4 từ này là dấu hiệu cho sự trưởng thành của một người
- Gia Huệ
- •
Cuộc đời giống như tiếng vọng từ núi, thành tựu người khác cũng chính là thành tựu chính mình. Bạn tử tế với cuộc đời, cuộc đời sẽ đền đáp lại bạn sự tử tế, nó có mối quan hệ đối ứng như vậy.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải mâu thuẫn xung đột với người khác. Khi bạn không đồng tình với người khác, bạn nên đặt mình vào vị trí của họ và suy nghĩ về vấn đề, như vậy mới có thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Thay đổi vị trí có thể chuyển biến xung đột thành tình bạn và giải quyết mọi xung đột trên thế giới.
Trong câu chuyện thầy bói xem voi, thầy sờ vòi bảo con voi sun sun như con đỉa, thầy sờ ngà bảo con voi dài dài như cái đòn càn, thầy sờ tai bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Kỳ thực, quan hệ nhân sinh giữa người với người cũng như vậy, những người ở hoàn cảnh, giai tầng, học vấn, cảnh giới khác nhau sẽ có cách nhìn và suy nghĩ về cùng một sự việc khác nhau. Lúc này, cho dù bạn tranh luận có thuyết phục đến đâu cũng khó có thể cải biến góc nhìn và đánh giá của người khác. Trên thế giới nhiều cuộc xung đột xảy ra là bởi muốn thay đổi người khác. Vì vậy, cách sáng suốt nhất để giải quyết xung đột là 4 chữ: Thay đổi góc nhìn.
Thay đổi góc nhìn là cách sáng suốt nhất để giải quyết xung đột
Có một câu chuyện thú vị như thế này: Trong rừng thường có những loài “oan gia” cùng sinh tồn, ví như chim én và dơi là những loài không thể chịu đựng được nhau. Bởi vì, chim én nghĩ rằng, mặt trời mọc chính là buổi sáng và lúc mặt trời lặn là buổi tối. Nhưng dơi lại cho rằng sau khi mặt trời lặn thì mới là bắt đầu một ngày tươi đẹp. Tóm lại, cả hai đều cảm thấy đối phương đã sai. Có lần chúng lại tranh cãi về điều này và suýt xảy ra đánh nhau. Chim cú đi ngang qua không nhịn được bèn xen vào: Hai bạn có cách sống hoàn toàn trái ngược nhau, sao có thể có cùng quan điểm được?
Quan hệ giữa người với người trong cuộc sống cũng như vậy, mỗi người sẽ có sự khác biệt về xuất thân, tuổi tác, địa vị, kinh nghiệm, v.v. Nhiều thành kiến và gián cách giữa mọi người thường nảy sinh từ việc chúng ta có góc nhìn khác nhau. Nếu bạn luôn nhìn người khác theo quan điểm của riêng mình, bạn sẽ dễ dàng nhìn họ với đủ kiểu không hài lòng.
Nếu đứng ở góc độ của bản thân, bạn chỉ nhìn thấy một phía và thường không thể giải quyết được xung đột. Nếu một người luôn nghĩ đến việc thay đổi người khác và không biết cách nhìn nhận lại bản thân, họ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề hiện có và làm xung đột trở nên trầm trọng hơn.
Nếu có thể tìm nguyên nhân từ bên trong mình sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn. Thay đổi góc độ suy nghĩ cũng là một quá trình tự suy ngẫm. Từ đó, chúng ta không chỉ suy nghĩ, cân nhắc đến người khác mà còn giải thoát bản thân khỏi những phiền não không đáng có.
Thay đổi góc nhìn là sự dung hợp giữa trí tuệ cảm xúc và chỉ số trí tuệ
Đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu được cảm xúc cũng như nỗi đau và những tổn thương của đối phương.
Trong bệnh viện, cô y tá trẻ đã tiêm cho giáo sư vài mũi. Nhìn thấy vết bầm lớn trên cánh tay giáo sư, cô lo lắng đến toát mồ hôi, nhưng vẫn không tìm thấy mạch máu. Giáo sư lúc đầu có chút tức giận, nhưng vẫn nhẹ nhàng nói với cô: “Không sao đâu.” Bởi vì ông chợt nhớ lại mình đã bối rối khi mới bắt đầu làm việc.
Trên đường, một người đàn ông say rượu va phải hai cha con đang đi bộ. Người con vừa định mắng thì người cha đã nhẹ nhàng kéo tay áo con trai. Ông nghĩ đến việc mình từng uống rượu để giải tỏa nỗi buồn khi còn trẻ.
Một người từng viết: “Tôi không biết nên tha thứ điều gì, nhưng thực lòng cảm thấy mọi chuyện trên đời đều có thể được tha thứ”. Người chín chắn trưởng thành có thể làm hài lòng mọi người vì họ biết ai cũng có khó khăn nên có thể thông cảm và đứng ở góc độ người khác để suy xét. Những người trí tuệ có thể tìm ra gốc rễ của mâu thuẫn. Người có trí tuệ cảm xúc cao có thể hiểu rõ được nhân tình thế thái, bản chất con người và đơn giản hóa mọi việc. Thay đổi góc nhìn là sự dung hợp giữa trí tuệ cảm xúc và chỉ số trí tuệ, có thể khiến cuộc sống diễn ra thông thuận, suôn sẻ.
Suy nghĩ từ góc độ của người khác giúp đôi bên cùng thắng
Trong đêm khuya tĩnh lặng, người vợ mù thắp đèn chờ chồng về. Về đến nhà, người chồng rất bối rối: Em không nhìn thấy sao lại thắp đèn làm gì?
Người vợ nói: Em không nhìn thấy nên mới thắp đèn cho anh, vết thương của anh vẫn chưa lành nên đừng va vào nó.
Khi người vợ thắp một ngọn đèn, dù nó không thể soi sáng thế giới của bản thân mình, nhưng nó lại sưởi ấm mối quan hệ giữa hai người.
Cuộc sống rất phức tạp và có nhiều điều chúng ta không biết và những điều chúng ta không thể nhìn thấy. Đằng sau một số nụ cười có thể ẩn chứa nỗi đau không thể tưởng tượng được; đằng sau một số sự việc là có thể ẩn chứa những nỗi buồn chúng ta không thể biết. Người có nội tâm chín chắn, trưởng thành không bao giờ dùng định kiến và quan niệm để nhìn người khác. Bởi họ biết rằng điều cuộc sống này thiếu không phải là những con người có đôi mắt tinh tường mà là “tấm lòng lương thiện và không dễ dàng phán xét người khác”.
Cuộc sống là tấm gương, giúp người khác thành toàn cũng chính là thành toàn cho chính mình. Mọi người nghĩ cho nhau và cách đặt mình vào vị trí của người khác thì đôi bên đều cùng có lợi. Hãy tử tế với cuộc đời, và cuộc đời sẽ đền đáp lại bạn sự tử tế.
Trong “Đàm Kinh” có viết: Nếu một người thực sự tu Đạo, sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian.
Cuộc đời này của con người là một quá trình không ngừng nhìn thấy trời đất, nhìn thấy vạn vật và nhìn thấy chính mình. Một người càng có nhiều kinh nghiệm, tâm hồn họ càng trở nên trong sáng hơn, họ càng biết cách bao dung và chấp nhận người khác.
Từ khóa Mâu thuẫn sự trưởng thành Thay đổi góc nhìn