Con cái đến với bạn là để trả ơn hay để đòi nợ?
- Trúc Nhi
- •
Con đến với bạn là để trả ơn hay để đòi nợ? Theo quan niệm truyền thống, mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang theo một phần ân tình hay nợ nần từ kiếp trước. Những đứa con ngoan hiền, hiếu thảo, được cho là đến để báo ơn, trong khi những đứa trẻ nghịch ngợm, khó dạy lại là những “chủ nợ” từ kiếp trước. Cũng có những đứa trẻ chỉ đơn giản là “khách qua đường” không mang theo ân oán, chỉ đến sống cùng cha mẹ trong một hành trình ngắn ngủi của cuộc đời. Vậy, rốt cuộc con cái của bạn vì lẽ gì mà đến?
Một người không có con trai đến hỏi vị cao tăng tại sao mình suốt đời không có con. Vị cao tăng trả lời: “Người ta không nợ gì bạn, bạn cũng không nợ ai, khi không có nợ nần, làm sao có thể có con?”
Một câu chuyện trong Liêu Trai Chí Dị
Câu chuyện kể về một người đàn ông giàu có luôn mong mỏi có một đứa con trai. Cuối cùng, vợ ông cũng mang thai, khiến ông rất vui mừng. Khi gần đến ngày sinh, ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, một người lạ mặt đột nhiên xông vào nhà ông. Ông liền hỏi: “Anh là ai? Sao không chào một tiếng mà đã vào nhà?” Người lạ liền trả lời ngay: “Anh nợ tôi 40.000 tệ (140 triệu đồng), bây giờ là lúc phải trả cho tôi”. Người đàn ông nghĩ thầm: “Tôi đâu có nợ ai 40.000 tệ? Người này rốt cuộc là ai?” Ông không thể nhớ ra và đang định tiếp tục hỏi, thì bị một cô hầu gái gọi dậy báo tin: “Chúc mừng ngài, phu nhân đã hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh đáng yêu”.
Lúc này, ông bỗng nhiên tỉnh ngộ, ông nhận ra rằng đứa trẻ này chính là người trong giấc mơ vừa rồi, người đã đến đòi nợ 40.000 tệ. Vì vậy, ông đã chuẩn bị 40.000 tệ và giao cho vợ, nói rằng sau này tất cả chi phí của đứa trẻ đều phải lấy từ số tiền 40.000 tệ này.
Vài năm sau, đứa trẻ dần lớn lên, và số tiền 40.000 tệ cũng ngày càng vơi đi. Một thời gian sau, ông giàu có gọi đứa trẻ đến và nghiêm túc nói: “Số tiền 40.000 tệ của con sắp dùng hết rồi, con cũng đến lúc phải đi rồi.” Vừa dứt lời, sắc mặt đứa trẻ thay đổi, không lâu sau đứa trẻ qua đời.
Khi con trai mất, người cha tổ chức đám tang cho con. Sau khi mọi việc xong xuôi, ông tính toán lại và nhận ra rằng số tiền 40.000 tệ đã được tiêu hết sạch, không còn một xu.
Cuối cùng, tác giả Bồ Tùng Linh kết luận rằng: “Sinh con hiền, là để báo ân; sinh con nghịch, là để đòi nợ. Người sống đừng quá vui mừng, người chết đừng quá bi thương, tất cả đều là số mệnh mà thôi”.
Nếu sinh ra một đứa con ngoan, thì đó là để đền ơn, còn nếu sinh ra một đứa con hư, thì đó là để đòi nợ. Người có con không nên quá vui mừng, người mất con cũng không nên quá đau buồn, vì tất cả đều đã được định sẵn từ trước.
Nhân duyên cha mẹ và con cái
Tại sao đứa trẻ lại đầu thai vào nhà bạn, mà không phải là vào một gia đình nào khác? Phật gia giảng rằng, nếu bạn và đứa trẻ không có bất kỳ mối quan hệ nhân duyên nào thì chúng sẽ không tới nhận bạn làm cha mẹ. Vậy nên dù bạn sinh con trai hay sinh con gái cũng đều là số mệnh sớm đã có an bài từ trước. Con bạn sau này có tương lai hay không, có ngoan ngoãn nghe lời hay không cũng sớm đã có định mệnh.
