Chuyên gia bật mí bí quyết chọn quần jean bền đẹp ‘hàng thập kỷ’
- Minh Minh
- •
Để chọn được một chiếc quần jean bền đẹp chất lượng cao, bạn cần cân nhắc các yếu tố như thành phần vải, trọng lượng, đường may, màu sắc, chất lượng đinh tán.
Quần jean xanh là một biểu tượng của nước Mỹ. Bắt đầu từ nguồn gốc khiêm tốn là quần áo bảo hộ lao động, quần jean dần dần đã trở thành một món đồ thiết yếu trong tủ đồ của tất cả mọi người trên thế giới. Một chiếc quần jean tốt có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Để tránh mua phải quần jean kém chất lượng, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây từ các chuyên gia.
1. Kiểm tra thành phần vải
Theo truyền thống, quần jean được làm từ vải denim (một loại vải chứa 100% cotton) dệt chéo, có kết cấu chặt chẽ và độ bền cao hơn so với các loại vải khác. Chất liệu denim khá cứng nên người ta thường cho thêm Lycra hoặc Spandex để tạo sự co giãn cho vải. Điều đó có nghĩa là khi mua quần mới, việc đầu tiên bạn cần làm là xem hàm lượng sợi tổng hợp.
Saffron King, nhà tạo mẫu thời trang trưởng tại cửa hàng quần áo nữ Blue Bungalow, cho biết: “Một chiếc quần chất lượng tốt phải chứa ít nhất 98% cotton, với một chút elastane để tạo sự thoải mái. Hãy tránh những chiếc quần jean có tỷ lệ sợi tổng hợp cao vì chúng có xu hướng bị mòn nhanh hơn”.
2. Chọn chiếc quần nặng hơn
Điều tiếp theo bạn cần lưu ý là trọng lượng của denim, được đo bằng ounce trên yard. Chất liệu denim dày sẽ có độ bền tốt hơn. Trước khi mua, bạn nên kiểm tra nhãn để xem đó là vải denim nặng, trung bình hay nhẹ.
“Bạn nên chọn loại vải denim có trọng lượng ít nhất từ 12 đến 16 ounce, con số này cho thấy sợi dệt dày hơn và độ bền tốt hơn”, Saffron King gợi ý.
3. Đường may và đinh tán
Rõ ràng, chất lượng denim là yếu tố chính giúp làm tăng độ bền của quần jean. Nhưng bên cạnh đó, bạn cũng không thể bỏ qua việc kiểm tra đường may và đinh tán.
Scott Liebenberg, giám đốc điều hành của thương hiệu trang phục nam Tapered, cho biết: “Đây là nơi tay nghề thủ công được thể hiện rõ nhất. Các đường may cần khít, đều, không bị sờn. Các bạn nên đặc biệt chú ý đến những vùng phải chịu nhiều áp lực như háng và đùi trong”.
Đinh tán cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Khoảng 150 năm trước, chính những chiếc đinh được gắn vào quần đã “dẫn lối” cho một phát minh mang tính biểu tượng – quần jean xanh.
Khoảng năm 1870, một người vợ ở Reno, Nevada đã đến gặp một người thợ may và hỏi rằng liệu anh ta có cách nào để gia cố cho chiếc quần đi làm của chồng cô không. Anh thợ may Jacob Davis đã đưa ra phương án thêm đinh tán kim loại vào các góc của túi và quần nút (quần chỉ có nút quần khóa, không có khóa kéo) để chúng chắc chắn hơn. Davis muốn được cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình nhưng lại không có tiền để làm điều đó. Vì vậy, anh đã viết thư cho Levi Strauss, một người Đức nhập cư và là nhà cung cấp vải denim, cùng hợp tác với mình.
Những chiếc đinh tán tuy rất nhỏ nhưng lại có khả năng tạo nên sự khác biệt lớn cho chất lượng và độ bền của quần jean. Saffron King cho biết: “Quần jean chất lượng cao có đinh tán kim loại ở các điểm chịu lực và khóa kéo chắc chắn. Những chi tiết nhỏ này có thể nâng cao đáng kể tuổi thọ của quần jean”.
