Dù đã 100 tuổi nhưng cụ Roger Wonson vẫn có lối sống rất năng động. Sau khi về hưu, cụ đã tham gia biểu diễn trong một ban nhạc khoảng 25 năm.

Hãy trả lời thật lòng: Nếu có thể sống đến 100 tuổi thì bạn nghĩ mình sẽ đón sinh nhật ở đâu? Trên giường ngủ hay trong viện dưỡng lão? Câu trả lời này có thể đúng với một số người nhưng chắc chắn là sai đối với cụ Roger Wonson (sống ở Beverly). Trong dịp sinh nhật thứ 100, cụ đã ngồi trước dàn trống và tự mình tổ chức một buổi hòa nhạc cho gia đình và bạn bè.

Cụ Roger Wonson là một cựu chiến binh, một tay trống, một người chơi saxophone và một kỹ sư hiện đã nghỉ hưu.

“Âm nhạc có trong mọi người và mọi thứ. Tôi nghĩ tôi sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác nếu tôi không theo đuổi âm nhạc. Âm nhạc dạy tôi cách lắng nghe và cảm nhận cảm xúc”, cụ nói. 

Nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc từ nhỏ

Âm nhạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của cụ và cả gia đình cụ. Khi mới lên 5 tuổi, vào những năm 1920, cụ đã được tặng một chiếc kèn saxophone.

“Những năm 20 là thời kỳ bùng nổ sự sáng tạo trong âm nhạc và thời trang. Kèn saxophone được phát minh vào khoảng năm 24. Nó giống như một chiếc đàn piano chơi với giấy cuộn. Nó rất phổ biến”, cụ nói.

Mọi người trong cộng đồng nhanh chóng chú ý đến cậu bé Wonson mới 5 tuổi đã học chơi saxophone. Họ đặt biệt danh cho cậu là “Rudy Vallée Junior” (Rudy Vallée là một ca sĩ, nghệ sĩ saxophone, chỉ huy ban nhạc, diễn viên và nghệ sĩ giải trí nổi tiếng người Mỹ).

“Lúc đó tôi mới 5 tuổi. Khi thấy tôi loay hoay chơi thử các hợp âm và giai điệu, mọi người đã cười rất lớn. Sau đó, tôi nhìn thấy chiếc kèn saxophone trong một dàn nhạc thực sự. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Nó thật đặc biệt”, cụ kể lại.

Vài năm sau, anh trai của cụ Wonson dọn khỏi nhà và để lại cho cụ một bộ trống cũ. Cụ bắt đầu làm quen với loại nhạc cụ mới. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, cậu bé Wonson ngày ấy đều bật máy quay đĩa để thưởng thức âm nhạc.

Một sự nghiệp huy hoàng

Thế chiến thứ hai nổ ra cụ Wonson đang theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Northeastern University.

“Sau khi gia nhập Lực lượng Phòng không Lục quân, tôi nói với họ rằng tôi quan tâm đến truyền thông. Vậy là họ đã đưa tôi đến đơn vị phù hợp”, cụ nói.

Sau khóa đào tạo cơ bản, cụ Wonson được gửi đến Đại học Wisconsin để học về điện tử.

“Ở đó có các giáo sư giúp đỡ chúng tôi. Lúc đó tôi đang dạy về điện tử cơ bản. Tôi đoán là họ thích những gì tôi làm nên đã gửi tôi đến Yale. Vậy là tôi nhận được hoa hồng từ Yale”, cụ nói.

Cụ Wonson là một sĩ quan truyền thông nhưng chưa bao giờ được ra nước ngoài.

“Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ cuộc chiến thực sự nào. Cuộc sống hàng ngày của tôi gồm nghiên cứu kỹ thuật, thông tin liên lạc, điều khiển năng lượng, máy phát và máy thu”, cụ nói.

Sau chiến tranh, Wonson tận dụng Đạo luật GI (đạo luật hỗ trợ cho những người giải ngũ) và đăng ký vào Học viện Capital Radio Engineering Institute (nay là Đại học Capitol Technology University) ở Washington D.C.

