Con người đã nuôi chó nhỏ hàng ngàn năm, và loài vật này luôn được xem là người bạn tốt nhất của con người. Các chuyên gia cho biết, chó có thể cảm nhận được áp lực từ chủ nhân, thậm chí từ cả những người xa lạ, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chúng. Đây là điều mà những người nuôi chó hoặc làm việc cùng chó nên lưu ý.

nuoi cho
Nuôi chó giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nghiên cứu sinh tiến sĩ về hành vi và phúc lợi động vật Aoife Byrne tại Đại học Nottingham (University of Nottingham), cùng giảng viên Gareth Arnott về hành vi và phúc lợi động vật tại Đại học Nữ hoàng Belfast (Queen’s University Belfast), đã viết một bài trên trang web The Conversation, giải thích cách những chú chó bị ảnh hưởng bởi con người.

Hai học giả này viết rằng, từ thời cổ đại, con người đã nuôi chó để săn bắn, canh gác và làm các công việc khác. Ngày nay, chúng chủ yếu được nuôi để làm bạn đồng hành với con người.

Mặc dù loài chó chó hiện nay dường như có cuộc sống dễ dàng hơn tổ tiên của chúng, nhưng chúng vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm cả việc đến gặp bác sĩ thú y.

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2022, các nhà nghiên cứu Pháp đã kiểm tra cách hành vi của chủ nhân tại phòng khám thú y ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của chó. Nghiên cứu phát hiện rằng những hành vi tiêu cực của chủ nhân, chẳng hạn như la mắng, có thể làm tăng cảm giác lo lắng của chó khi được bác sĩ thú y kiểm tra.

Tuy nhiên, trước khi hai học giả trên thực hiện nghiên cứu của mình, chưa ai xem xét ảnh hưởng của áp lực từ chủ nhân lên các chú chó trong một môi trường được kiểm soát.

Họ cho biết, khác với nghiên cứu của Pháp nêu trên, nghiên cứu của họ tập trung đặc biệt vào việc kiểm tra tác động của áp lực từ chủ nhân lên mức độ căng thẳng của chó tại phòng khám thú y, với mức độ căng thẳng được đo lường thông qua sự thay đổi nhịp tim.

Trong nghiên cứu này, 28 chú chó cùng chủ nhân của chúng đã tham gia thí nghiệm. Cả chú chó và chủ nhân của nó đều được đeo thiết bị theo dõi nhịp tim, nhằm giám sát và ghi lại nhịp tim cùng sự biến thiên nhịp tim của cả hai, từ đó đo lường mức độ căng thẳng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu áp dụng các biện pháp can thiệp khác nhau để tăng hoặc giảm áp lực cho chủ nhân, đồng thời theo dõi tác động của những can thiệp này lên cả chủ nhân và những chú chó.

Các biện pháp tăng áp lực bao gồm yêu cầu chủ nhân thực hiện các bài tập tính toán trong đầu và trả lời bằng lời nói. Trong khi đó, các biện pháp giảm áp lực là cho chủ nhân xem một đoạn video thiền định dẫn dắt hơi thở kéo dài 5 phút.

Họ phát hiện rằng khi chó dần quen với môi trường tại phòng khám thú y, nhịp tim của chúng giảm xuống. Điều này cho thấy rằng các bác sĩ thú y nên dành thời gian để những chú chó làm quen với môi trường trước khi bắt đầu kiểm tra.

Cách làm này không chỉ giúp giảm căng thẳng cho chúng mà còn có thể nâng cao hiệu quả của bất kỳ kiểm tra hay xét nghiệm nào mà bác sĩ thú y thực hiện, bời vì các chỉ số như nhịp tim và nhịp thở của chó có thể tăng cao do căng thẳng.

Sự lây lan cảm xúc

Hai nhà nghiên cứu cũng cho biết trong nghiên cứu này, họ đã phát hiện ra rằng sự thay đổi nhịp tim của chủ nhân trước và trong quá trình thí nghiệm có thể dự đoán được sự thay đổi nhịp tim của các chú chó. Nếu nhịp tim của chủ nhân tăng hoặc giảm trong thí nghiệm, nhịp tim của chúng cũng có khả năng tăng hoặc giảm theo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chó có thể nhận biết được áp lực từ chủ nhân và thông qua quá trình “lây lan cảm xúc,” sẽ ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của chúng.

“Lây lan cảm xúc” là một hiện tượng trong đó con người hoặc động vật khác có thể vô tình hoặc cố ý “lây nhiễm” hoặc bắt chước cảm xúc và hành vi của những người hoặc động vật xung quanh.

Trong nghiên cứu này, những chủ nhân được yêu cầu không tương tác với chó của mình trong suốt quá trình thí nghiệm. Do đó, mọi đánh giá về mức độ căng thẳng của chủ nhân do các nhà nghiên cứu thực hiện đều không có sự giao tiếp trực tiếp giữa chủ sở hữu và chó con.

Đối với những người nuôi chó thông thường, nếu áp lực của họ có thể ảnh hưởng đến chó của mình, họ nên lưu ý điều này khi đưa chó đến phòng khám thú y. Nếu bác sĩ thú y có thể giúp chủ nhân cảm thấy thư giãn hơn tại phòng khám, điều này cũng có thể làm cho những chú chó cảm thấy thoải mái hơn.

Hai nhà nghiên cứu còn cho biết, mặc dù nghiên cứu của họ chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa người chủ và chó của họ, nhưng một nghiên cứu khác được công bố gần đây đã chỉ ra rằng khi những chú chó thực hiện bài kiểm tra về “thiên kiến nhận thức” (cognitive bias), mùi mồ hôi từ những người không quen biết và đang chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và nhận thức của chúng. Điều này cho thấy chó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực từ người lạ.

Hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, nghiên cứu của họ cho thấy rõ chó là loài động vật có khả năng cảm nhận, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và những người ở gần chúng. Những người chăm sóc hoặc làm việc cùng chúng nên nhớ rằng áp lực của họ có thể tác động đến mức độ căng thẳng của những chú chó này.