Nếu bạn và con cái không có duyên, thì dẫu có chạm mặt cũng đi lướt qua nhau như những người không quen biết. Ví như trẻ sẽ qua đời hoặc bị bắt cóc. Từ đó hai người sẽ không bao giờ có duyên gặp lại nhau nữa. Trong cuộc sống, những ví dụ như vậy nhiều vô số.
Bốn loại duyên phận của con cái
Là cha mẹ, bạn cần nhìn thấu suốt mối nhân duyên ràng buộc này. Con tới nhận bạn làm cha mẹ rốt cuộc là do cơ duyên gì, là thiện duyên hay là ác duyên?
- Báo ơn
Trong những đời trước, nếu bạn có ơn với con cái và hai người rất có duyên phận, thì đời này đứa trẻ sẽ đầu thai đến để báo đáp ân tình của bạn. Những đứa trẻ như vậy thường rất thông minh, biết vâng lời, rất hiểu chuyện và đặc biệt nhất mực hiếu thuận.
Đây chính là nguyên nhân căn bản vì sao chúng ta lại đề xướng mọi người nên sống thiện lương và kết thiện duyên rộng rãi. Ơn huệ mà bạn dành cho người khác nhiều bao nhiêu thì tương lai phúc báo mà bạn nhận được sẽ nhiều bấy nhiêu.
- Báo oán
Đời trước bạn làm điều xấu, điều không tốt với con bạn. Đời này con bạn sẽ đến đòi nợ bạn.
Nếu trẻ từ nhỏ đã bệnh tật liên miên khiến bạn vừa nhọc thân vừa tốn tiền. Lớn hơn một chút thì không biết nghe lời, khi có chủ kiến của riêng mình lại chạy đi khắp nơi sinh chuyện thị phi, khiến tiền của bạn khánh kiệt, tan cửa nát nhà. Những đứa trẻ như vậy chính là tới báo oán.
Có lẽ bạn sẽ cho rằng đây là kết quả của việc giáo dục. Những đứa trẻ không biết vâng lời bây giờ quá nhiều. Lẽ nào chúng đều tới để báo oán hay sao? Điều này bạn cần phải tự hỏi bản thân mình xem trong cuộc sống bạn vui vẻ làm việc thiện, vui vẻ bố thí nhiều hơn hay thường nghĩ cách chiếm lợi của người khác nhiều hơn, đối với tiền bạc, bạn có kỳ kèo thêm bớt hay không.
- Đòi nợ
Đời trước bạn nợ tiền của con bạn còn chưa trả hết, thì đời này chúng sẽ tới đòi nợ bạn, đòi đủ rồi thì nó sẽ tự rời bỏ bạn mà đi. Bạn nợ càng nhiều thì chúng đòi bạn càng nhiều.
Thông thường bạn nợ ít thì những đứa trẻ ấy sẽ rời bỏ bạn khi mới 3, 4 tuổi vì một lý do nào đó như ốm đau, tai nạn. Nếu bạn nợ nhiều, thì đứa trẻ sẽ rời bỏ bạn khi nó được 11, 12 tuổi, thậm chí là khi vừa mới tốt nghiệp đại học xong, khiến bạn phải sống trong dày vò đau khổ.
- Trả nợ
Nếu đứa trẻ nợ bạn nhiều tiền, sau khi trưởng thành trẻ sẽ cung cấp cho cha mẹ một cuộc sống khá tốt, để bạn có thể vui vẻ an hưởng tuổi già. Còn nếu chúng chỉ nợ bạn chút tiền, thì chúng cũng trả đủ cho bạn số tiền đó rồi thôi.
Sinh con ra khó nhọc, nuôi nấng con còn khó nhọc hơn. Làm bậc cha mẹ, hãy nên tích đức cho con cái, đừng vì tham lam, ích kỷ, thù hằn cá nhân mà gây ác nghiệp. Nếu sinh con không được như ý muốn thì cũng đừng buồn giận, chỉ là ta đang phải trả nghiệp cho kiếp trước hay cho những gì ta làm trong quá khứ mà thôi.
Dù là duyên nghiệp như nào trong kiếp trước, thì trong đời này cha mẹ hãy là những tấm gương sáng cho con cái về tu dưỡng đạo đức, hơn nữa cần có trách nhiệm giáo huấn con cái về phương diện này. Trong Phật giáo có giảng rằng chỉ như vậy mới có hy vọng hóa giải những nhân duyên giữa cha mẹ và con cái, cũng là để tránh lặp lại những ân oán vào đời sau.
Trúc Nhi t/h
Xem thêm:
