Tất bật chuẩn bị cùng độ xa xỉ vượt xa tiệc cưới của nhiều người trưởng thành là cách nhiều gia đình Trung Quốc tổ chức tiệc sinh nhật cho con – những đứa trẻ mới đang ở độ tuổi tiểu học.

Theo Beijing News, thay vì chỉ cần vài bàn tiệc nhỏ với thành phần tham dự chủ yếu là người thân như trước. Nhiều gia đình Trung Quốc ngày nay tổ chức tiệc sinh nhật cho con với độ xa xỉ và chi phí khổng lồ.

Tiệc sinh nhật con gần đây của một gia đình tại Quảng Đông được đặt với giá hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7,5 triệu đồng) mỗi bàn – bao gồm nhân sâm, cá biển hấp, hàu, vịt quay, bào ngư…., chưa tính chi phí thiết kế sân khấu, người dẫn chương trình và cả vũ đạo, ảo thuật. Mức độ chi thậm chí còn vượt xa tiệc cưới của nhiều người trưởng thành.

Tại tỉnh Sơn Tây, người ta rất coi trọng sinh nhật lần thứ 12 – mốc thời gian đánh dấu việc đứa trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên, vậy nên tại một số nơi ở tỉnh này, các phụ huynh muốn tổ chức tiệc sinh nhật cho con cái, đặc biệt khi tổ chức sinh nhật lần thứ 12 sẽ không khác gì được tập dượt tổ chức lễ cưới cho con.

Ngoài việc sắp xếp, lên kế hoạch, đặt tiệc chiêu đãi trong các khách sạn cao cấp, mời công ty tổ chức sự kiện…, họ còn phải sắp xếp cả các chương trình sau tiệc chính như xem phim, đi hát, vũ trường… cho những người tham gia. Một bữa tiệc sinh nhật như vậy có thể tiêu tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ, thậm chí có người lên tới hai ba trăm nghìn nhân dân tệ.

Tổ chức sinh nhật cho con là một nét văn hóa đẹp. Một sinh nhật ý nghĩa có thể để lại những kỷ niệm đẹp cho trẻ, đồng thời vun đắp cho mối quan hệ hài hòa giữa các bạn trong lớp. Nhưng trên thực tế, những bữa tiệc sinh nhật với trẻ em là nhân vật chính ngày càng trở nên xa xỉ, dần đi chệch hướng với ý nghĩa ban đầu và trở thành công cụ để các bậc cha mẹ so sánh nhau.

1000
Khung cảnh một bữa tiệc sinh nhật cho trẻ ở Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Khi bữa tiệc sinh nhật xa xỉ bị biến thành trò chơi so sánh giữa người lớn với nhau không chỉ khiến những đứa trẻ ngây thơ, chưa ngoan trở nên sành sỏi, thích xa hoa, ích kỷ, đố kị… không có lợi cho việc hình thành những giá trị nhân cách mà còn khiến các em bị áp lực tâm lý rất nhiều. Và điều này cũng sẽ gây ra gánh nặng tài chính thực sự cho gia đình.

Trong những năm gần đây, quốc gia tỷ dân này cũng tìm cách chấn chỉnh những thói quen không lành mạnh của cán bộ công chức trong việc “ma chay, cưới hỏi” như kêu gọi tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí nhưng chưa thực sự thu được kết quả. Lý do có lẽ là bởi người Trung Quốc xưa coi trọng đạo đức và các giá trị tinh thần trong khi người Trung Quốc hiện đại lại coi xa hoa là lẽ sống. Nhiều phụ huynh cũng thừa nhận việc chính sách một con nước này áp dụng từ năm 1979 cũng khiến họ có xu hướng chiều chuộng con cái quá mức.

Hoài Anh

Xem thêm: