Cổ nhân tin rằng duyên phận vợ chồng là do Trời sắp đặt
- An Hòa
- •
Cổ nhân tin rằng chuyện hôn nhân đại sự là do ông Trời đã sớm định từ trước. Bởi vậy mới có những thành ngữ như “Nguyệt lão se duyên” hay “Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên. Vô duyên đối môn bất tương thức”, nếu có duyên thì ngàn dặm cũng có sợi dây cột lại, còn không có duyên với nhau thì ở đối diện cũng chẳng biết nhau. Bởi vì duyên phận vợ chồng là do Trời định nên sức người khó lòng thay đổi được. Quan điểm này không chỉ phổ biến ở phương Đông mà cũng tồn tại trong văn hóa phương Tây, chẳng hạn trong Kinh Thánh cũng có chuyện Thiên sứ chỉ dẫn cho chuyện hôn sự lứa đôi.
Người xưa tin vào mệnh, tin rằng duyên phận vợ chồng vốn là do Trời định, nên cách thức dẫn dắt hai người đến với nhau cũng là không quan trọng. Bởi vì là Trời định, nên nhất định sẽ khiến hai người có duyên đến với nhau thông qua một cách thức nào đó. Ví như là ý nguyện của cha mẹ hoặc nhờ người mai mối, đây cũng được người xưa xem là một loại hình thức mà ông Trời lựa chọn để hai người có duyên đến được với nhau.
Đã là sự tình được định sẵn trong mệnh thì việc hai người gặp nhau và tìm hiểu trước khi kết hôn có phải là việc quan trọng không? Kỳ thực đối với cổ nhân mà nói là không quan trọng, không giống như quan niệm ngày nay. Cũng bởi vì người xưa tin vào mệnh Trời nên dễ dàng chấp nhận sự sắp đặt của ông Trời. Nói theo cách của người hiện đại ngày nay thì đó chính là “thản nhiên đối diện với hiện thực”. Điều mà người xưa xem trọng chỉ là sau này hai người lấy lễ nghĩa đối đãi với nhau như thế nào, mỗi người giữ bổn phận của mình ra sao, sống chân thành và bao dung lẫn nhau. Kỳ thực, việc này không phải việc đơn giản, không phải chỉ một tờ giấy kết hôn có thể ràng buộc được, mà là bởi vợ chồng đều trân trọng mối lương duyên ấy nên tự nhiên sẽ làm như thế.
Cho nên người hiện đại ngày nay nếu nhìn vào bậc ông bà, cụ kị cách vài thế hệ thôi thì sẽ không hiểu. Người ta không hiểu vì sao chuyện hôn nhân phần lớn đều bền chặt, cam tâm tình nguyện với nhân duyên vợ chồng dù rất nhiều trường hợp không hề quen biết. Nếu nhân duyên ấy là tốt thì được hưởng mà không tốt cũng sẵn sàng chịu đựng. Đây chính là không đòi hỏi gì nhiều, thuận theo tự nhiên, gặp ai thì yên phận với người đó.
Người xưa còn có cách nói rằng duyên phận vợ chồng chỉ cần một sợi chỉ hồng của “ông Tơ bà Nguyệt” thắt vào chân thì cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa vị cao thấp cũng sẽ gặp nhau, kết duyên, cùng dắt tay nhau đi qua quãng đời còn lại. Chuyện này xuất phát từ một điển cố như sau.
Thời nhà Đường có người tên là Vi Cố mồ côi cha mẹ từ nhỏ, dù gia cảnh không nghèo khó nhưng lại không thể thành thân được như ý muốn. Năm Trinh Quán thứ hai, anh đến Thanh Hà dạo chơi, giữa đường trú lại một quán trọ ở phía nam Tống Thành. Thế rồi có người mai mối nói với anh con gái nhà này là con của quan Tư mã họ Phan ở Thanh Hà. Người ấy muốn Vi Cố sáng sớm ngày mai đến trước cổng miếu Long Hưng gặp mặt người nhà họ Phan.
