Cây Gừa rộng nhất thế giới, trông giống như một khu rừng
Cây Gừa khổng lồ (The Great Banyan Tree) ở bang Tây Bengal thuộc Ấn Độ là cây có tán lớn nhất thế giới với diện tích bao phủ lớn hơn cả một sân bóng đá. Chỉ một cây mà trông giống như một khu rừng.
Cây Gừa khổng lồ này sinh trưởng trong khu vườn thực vật Acharya Jagadish Chandra Bose Indian Botanic Garden, thành phố Howrah, bang Tây Bengal, thuộc dòng Gừa Bengal (Ficus benghalensis), diện tích che phủ của tán cây lên đến 1,5 ha.
Do thiếu hồ sơ ghi chép chính thức nên người ta không biết được số tuổi của cây Gừa này, nhưng các chuyên gia tin rằng ít nhất nó cũng đã 250 tuổi, bởi vì ghi chép du lịch vào thế kỷ 19 đã có nhắc đến cây Gừa này.
Nhiều năm qua, gây Gừa đã trải qua nhiều nhiều phong ba bão táp. Chẳng những từng vượt qua hai cơn lốc xoáy lần lượt vào năm 1864 và 1867, mà nhánh chính của nó cũng từng bị cắt bỏ do nhiễm nấm vào năm 1925.
May mắn là cây Gừa này có hàng ngàn rễ khí sinh phát triển từ cành cây giúp cây hấp thụ nước và dưỡng chất. Rễ khí sinh rất giống thân cây, nhìn từ xa, cây Gừa trông giống như một khu rừng, vì vậy người ta gọi loài Gừa này là “rừng độc mộc”.
Người quản lý của vườn thực vật này, ông Arabinda Pramanick cho biết, cùng với sự phát triển và mở rộng của cây Gừa khổng lồ này, vào năm 1985, họ đã xây dựng đường biên bao quanh đầu tiên xung quanh cây này, sau đó lại xây thêm một đường biên thứ hai vào năm 2015. Họ vẫn giữ nhiều không gian cho cây phát triển.
Việc chăm sóc cây Gừa này quả thật là một công trình lớn, cần một nhóm 13 người mới hoàn thành được. Chẳng những họ phải giữ cho cây khỏe mạnh, mà còn cần phải giúp các rễ khí sinh phát triển bình thường.
Hiện nay cây Gừa khổng lồ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của vườn thực vật này, thu hút du khách từ các nơi đến tham quan.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ Nhất thế giới khổng lồ thực vật