Cụ được thuê làm kỹ sư phó tại Raytheon và đã cống hiến 40 năm cho công ty. Sau đó, cụ nghỉ hưu với tư cách là chuyên gia kỹ thuật cấp cao.

“Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời. Raytheon là công ty đầu tiên sản xuất bóng bán dẫn. Nó được phát minh bởi Bell Labs và tôi đã có mặt trong suốt quá trình phát triển nó. Thời đại của tôi chứng kiến rất nhiều thay đổi không thể tin được của thế giới. Cuộc cách mạng kỹ thuật số thật đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực. Tôi yêu từng phút giây của giai đoạn đó”, cụ nói.

Trong thời gian sống ở D.C, cụ Wonson đã gặp vợ của mình, Mary Sue Littlejohn. Họ có với nhau 3 cô con gái. Sau 74 năm gắn bó, hai người buộc phải chia lìa vì cụ Mary mắc biến chứng của COVID-19 nên đã qua đời.

Cụ Wonson phát triển sự nghiệp trong ngành kỹ thuật nhưng trái tim của cụ chưa bao giờ hết yêu âm nhạc. Sau khi nghỉ hưu, cụ đã tham gia chơi saxophone và trống trong một ban nhạc swing gồm 18 thành viên trong khoảng 25 năm.

Ban nhạc của cụ biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có cả viện dưỡng lão. Cụ Wonson là một thành viên của ban nhạc, đồng thời cũng là một cư dân của viện.

“Tôi chơi nhạc và mọi người cười hạnh phúc. Dù là buổi biểu diễn lớn hay nhỏ thì nó cũng thật ý nghĩa. Đôi bên cùng có lợi”, cụ nói.

Michelle Boudreau, giám đốc chương trình tại The Current Beverly (nơi cụ Wonson cư trú) cho biết niềm đam mê âm nhạc của cụ Wonson là một món quà đối với cộng đồng. Boudreau chịu trách nhiệm chơi guitar. Hai người thường xuyên sáng tác nhạc cùng với nhau.

“Wonson là một người có tính cách rất tích cực và lạc quan. Chúng tôi hợp nhau ngay lập tức. Tôi rất thích chơi nhạc với ông ấy. Âm nhạc của Wonson có thể truyền cảm hứng cho những cư dân khác”, Boudreaux nói.

Bí quyết trường thọ

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, Wonson cho biết cụ rất coi trọng việc hạn chế căng thẳng trong cuộc sống. Vợ chồng cụ có một cam kết ngầm với nhau là không bao giờ được đi ngủ trong trạng thái tức giận.

“Khi nói chuyện với ai đó, bạn hãy chú tâm lắng nghe. Ngoài ra, hãy cẩn thận trước khi nói vì lời nói ra rồi thì không rút lại được”, cụ chia sẻ.

Để vinh danh đam mê âm nhạc gần một thế kỷ của Wonson, công ty nhạc cụ Avedis Zildjian đã tặng cho cụ một chiếc chũm chọe Zildjian làm kỷ niệm. Trên thực tế, cụ đã sử dụng một chiếc chũm chọe của hãng cho bộ trống của mình trong hơn 50 năm.

Craigie Zildjian, chủ tịch điều hành của Avedis Zildjian cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được trở thành một phần nhỏ trong hành trình 100 năm của ông ấy”.

Theo cụ Wonson, âm nhạc là một phần trong cuộc sống của mọi người. Nó giúp gợi lên những ký ức xa xưa mà ngay cả chúng ta cũng không nhận ra.

“Khi bạn bước ra ngoài, bạn sẽ thấy ngay cả chim chóc và cây cối cũng tạo ra âm nhạc. Tất cả những gì tôi muốn nói là âm nhạc rất quan trọng đối với con người, dù họ có nghĩ như vậy hay không”, cụ nói.