Vi Cố suốt đêm vui mừng phấn chấn, từ đêm đã vội đến trước cổng miếu. Lúc đó ánh trăng lung linh vẫn còn treo lơ lửng trên bầu trời. Bỗng anh ta nhìn thấy một ông lão ngồi tọa trên bậc thềm, bên cạnh để một cái túi vải, đang đọc sách dưới ánh trăng.
Vi Cố tiến lên trước xem thử nhưng không hiểu những chữ viết trong sách, bèn hỏi ông lão: “Lão tiên sinh xem sách gì thế? Cháu khổ học từ nhỏ, vậy mà sao chưa từng thấy những chữ trong sách này?”
Ông lão mỉm cười đáp: “Đây không phải sách của thế gian, sao cậu có thể thấy qua được”.
Vi Cố lại hỏi: “Vậy sách này là sách ở đâu?”
Ông lão đáp: “Sách của âm phủ”.
Vi Cố kinh ngạc hỏi: “Sao người dưới âm phủ lại đến đây được?”
Ông lão trả lời: “Là do cậu đến quá sớm chứ không phải đây là nơi ta không thể đến. Quan viên ở cõi âm coi sóc việc nhân gian, vậy sao không thể hành tẩu ở nhân gian được?”
Vi Cố lại hỏi: “Vậy ông cai quản việc gì?”
Ông lão đáp: “Chuyện hôn nhân của mọi người”.
Vi Cố mừng rỡ hỏi: “Từ nhỏ cháu đã không còn cha mẹ nên muốn thành thân sớm một chút, nhưng mười mấy năm qua cháu đã cầu thân nhiều nơi đều không thành. Hôm nay có người mai mối cho con gái của quan Tư mã họ Phan, nhờ ông xem giúp liệu chuyện hôn sự lần này có thành công được không?”
Ông lão trả lời: “Không thành, nàng dâu của cậu mới vừa 3 tuổi, phải chờ đến năm 17 tuổi mới vào nhà cậu ở được”.
Vi Cố lại hỏi: “Trong cái túi của ông mang gì thế?”
Ông lão đáp: “Dây tơ hồng! Dùng để cột vào chân của hai người. Chờ khi họ an định, ta sẽ lặng lẽ cột vào chân của họ. Bất kể hai nhà họ là thù địch hay giàu nghèo cách biệt, hoặc cách xa nhau vạn sông ngàn núi, chỉ cần buộc dây tơ hồng vào rồi thì không thể nào thoát khỏi nhau được. Chân của cậu với cô gái kia cũng được buộc rồi, cậu tìm người khác thì có ích gì?”
Vi Cố hỏi tiếp: “Vậy nàng dâu của cháu là ai? Nhà ở đâu?”
Ông lão trả lời: “Con gái nhà bán rau ở phía bắc của quán trọ”.
Vi Cố hỏi: “Cháu muốn đi xem thử được không?”
Ông lão đáp: “Bà lão luôn bế cô bé theo khi đi bán rau, lát nữa cậu đi theo ta, ta sẽ chỉ cho cậu.”
Đến khi trời sáng, người mà Vi Cố chờ vẫn chưa tới. Ông lão gập sách lại rồi đeo cái túi vào và lên đường, Vi Cố theo ông lão đến chợ, thấy có bà lão bị mù một mắt đang ẵm một bé gái 3 tuổi, trông bẩn thỉu xấu xí. Ông lão chỉ vào bé gái và nói với Vi Cố: “Đó là vợ của cậu”.
Vi Cố bực tức nói: “Cháu không muốn!”
Ông lão nói: “Số mạng bé gái này được ấn định đại phú quý, sẽ cùng cậu chung hưởng hạnh phúc, sao có thể không muốn?” Nói xong, ông lão biến mất.
Vi Cố trở về nhà mài sẵn một con dao rồi đưa cho người hầu nói: “Nếu ngươi giúp ta giết chết đứa bé đó, ta sẽ cho ngươi vạn tiền”.
Người hầu kia nhận lời, giấu con dao trong tay áo rồi đi ra chợ, nhân lúc mọi người chen chúc lộn xộn liền đâm bé gái kia một dao rồi bỏ chạy. Trong chợ rất hỗn loạn nên người hầu này có thể chạy thoát được.
Khi trở về, Vi Cố hỏi người hầu: “Đâm có trúng không?”
Người hầu đáp: “Tôi vốn định đâm vào tim nhưng không trúng, trúng ngay giữa hai chân mày”.
Thế rồi từ đó về sau Vi Cố trải qua nhiều lần cầu hôn nhưng đều không thành công.
Thấm thoắt 14 năm trôi qua, Vi Cố tòng quân, trở thành thuộc hạ của quan Thứ sử Vương Thái. Thấy Vi Cố có tài, Vương Thái liền gả con gái cho anh ta. Vợ của Vi Cố vừa khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, dung nhan mỹ miều. Vi Cố tâm như ý nguyện, nhưng lại thấy giữa hai chân mày vợ mình luôn dán một bông hoa giấy nhỏ, cả khi tắm gội cũng không lấy ra.
Sau này khi Vi Cố hỏi, người vợ kể:
“Thiếp là cháu của quan Quận thủ đại nhân, không phải con đẻ của ông. Cha thiếp trước đây là quan của huyện Tống Thành, chết lúc đương chức. Lúc đó thiếp còn đang quấn tã lót, thân mẫu và anh trai cũng lần lượt qua đời. Gia đình chỉ còn lại duy nhất một căn nhà ở phía nam Tống Thành, thiếp sống ở đó với người nhũ mẫu, hàng ngày dựa vào nghề bán rau sống qua ngày.
Vú nuôi thương thiếp còn quá nhỏ nên lúc nào cũng bồng thiếp đi theo. Năm 3 tuổi, trong một lần ẵm thiếp ra chợ bán rau thì bị kẻ nào đó đâm trúng một dao vào giữa hai chân mày, để lại vết sẹo, vì thế thiếp phải dùng bông hoa giấy nhỏ để che đi. Thúc thúc đến nhận chức ở huyện Lư Long đã bảy, tám năm nay, thiếp may mắn được theo thúc thúc, cũng lấy danh nghĩa là con gái để gả cho chàng”.
Vi Cố hỏi vợ: “Trần Thị có phải là bị mù một mắt hay không?”
Vợ của Vi Cố đáp: “Đúng vậy! Vì sao chàng lại biết?”
Vi Cố nói: “Người đâm nàng là do ta phái đi, đây quả là chuyện kỳ lạ!”
Thế rồi, Vi Cố đem toàn bộ câu chuyện kể lại hết cho vợ nghe.
Từ đó hai vợ chồng hiểu ra, rất quý trọng duyên phận, sau này sinh hạ được một bé trai, lớn lên làm quan Thái thú ở Nhạn Môn. Vợ Vi Cố được phong làm Thái Nguyên quận Thái phu nhân.
Kể từ đó, người ta gọi vị Thần tiên cai quản chuyện mai mối se duyên nam nữ là “Ông lão dưới trăng”, cũng gọi là “Nguyệt lão”. Cách nói “Nhân duyên ngàn dặm cũng có sợi dây cột lại” là bắt nguồn từ đây.
Ngày nay, rất nhiều người không tin vào số mệnh, cho rằng vận mệnh của mình nằm trong tay mình, hạnh phúc của mình phải do mình nắm bắt. Họ tự đi tìm trong biển người mênh mông mù mịt, người nào đáp ứng được yêu cầu thì cố gắng có được. Nhưng kết quả thường là nhiều đổ vỡ, mất mát, thân tâm mệt mỏi, thậm chí phạm phải nhiều sai lầm. Quá trình tìm kiếm gian khổ ấy có lẽ cũng chỉ là một hình thức mà ông Trời đã an bài cho người hiện đại. Còn như người đã kết hôn rồi lại không quý trọng, lại ly hôn, ly thân thì chính là tội lỗi. Điều này thì tín ngưỡng phương Tây đề cập rất kỹ càng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Hôn nhân truyền thống: Hàm nghĩa sâu xa của ân ái vợ chồng
- Hôn nhân truyền thống: Giàu sang không bỏ vợ bần hàn
Mời xem video:
Từ khóa duyên phận hôn nhân Vợ chồng Đối nhân xử thế của người xưa