Chú chó Hachiko và câu chuyện một thập kỷ chờ đợi
Mỗi ngày, vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày trong gần một thập kỷ, từ năm 1925 đến năm 1935, chú chó Hachiko vẫn luôn đến ga Shibuya của Tokyo để chờ đợi người chủ đã qua đời của mình trở về nhà.
Sự chờ đợi của Hachiko lấy đi nước mắt của nhiều người
Hachiko thuộc giống chó Akita – “quốc khuyển” của Nhật Bản. Một cuộc điều tra về số lượng chó Akita công bố, chỉ có khoảng 30 con Akita thuần chủng được ghi nhận và Hachiko một trong số đó.
Hachiko sinh vào tháng 11/1923, là một chú chó nhỏ đáng yêu với bộ lông màu trắng. Vào năm 1924, khi Hachiko được 1 tuổi, giáo sư Hidesaburo Ueno, dạy tại khoa nông nghiệp tại Đại học Hoàng gia Tokyo đã mua nó đưa về sống tại khu phố Shibuya.
Giáo sư Ueno dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, dạy dỗ và trò chuyện cùng Hachiko. Theo thói quen, hàng ngày vào buổi sáng, Hachiko sẽ cùng giáo sư Ueno đi bộ đến ga Shibuya để bắt tàu đến trường đại học, nơi ông giảng dạy. Vì không được phép cùng giáo sư vào trường nên Hachiko sẽ tiễn ông tại nhà ga, sau khi nhìn thấy ông đi khuất, Hachiko mới chịu quay về. Vào đúng 3 giờ chiều, Hachiko lại chạy đến nhà ga đón ông và cùng ông đi bộ về nhà.
Cứ như thế cho tới một ngày, Hachiko không biết rằng đây sẽ là ngày cuối cùng được tiễn người chủ yêu quý của mình. Một ngày đầy đau buồn của tháng 5 năm 1925, khi đang giảng dạy, giáo sư Ueno đột ngột qua đời vì xuất huyết não.
Chiều hôm ấy, Hachiko đáng thương vẫn chạy tới nhà ga và ngoan ngoãn chờ đợi, nhưng khi người cuối cùng đã rời khỏi đó, Hachiko vẫn không thấy chủ của mình.
Dù không thấy ông chủ trở lại, nhưng mỗi ngày, cứ vào lúc 3 giờ chiều, trong gần một thập kỷ, từ năm 1925 đến năm 1935, Hachiko vẫn đến ga để đợi, đợi người chủ đã qua đời của mình trở về.
Sau một thời gian, Hachiko bắt đầu thu hút sự chú ý của những nhân viên ở đó. Lúc đầu, các nhân viên nhà ga không để ý tới Hachiko, nhưng lòng trung thành của nó đã khiến họ cảm phục. Các nhân viên bắt đầu mang đồ ăn đến cho Hachiko, đôi khi họ còn ngồi bên cạnh để khiến nó bớt cô đơn và đau khổ bởi sự chờ đợi vô vọng.
Ngày qua ngày, chẳng mấy chốc đã qua mấy tuần, qua mấy tháng và thậm chí là qua mấy năm, Hachiko vẫn quay lại nhà ga vào mỗi ngày. Sự hiện diện của nó đã có tác động lớn đến cộng đồng địa phương của Shibuya và trở thành một biểu tượng của lòng trung thành.
Không bao lâu, câu chuyện nhanh chóng lan rộng khắp khu vực. Nhiều người đã đến ga Shibuya chỉ để nhìn Hachiko, cho ăn, hay đơn giản là xoa nhẹ vào đầu nó để thay lời an ủi. Những hình ảnh này đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt vì xúc động và sự cảm kích đối với Hachiko tội nghiệp.
Qua 7 năm ròng rã chờ đợi, vào năm 1932, một học trò của giáo sư Ueno nhìn thấy Hachiko và khi biết về câu chuyện cảm động này, anh đã viết một bài báo chia sẻ trên trang nhất của tờ Tokyo Asahi. Thời gian sau đó anh vẫn thường tới thăm Hachiko và viết thêm nhiều bài báo khác.
Đặc biệt nhất là vào năm 1932, một trong số những bài viết của anh được đăng trên tờ báo Asahi Shimbun – tờ nhật báo nổi tiếng của Tokyo với số lượng độc giả lớn. Từ đó rất nhiều người ở Nhật đã biết tới Hachiko, họ bày tỏ sự quan tâm và đồng cảm đến chú một cách chân thành.
Khoảng thời gian này, Hachiko bắt đầu giai đoạn lão hóa và xuất hiện bệnh viêm khớp. Căn bệnh này thường gây ra những cơn đau đớn khiến những chú chó mắc bệnh không muốn vận động. Nhưng Hachiko trung thành không bao giờ để tuổi già hay sự đau đớn làm gián đoạn hành trình của mình. Trong 9 năm 9 tháng 15 ngày sau đó, Hachiko vẫn hàng ngày quay lại nhà ga.
Hành trình chờ đợi kết thúc trong sự tiếc nuối
Hành trình của Hachiko cuối cùng cũng kết thúc vào ngày 8 tháng 3 năm 1935, Hachiko được tìm thấy đã chết trên một đường phố ở Shibuya, khi này Hachiko 11 tuổi.
Vào thời điểm đó vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cái chết của Hachiko, qua kiểm tra cho thấy trong bụng Hachiko có bốn khối u, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định những khối u này không phải là nguyên nhân thật sự. Cho đến năm 2011, người ta mới phát hiện ra rằng khả năng Hachiko chết là vì nhiễm trùng filaria và ung thư.
Sức ảnh hưởng của Hachiko trên đất nước Nhật Bản
Sau khi thông tin cái chết của Hachiko lan truyền trên nhiều mặt báo, mọi người đã dành hẳn một ngày để tưởng nhớ Hachiko. Người ta còn quyên góp tiền và mời nhà điêu khắc nổi tiếng Ando Teru tạo ra một bức tượng Hachiko bằng đồng, bức tượng đặt tại vị trí mà nó đã nằm hàng ngày khi chờ đợi chủ nhân của mình. Thậm chí, lối vào nhà ga gần nơi đặt bức tượng còn được đặt tên là “lối vào Hachiko”, đây là một trong năm cửa chính của nhà ga.
Tại quê nhà của Hachiko, một bức tượng khác được xây dựng và đặt ngay phía trước nhà ga Odate.
Vào năm 2004, trên bệ đá Shibuya, ngay trước ‘bảo tàng loài chó Akita’ ở thành phố Odate cũng có một bức tượng Hachiko.
Vào năm 2015, ‘khoa nông nghiệp tại đại học Tokyo’ đã dựng một bức tượng Hachiko bằng đồng và đặt ngay trong khuôn viên trường, bức tượng được khánh thành vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày Hachiko mất.
Năm 1987, câu chuyện của Hachiko lần đầu tiên được tác giả Kaneto Shindo biên soạn hoàn chỉnh và đạo diễn nổi tiếng Seijirou Koyama đã dựng thành phim với tựa đề ‘Hachiko Monogatari’.
Năm 2009, bộ phim ‘Hachi’ (A Dog’s Story) được dựng lại từ bộ ‘Hachiko Monogatari’ (năm 1987) do ông Lasse Hallstrom làm đạo diễn.
Có thể nói, chú chó Hachiko là một biểu tượng cho những giá trị về lòng trung thành của Nhật Bản. Sau gần một thế kỷ, cho đến ngày nay, lòng trung thành của Hachiko vẫn luôn gây được tiếng vang và để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc đối với rất nhiều người.