phương bị tàn phá, dân số tăng trưởng và đô thị hóa diễn ra quá nhanh chóng.

Vincent là một trong 14 đứa trẻ lớn trên trong trang trại nơi cha ông làm việc. Ông đã thấy cha mình chặt cây theo lệnh của những chủ sở hữu để sản xuất than và mở rộng đất chăn thả gia súc. Cuối cùng, nguồn nước của trang trại này đã cạn khô và không bao giờ đầy trở lại.

Duy trì nguồn tài nguyên rừng là điều rất cần thiết, bởi vì cây cối hấp thụ và giữ nước, đồng thời giúp ngăn ngừa sự xói mòn đất. Vì vậy, với số lừa có trong tay cùng nhóm nhân công hạn chế, ông đã làm việc trên mảnh đất nhỏ của riêng mình (khoảng 31 ha bị san bằng để chăn thả gia súc) và tái sinh mảnh đất này.

Những người hàng xóm của ông làm công việc chăn nuôi gia súc và sản xuất bơ sữa thường nói với ông rằng: “Ông thật ngốc. Trồng cây là lãng phí đất. Ông sẽ không có thu nhập. Nếu cây phủ hết, ông sẽ không có chỗ cho bò hay mùa vụ”.

Nhưng ông không quan tâm, bởi vì ông biết rằng tác hại của việc chặt phá rừng còn lớn hơn bất cứ lợi nhuận nào về tiền bạc.

Ban đầu trồng cây chỉ là thú vui vào dịp cuối tuần của ông, sau này thú vui này đã trở thành sự nghiệp cả đời và lối sống của ông cho đến nay.

Hơn 40 năm qua, ông Vicente, hiện đã 84 tuổi, ước tính mình đã trồng 50.000 cây trên khu vực núi Serra da Mantiqueira rộng 31 ha.

“Nếu bạn hỏi về gia đình tôi, tôi sẽ nói rằng đó chính là tất cả những thứ ngay tại đây, mỗi một cây trong chúng đều được tôi trồng từ một hạt giống tương ứng”, ông nói với tờ The Guardian.

Antonio Vicente trong rừng. Ông đã trồng rừng trên mảnh đất của mình trong 40 năm, mang sự sống trở lại một khu vực đã được san bằng để chăn thả gia súc. (Ảnh: Tommaso Protti)
Antonio Vicente trong rừng. Ông đã trồng rừng trên mảnh đất của mình trong suốt 40 năm qua, mang sự sống trở lại cho một khu vực đã được san bằng. (Ảnh: Tommaso Protti/Theguardian.com)

Theo Viện Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE), gần 8.000 ha rừng nhiệt đới đã bị phá hủy trong thời gian từ tháng 8/2005 đến tháng 7/2016, có diện tích gấp 135 lần thành phố Manhattan, tăng 29% so với năm trước và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Năm 2004, khi mức độ tàn phá chưa đến mức đỉnh điểm, hơn 27.000 ha rừng đã bị phá hủy. Hiện tại, xu hướng này vẫn còn rất đáng lo ngại.

Tiểu bang quê hương của ông Vicente – São Paulo – đã chứng kiến một số nạn phá rừng tồi tệ nhất ở Brazil. Là một bang giàu nhất ở Brazil, São Paulo đóng góp tới 1/3 GDP cả nước và là nền kinh tế lớn nhất ở Nam Mỹ, ngành công nghiệp và nông nghiệp là 2 trong số những ngành có đóng góp lớn nhất. Trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế càng khởi sắc ở khu vực này, thì môi trường lại càng bị tàn phá tương đương.

Trong suốt 30 năm khi ông Vicente đang trồng rừng, 183.000 ha rừng Atlantic ở bang São Paulo đã bị cắt giảm để làm đường cho nông nghiệp và mở rộng các thành phố.

Theo một nghiên cứu của SOS Atlantic Forest Foundation và INPE, rừng Atlantic ban đầu chiếm tới 69% diện tích bang São Paulo, nhưng hiện tại rừng chỉ còn 14% diện tích ban đầu. Việc phá rừng có thể là một yếu tố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước kéo dài 2 năm tại bang São Paulo, chỉ chấm dứt vào năm 2016, bên cạnh lượng nước dành cho công nghiệp và nông nghiệp ngày càng nhiều, thì sự quản lý yếu kém của công ty nhà nước cũng góp phần gây nên cuộc khủng hoảng này.

Ngày nay, chính quyền địa phương trong khu vực đã chi một khoản tiền nhỏ hàng tháng cho những người nông dân để họ bảo vệ nguồn nước bằng cách trồng và chăm sóc cây cối. Bang São Paulo hiện nay đang xoay sở để nạn phá rừng chấm dứt hoàn toàn. (Mặc dù còn rất ít rừng để chặt phá).

Năm 2015, Brazil cam kết sẽ trồng lại 12 triệu ha rừng đã bị tàn phá vào năm 2030, như một phần cam kết đối với “Thách thức Bonn” (Thách thức Bonn là một nỗ lực toàn cầu nhằm khôi phục 150 triệu ha rừng đã bị tàn phá trên toàn thế giới vào năm 2020 và 350 ha rừng vào năm 2030).

Phần lớn diện tích đất rừng bị tàn phá thuộc về tài sản cá nhân và tiếp cận với những người chủ đất như ông Vicente là cơ sở để hoàn thành thách thức này.

Liên minh Phục hồi Amazon, gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khu vực tư nhân và trường đại học đã được thành lập vào tháng Giêng để đáp ứng thách thức to lớn này và họ cũng đang tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực này.

“Nếu mọi người đều theo gương của ông Vicente thì công việc của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, Rodrigo Medeiros – Phó Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Quốc tế Brazil, một trong những tổ chức trong Liên minh nói, “Quy mô khôi phục mà chúng tôi đang đối mặt ở đây là chưa từng có trong lịch sử Brazil. Không có rừng, thì nước, thức ăn và thời tiết ôn hòa về cơ bản là không thể có”, theo The Guardian.

Những người khác đã tham gia vào nỗ lực của ông Vicente. Người ủng hộ nổi tiếng nhất của Brazil sống gần đó – nhiếp ảnh gia danh tiếng và là nhà hoạt động Sebastião Salgado, đã cùng vợ Lélia trồng lại gần 7.000 ha rừng Atlantic vào những năm 1990 tại quê nhà của mình.

Trong vùng đất của ông Vicente hiện có 8 thác nước với những con đường mòn được cây cối xanh tươi bao phủ.

(Ảnh: Youtube/60 Second Docs)
(Ảnh: Youtube/60 Second Docs)

Những con đường mòn này hoàn toàn sạch sẽ, không có rác hay thuốc lá, có mùi đất nồng cùng tầm nhìn xa tới những thung lũng xanh uốn lượn của vùng núi Mantiqueira, tiếng ồn duy nhất ở đây là thác nước chảy róc rách.

Ông Vicente nói: “Chính phủ đã bán đất với giá rẻ, nhưng đất đai không phục vụ gì được”, “Người ta chặt cây nên sau 3 đến 4 năm, đất trở nên cằn cỗi và không gì có thể phát triển cả”.

Nói về dự án riêng của mình ở dãy núi Mantiqueira, ông Vicente chia sẻ: “Tôi không làm việc này vì tiền, tôi thực hiện điều này vì sau khi tôi chết đi, những gì ở đây sẽ vẫn còn lại cho tất cả mọi người”. Ông nói thêm: “Người ta không còn gọi tôi là điên khùng nữa”.

Hoàng Vũ

Xem thêm: