Câu chuyện về Takizo Iwasaki – Người đàn ông Nhật cả đời làm “hàng giả”
- Ngọc Trúc
- •
Tuy ông Takizo Iwasaki đã qua đời, nhưng vào ngày 12/9/2016 – kỷ niệm 121 năm ngày sinh của ông, trang chủ của Google đã đặc biệt thay đổi logo thành mô hình món ăn để nhắc mọi người tưởng nhớ đến ông – một nghệ nhân người Nhật đã khiến thế giới này trở nên thú vị hơn.
Hachiman là một thành phố nhỏ yên tĩnh nằm ở tỉnh Gifu (Nhật Bản). Khắp nơi vẫn còn lưu giữ hơi hướng của thời kì Edo, từ thành lũy bằng gỗ cổ xưa nhất, cho đến hồ Sota Mizu trong vắt nhìn thấy được tận tới đáy, điệu múa Gujo mùa hè, cảng Shimizu trên sông, hay những con đường cổ, những căn nhà nhỏ và con đường đá cổ xưa.
Chính thành phố yên tĩnh xinh đẹp này lại là nơi sản sinh ra những món “đồ giả” nổi tiếng thế giới. “Hàng giả” ở đây là những mô hình thực phẩm khiến cả thế giới yêu thích.
>> Chiêm ngưỡng những tác phẩm “tò he” tinh xảo của bậc thầy trẻ tuổi Nhật Bản
Ở Nhật có rất nhiều những mô hình mô phỏng đồ ăn như thế này, dù là trong nhà hàng cao cấp hay những quán rượu ven đường đều có thể bắt gặp rất nhiều những mô hình thực phẩm được làm giả như thật.
Mức độ giống đồ ăn thật của chúng cực kỳ thu hút các thực khách, khơi dậy cảm giác thèm ăn, giải quyết vấn đề khó khăn khi chọn món do không biết tiếng Nhật của thực khách nước ngoài.
Người làm ra những món ăn này là một người rất có óc sáng tạo – ông chính là bậc thầy mô phỏng đồ ăn – Takizo Iwasaki.
Takizo Iwasaki sinh năm 1895 tại Gunjōhachiman, tỉnh Gifu, Nhật Bản. Ông là con trai thứ trong gia đình, cha là nghệ nhân chạm khắc gỗ có tiếng lúc bấy giờ, chính vì vậy mà ông được thừa hưởng đôi tay khéo léo giống như cha mình, và làm nên thành tựu như ngày hôm nay.
Năm 3 tuổi, ông Takizo Iwasaki bất cẩn bị ngã vào trong bếp lò khi đang chơi khiến phần mặt bị phỏng, việc này đã gây ám ảnh và tổn thương cho cậu bé luôn rất hoạt bát này, bắt đầu từ khi đó, ông trở nên trầm lặng hướng nội, ngày ngày khổ luyện thư pháp và hội họa, dần dần hình thành nên tính cách không muốn chịu thua của ông.
Vào những năm tiểu học, khi đến đền thờ, ông Takizo Iwasaki nhìn thấy nến sau khi tan chảy nhỏ giọt nổi trên mặt nước trông giống như một đóa hoa mai nở, điều này khiến ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.
Sau khi lập gia đình, do cuộc sống thiếu thốn, ông Takizo Iwasaki phải chăm sóc vợ bị bệnh, ban đêm ông phải dùng nến để thắp sáng. Một lần nọ, ông vô ý chạm tay vào sáp và phát hiện vân tay của mình in lên sáp, thế là ông cho nến nhỏ lên trên chiếu tatami và nhận thấy đường vân của tatami cũng in lại. Điều này khiến ông cảm thấy rất thú vị.
Năm 27 tuổi, ông nhìn thấy mô hình đồ ăn bằng sáp được dùng trong trường học, điều này khiến ông nhớ lại lúc còn nhỏ đã nhìn thấy “hoa mai sáp” trong đền thờ ở quê, ông liên tưởng đến các quán ăn Nhật ngày nào cũng phải bày đồ ăn thật ở trước cửa để thu hút thực khách…
Thế nhưng, dùng đồ ăn thật thì gặp phải một vấn đề rất lớn là nếu trời quá nóng hoặc để quá lâu thì thức ăn dễ biến chất, hư hỏng, như vậy rất lãng phí. Thế là người đàn ông có khối có sáng tạo này đã bắt đầu nghĩ đến việc làm ra những mô hình mô phỏng thức ăn.
Sau vài năm luyện tập, ông Takizo Iwasaki đã làm được mô hình món ăn đầu tiên của mình – Trứng bọc cơm.
Khi ông đặt đĩa trứng bọc cơm có sốt cà chua trước mặt vợ mình, vợ ông hoàn toàn không hề nghĩ rằng đó là giả.
Phản ứng của vợ đã tạo cho ông lòng tin rất lớn, từ đó ông bắt đầu làm các loại mô hình món ăn. Ban đầu, mô hình món ăn của ông chỉ dùng cho một số tiệm cơm thuê. Điều khiến ông không ngờ đó là những mô hình món ăn này không chỉ thu hút thực khách mà còn giải quyết được vấn đề gọi món của rất nhiều khách nước ngoài, từ đó mà các mô hình này trở nên rất được ưa chuộng.
Sau đó, số người tìm đến ông Takizo Iwasaki đặt làm mô hình ngày càng nhiều hơn, ông trở thành nhà cung cấp mô hình món ăn cho 80% nhà hàng, quán ăn ở Nhật.
Vào năm 1932, ông đã từ bỏ công việc làm thợ mộc giống cha mình, ông thành lập một xưởng chuyên sản xuất mô hình món ăn và đặt tên là “Cơ sở sản xuất mô hình món ăn Iwasaki”. Xưởng của ông đã trở thành nhà cung cấp mô hình mô phỏng món ăn lớn nhất Nhật Bản.
Mọi việc xem ra rất thuận lợi, nhưng việc sản xuất mô hình bắt đầu xuất hiện một số vấn đề như: chảy khi gặp nóng, mô hình làm ra không hoàn hảo v.v…
Đối với những vấn đề này, ông Takizo Iwasaki bắt đầu không ngừng nâng cấp vật liệu sản xuất, từ nhựa thông ban đầu đến nhựa PVC. Bằng việc nâng cấp chất liệu sản xuất, các mô hình làm ra ngày càng chân thực hơn, đồng thời không bị phai màu và còn giữ được lâu. Số nhân viên cũng từ vài người phát triển thành một tập thể lớn.
Để làm ra một món ăn không nếm được phải dùng nhiều sức lực và thời gian hơn so với việc làm ra một món ăn thật.
>> Khám phá Yosegi – Nghệ thuật thủ công truyền thống bậc thầy của Nhật Bản
Để làm được một món tempura giống thật, các nghệ nhân đã mất thời gian tròn 10 năm. Mỗi mô hình thường phải mất 1-2 tháng trải qua các 4 công đoạn làm khuôn, làm phụ kiện, lên màu và ghép.
Đằng sau một mô hình chất lượng đã lên đến mức độ nghệ thuật, người ta cần phải rất nghiêm túc, chăm chỉ và có tinh thần của một nghệ nhân.
Thật ra ở Nhật đã từng xuất hiện mô hình mô phỏng món ăn trước những sản phẩm của ông Takizo Iwasaki, thế nhưng ông đã thương mại hóa những sản phẩm này và chúng đã trở thành sự nghiệp cả đời của ông.
Đến nay, mô hình món ăn đã không còn chỉ là mô hình nữa mà đã đi sâu vào đời sống của người Nhật.
Hãng phụ kiện điện thoại Hamee lớn nhất của Nhật cũng hợp tác với cơ sở sản xuất mô hình món ăn.
Hiện nay, ở quê của ông Takizo Iwasaki còn có cả cửa hàng triển lãm chuyên trưng bày những mô hình mô phỏng món ăn.
Tuy ông Takizo Iwasaki đã qua đời, nhưng vào ngày 12/9/2016 – kỷ niệm 121 năm ngày sinh của ông, trang chủ của Google đã đặc biệt thay đổi logo thành mô hình món ăn để nhắc mọi người tưởng nhớ đến ông – một nghệ nhân người Nhật đã khiến thế giới này trở nên thú vị hơn.
Ngọc Trúc
(Ảnh: Sưu tầm)
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản Sáng tạo Văn hóa Nhật Bản Người Nhật Ẩm thực