Đúng vậy, không một ai có thể đảm bảo rằng mỗi quyết định của mình đều chính xác. Sai lầm không phải là điều đáng buồn hay đáng xấu hổ, mà là con đường mỗi người cần tự mình bước đi. Chỉ cần chúng ta không mất đi niềm tin và sự kỳ vọng, thì mỗi lần lựa chọn đều có thể là sự khởi đầu của một lời chúc phúc.

van rui
(Ảnh: Ollyy/ Shutterstock)

Có câu chuyện kể rằng một cậu thanh niên đến thỉnh giáo một vị trưởng giả, cậu hỏi:
“Xin hỏi, làm thế nào mới có thể tích lũy được trí huệ nhân sinh?”
Vị trưởng giả ngước mặt lên nhìn khuôn mặt non nớt của chàng trai đáp:
“Rất đơn giản, hãy bắt đầu bằng cách lựa chọn.”
Chàng trai lại hỏi:
“Vậy làm thế nào mới có thể đưa ra những quyết định chính xác?”
Vị trưởng giả nói: “Bắt nguồn từ kinh nghiệm”.
Người thanh niên hỏi tiếp: “Xin hỏi, kinh nghiệm đó bắt nguồn từ đâu?”
Vị trưởng giả mỉm cười: “Bắt đầu từ những lựa chọn sai lầm!”

Định luật Murphy

Edward A. Murphy là một kỹ sư làm việc tại Viện Công nghệ Hàng không Hoa Kỳ (United States Air Force Institute of Technology), trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển. Năm 1949, trong một lần thử nghiệm tên lửa giảm tốc đột ngột để xem tỉ số gia tốc tối đa mà một người có thể chịu, ông và cấp trên của mình là John Paul Stapp đã gặp sự cố khi máy đo không thu về bất cứ một kết quả nào. Sau này ông phát hiện ra rằng tất cả cảm biến đều bị lắp ngược.

Do vậy ông rút ra được một bài học là: Nếu việc không tốt có thể xảy ra, thì dẫu khả năng này nhỏ bé thế nào, thì nó cũng sẽ xảy ra và có thể gây nên tổn thất rất lớn. Đây chính là “Định luật Murphy” nổi tiếng.

Định luật này nói với chúng ta rằng: Con người vĩnh viễn không thể thấu hiểu vạn sự vạn vật trên thế gian. Phạm sai lầm là nhược điểm bẩm sinh của con người, dẫu khoa học kỹ thuật phát triển thế nào, thì mọi sự cố cũng đều có thể xảy ra.

“Định luật Murphy” cũng có thể mang tới cho chúng ta những gợi ý hữu ích: Sai lầm là một phần của thế giới, sống chung với sai lầm là số mệnh mà con người buộc phải chấp nhận.

Sai sót không phải lúc nào cũng là chuyện xấu, ngược lại, phạm sai lầm thường là bước đệm dẫn tới thành công. Do vậy, hãy dũng cảm thử thách bản thân và dám phạm sai lầm. Điều quan trọng không phải là che giấu lỗi lầm, mà là đúc kết ra bài học, tích lũy kinh nghiệm cho thành công lần sau.

Không dám thử là sai lầm lớn nhất

Rất nhiều người vì sợ thất bại mà không muốn thử nghiệm bất cứ sự vật mới mẻ nào. Rất nhiều người đều ghi nhớ rằng không được phạm sai lầm tại nơi công cộng, kết quả là họ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội học hỏi cho bản thân.

Sai lầm cũng có giá trị của nó. Xét từ một phương diện khác, những nhà tư tưởng có sức sáng tạo sẽ hiểu được giá trị tiềm tàng của sai lầm. Sau đó họ sẽ tận dụng sai lầm làm bước đệm, để sáng tạo ra những điều mới mẻ.

Sai lầm có thể nói cho chúng ta biết khi nào cần chuyển hướng. Trên thực tế, chúng ta học hỏi từ những thử nghiệm và thất bại, chứ không phải học từ những điều chính xác. Ví như lần nào chúng ta cũng đều làm đúng, thì không cần phải thay đổi phương hướng nữa, mà chỉ cần tiếp tục tiến thẳng theo mục tiêu cho tới khi kết thúc.

Không làm một kẻ nhát gan sợ phạm sai lầm

Một vài người, cả đời trốn sau lưng người khác, sống qua ngày đoạn tháng, người khác làm thế nào thì họ học theo như vậy. Người như vậy quả thực là sẽ không phạm sai lầm nhưng vấn đề là không phạm sai lầm cũng sẽ không có sự sáng tạo, không sáng tạo thì không phát triển, dẫu là cá nhân hay xã hội cũng đều khó có thể tiến bộ.

 

“Định luật Murphy” nói rằng con người ai ai cũng đều phạm sai lầm. Nếu bạn không muốn tiếc nuối cả đời vì sợ phạm sai lầm thì hãy tăng cường sức mạnh “mạo hiểm” của mình. Mỗi người chúng ta bẩm sinh đều có năng lực này, nhưng phải thường xuyên vận dụng chúng, nếu không chúng ta sẽ trở thành “kẻ nhát gan” thật sự.

Nhưng khi đối mặt với thiếu sót của bản thân, chúng ta vẫn cần suy xét thấu đáo, toàn diện, áp dụng những biện pháp bảo hiểm khác nhau, ngăn ngừa những tai nạn và tổn thất cho những sai sót của con người xảy ra một cách ngẫu nhiên.

5 biện pháp ngăn ngừa sai sót

1. Từng bước tìm biện pháp giải quyết trong quá trình xảy ra sự việc.
2. Khi thấy áp lực quá lớn hãy nghỉ ngơi một chút, như vậy mới không đưa ra những quyết định không đáng có.
3. Đối chiếu lại nguyện vọng của bản thân, xem liệu quyết định ấy có vi phạm mong muốn của mình không.
4. Đừng kích động, hãy xem xét tổng quan về tất cả những gì có liên quan.
5. Phù hợp với thực tế, phải kiên trì và nhẫn nại, kiểm tra lại nhiều lần.

Lê Minh

Xem thêm: