Câu chuyện xúc động: Thêm một ngày con ở bên mọi người!
“Gia đình là một trong những tuyệt tác của tạo hóa” – George Santayana
Ben chào đời ngày 20 tháng 9 năm 1989. Không lâu sau khi sinh Ben, vợ chồng tôi được các bác sĩ thông báo rằng cháu bị mù và điếc bẩm sinh. Đến năm Ben lên 3, chúng tôi còn biết thêm là cháu không thể đi lại được.
Từ khi Ben mới được 2 ngày tuổi, gia đình chúng tôi đã bôn ba, lặn lội khắp nơi để tìm cách chữa bệnh cho cháu. Bất kể tốn kém bao nhiêu, mỗi khi nghe có bác sĩ giỏi hay bệnh viện nào có khả năng chữa trị bệnh cho cháu là chúng tôi tìm đến. Hàng trăm mũi tiêm đã chích vào cơ thể bé bỏng của cháu và biết bao lần chụp X-quang, CT, cộng hưởng từ. Sau đó là đủ loại thiết bị hỗ trợ võng mạc, căng dây chỉnh hình, dụng cụ trợ thính, xe lăn, khung tập đi cùng với đủ từng ấy các nhà trị liệu hướng dẫn. Đó là chưa kể đến những ca phẫu thuật dai dẳng.
Khi lớn lên, cuộc sống của Ben luôn được kề cận bên các bác sĩ và nhà chuyên môn. Một bác sĩ trị liệu về thị giác, một về thính giác, một chuyên gia giáo dục đặc biệt, một chuyên gia vật lý trị liệu, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, một chuyên gia thần kinh, một bác sĩ nhãn khoa và tai-mũi-họng và một chuyên gia chỉnh hình. Lúc đó Ben mới 8 tuổi.
Tuy nhiên, mỗi buổi sáng, cậu con trai bé bỏng của tôi đều thức giấc với nụ cười tươi sáng như để nói rằng: “Con có mặt ở đây thêm một ngày nữa bên mọi người, và con rất mừng vì điều đó”.
Chị gái của Ben ra đời trước Ben 3 năm. Tôi còn nhớ chồng tôi và tôi đứng ngắm nhìn cháu rất lâu trong những lần cháu tập đi, chờ đợi những âm thanh phát ra từ đôi môi xinh xắn của cháu. Và chúng tôi xem đó là những khoảnh khắc đáng nhớ – một đề tài hãnh diện, nói mãi không chán trong các cuộc chuyện trò. Chúng tôi vẫn luôn nghĩ là chúng tôi đã có một cô con gái thông minh và xuất chúng.
Sau khi cháu Ben ra đời, tình yêu dành cho cháu đã làm thay đổi quan điểm của chúng tôi. Ở độ tuổi nào đó trẻ nói được bao nhiêu tiếng, hoặc trẻ có những phát triển sớm vượt trên mọi kỷ lục mà sách vở đã tiên liệu không còn là điều quan trọng với chúng tôi nữa. Mỗi đứa trẻ chứa đựng một phẩm chất kỳ diệu khác nhau và không thể so sánh được. Cuộc đời của chúng không được mang ra cân đong đo đếm bằng việc chúng thiếu khả năng này hay có những khả năng phi phàm khác.
Năm Ben được 4 tuổi, cháu có thể thao tác nhuần nhuyễn xe lăn nhưng cháu lại không thể nói được tiếng nào – ngoài những nguyên âm ê, a. Thế nên đến bữa ăn tối, gia đình chúng tôi đặt thêm lên bàn ăn một cái máy ghi âm để thu những âm thanh Ben phát ra vì rõ ràng cháu cũng muốn mình góp phần vào cuộc chuyện trò vui vẻ của gia đình. Và biết đâu khi cháu nghe được giọng của chính mình và của mọi người trong nhà qua máy ghi âm, một năng lực tiềm tàng nào đó bên trong con người cháu sẽ được khơi dậy.
Vào một buổi chiều tháng 9 năm 1993, máy thu âm vẫn đang mở khi tôi vừa đút cho cháu ăn vừa nói chuyện với cháu. Bất ngờ, thời gian như ngừng lại – tôi sẽ không bao giờ quên được ánh nhìn trong đôi mắt của con trai tôi, sự tập trung trên gương mặt của cháu, hình thể của miệng cháu – cháu ngước nhìn tôi từ trong xe lăn và thốt ra ba từ đầu tiên của đời mình:
– Con yêu mẹ.
Tôi xoay người về phía chồng tôi. Anh cũng đang nhìn tôi, rưng rưng nước mắt:
– Terry, anh nghe. Anh đã nghe rõ con nói gì!
Tôi đã kịp thu những lời nói đó vào băng để thỉnh thoảng nghe lại mỗi khi cần. Nhưng, bạn biết đấy, tôi không thường xuyên mở đoạn băng này, mặc dù từ đó đến giờ, không nghe cháu nói thêm lời nào nữa. Đơn giản vì tôi không cần phải làm như thế. Tôi luôn luôn nhận ra ánh nhìn trong đôi mắt của cháu – cho dù chúng bị mù – khi cháu ghé sát mặt tôi và hôn lên má tôi. Và đó là tất cả những gì tôi cần.
(Sưu tầm)
Xem thêm:
Từ khóa Xúc động Câu chuyện cảm động Câu chuyện suy ngẫm Tình cảm gia đình Bài học cuộc sống