4. Chọn màu tối
Màu sắc của quần jean cũng có thể là dấu hiệu thể hiện độ bền. Theo Michelle Barrett, nhà thiết kế trang phục, nhà tạo mẫu cá nhân và người sáng lập Capsule Closet Stylist, cho biết vải màu sáng thường đã được xử lý rất kỹ.
“Các quy trình xử lý có thể làm hao mòn chất lượng vải, vậy nên tốt nhất là bạn chọn những màu tối”, cô nói.
5. Cân nhắc sử dụng vải denim Raw hoặc Selvedge
Saffron King chia sẻ: “Nếu bạn muốn một chiếc quần có độ bền cao hơn nữa thì hãy cân nhắc đầu tư vào vải Raw hoặc Selvedge. Những loại này thường sẽ bền và đẹp hơn theo thời gian. Chúng có giá đắt hơn nhưng lại mang lại giá trị tốt hơn về lâu dài”.
Denim Raw (thô)
Nhiều người đam mê denim cho rằng denim thô là loại tốt nhất, bền nhất. Hầu hết quần jean bán trên thị trường đều đã được xử lý bằng chất mài mòn hóa học hoặc vật lý trong quá trình sản xuất nhằm mục đích làm mềm vải, giảm độ co rút sau này và tạo kiểu quần bò mài. Việc denim thô không phải trải qua quá trình xử lý có thể mang đến cả ưu và nhược điểm.
Sau mỗi lần giặt, sợi vải sẽ dần yếu đi nhưng denim thô thì vẫn giữ được độ bền tốt. Đó là ưu điểm thứ nhất. Ưu điểm thứ hai là denim thô không bị phai màu trong lúc giặt, mà sẽ phai màu tùy theo chuyển động của người mặc. Chiếc quần jean của bạn sẽ trở thành một tấm gương phản chiếu độc đáo của chính bạn. Những người đam mê denim thô thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đạt được độ phai màu và tương phản đúng như ý thích bản thân. Đối với họ, vải denim thô giống như một dự án thú vị lâu dài.
Về khuyết điểm, quần jean thô có kết cấu cứng, khó mặc, không thoải mái như quần jean đã qua xử lý. Chúng cũng có thể co tới 10% trong lần giặt đầu tiên, vì vậy bạn hãy cẩn thận khi chọn cỡ quần.
Denim Selvedge
Selvedge hay Selvage xuất phát từ cụm từ “Self-edge” được hiểu là đường chỉ biên – lai biên được thắt mép liền mạch sau khi dệt, nằm dọc theo hai bên của khổ vải denim. Loại vải denim này được dệt bằng những máy dệt cổ điển như máy dệt con thoi (Shuttle Loom). Chi tiết lai biên liền mạch thường có màu trắng đi cùng một màu bất kỳ, thay đổi tuỳ theo thương hiệu và nhà sản xuất. Quy trình sản xuất Denim Selvedge rất chậm và tốn kém nên các thương hiệu và nhà thiết kế thường sử dụng chúng để thể hiện sự khéo léo và cao cấp. Chúng được chăm sóc cẩn thận bằng các kỹ thuật truyền thống trong tất cả các khâu, từ dệt, nhuộm màu đến thiết kế. Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có vải denim Selvedge chất lượng nhất. Họ rất tôn trọng quy trình sản xuất vải truyền thống.
6. Cách bảo quản quần jean
Các chuyên gia cho rằng bạn không nên giặt quần jean sau mỗi lần mặc mà chỉ giặt khi cần thiết. Có người nói rằng bạn nên giặt sau 5-6 lần mặc, cũng có người nói bạn có thể đợi đến lần mặc thứ 10, trừ khi chúng bị bẩn quá rõ ràng. Việc giặt lúc nào phụ thuộc vào lối sống của bạn và chính chiếc quần jean. Mặc dù denim là một loại vải bền, nhưng 100% (hoặc gần 100%) cotton trong nó lại khá nhạy cảm với việc giặt giũ. Vậy nên hạn chế giặt sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của quần. Để quần không bị phai màu và duy trì độ bền, bạn nên lộn trái quần và giặt bằng nước lạnh. Sau khi giặt xong, bạn nên để giũ quần phẳng ra rồi phơi khô tự nhiên, tránh dùng máy sấy quần áo. Sức nóng từ máy sấy có thể làm quần co lại và cong vênh.