Giáo dục con lòng hiếu thảo
- Thu Trà
- •
“Bách thiện, hiếu vi tiên” – Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu.
Chữ hiếu được viết theo Hán tự
Nếu như tìm hiểu sâu về chữ Hán, chúng ta sẽ đều nhận thấy nội hàm sâu sắc của Hán tự. Bàn về giáo dục con, “Giáo” chữ Hán được viết là 教, trong đó bao gồm chữ HIẾU 孝, đặt trước bộ Phốc 攴 mang ý nghĩa rằng gốc của Giáo là Hiếu. Trong chữ Hiếu 孝 có phần nửa trên của chữ lão 老 (nghĩa là người già), và nửa dưới là trẻ nhỏ (子) , có thể hiểu là người lớn ở bên trên che chở cho trẻ nhỏ ở bên dưới, ngược lại trẻ nhỏ phải biết hiếu kính với bậc sinh thành.
Dạy con lòng hiếu thảo như thế nào
Trong những câu chuyện giữa các cha mẹ với nhau, bàn về việc chúng ta dạy con mình như thế nào, chắc hẳn có không ít bậc phụ huynh loay hoay. Các câu chuyện xoay quanh phần lớn với mục đích là dạy cho con có tư duy, có kỹ năng và hiểu biết. Bản thân tôi cũng vậy. Đến khi cha mẹ gặp những hành xử của con không vừa ý, hay mắng con hư. Vậy thì cha mẹ phải giáo dục con về lòng hiếu thảo bằng cách nào.
Con tới lớp, các con được cô dạy lễ phép, vâng lời đối với cô nhưng về nhà con không làm được điều đó với ông bà, cha mẹ mình hoặc con sẽ không thực hành được điều đó với những người xung quanh con. Các con có lẽ chỉ được học mà không được hiểu đủ, chỉ được nghe mà không được nhìn đủ.
Chữ “Giáo” được ông Hứa Thận, thời Đông Hán giải nghĩa là: “trên làm, dưới noi theo”. Bậc cha mẹ tự mình thực hành tốt lòng hiếu thảo, trẻ nhỏ sẽ tự nhìn đó mà noi theo, đó là cách giáo dục tốt nhất (Theo DKN). Phụ huynh loay hoay cũng có thể là bởi đang loay hoay với chữ Hiếu của chính mình.
“Nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Từ nhỏ bản thân chúng ta đều nhìn thấy sự vất vả của cha mẹ nhưng chưa hiểu được nó nhọc nhằn như thế nào cho đến khi có gia đình riêng để chăm sóc. Lúc này là lúc chúng ta làm tròn chữ hiếu với lòng biết ơn rõ rệt hơn lúc nào hết. Từng cư xử của chúng ta đối với cha mẹ mình trước mặt các con là bài học tuyệt vời nhất mà không cần bất cứ một lời lý thuyết sáo rỗng nào.
Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương hiếu hạnh đã được ghi chép lại. Tại huyện Đồng Xuân, trấn Phú Yên có một người tên là Nguyễn Văn Tựu là một người con có lòng hiếu thảo hiếm có. Ông vẫn ở cùng cha mẹ khi đã lập gia đình và có con. Ông luôn luôn sớm thăm tối viếng, hiểu ý cha mẹ, chăm sóc cha mẹ chu toàn. Khi cha mẹ qua đời, Tựu làm nhà gần mộ để sớm tối thăm nom. Cả làng khen ông là người con hiếu lễ. Năm Minh Mạng thứ 4-1823, ông được nhà vua hậu thưởng tiền bạc và ban tặng tấm biển treo ở cửa với 4 chữ: “Hiếu thuận khả phúng”, tức là hiếu thuận đáng làm gương.
Noi gương cha, người con của ông tên Thiệu cũng tròn đạo Hiếu và được làng xóm quý trọng không khác gì cha mình. Thiệu sớm tối bên cạnh phụng dưỡng cha lúc ốm đau. Năm Minh Mạng thứ 18, nhà vua thưởng vàng bạc, lụa là cùng bức biển ngạch ghi 4 chữ: “Khắc thiệu hiếu phong”, nghĩa là “Nối được nết hiếu thảo của cha mẹ. Năm Minh mạng thứ 21 cha ông mất. Thiệu cũng để tang bố và làm nhà ở mộ 3 năm. Đạo hiếu của người con ấy đã làm cảm động tới làng xóm xung quanh. (Nguồn: Báo Bình Phước).
Vua Lê Thánh Tông là một minh chứng điển hình cho việc làm gương cho con về đạo Hiếu. Hoàng Thái tử đã cùng vua cha chăm sóc cận kề Hoàng Thái Hậu từ khi bà lâm bệnh nặng cho đến khi qua đời. Nhờ vậy Hoàng Thái Tử cũng theo đạo Hiếu đó, quay trở về với Lễ tiết cổ xưa, định tang vua cha 3 năm để nguôi lòng nhớ tiếc vua cha sau khi băng hà (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Người xưa trọng đạo hiếu đến vậy bởi vì khi một đứa trẻ có lòng hiếu thảo, đứa trẻ ấy sẽ không làm việc gì xấu để cha mẹ phiền lòng, và rộng hơn nữa chúng sẽ không làm gì để tổn hại đến anh em, bạn bè và mọi người xung quanh. Như vậy gia đình sẽ hạnh phúc biết bao và xã hội sẽ tốt đẹp đến nhường nào.
Từ nhỏ, tôi đã được giáo dục về đạo đức, nhưng khi tiếp xúc với ba tác phẩm kinh điển: “Đệ Tử Quy”, “Tam Tự Kinh” và “Thiên Tự Văn”, nhận thức của tôi đã mở rộng đáng kể. Tôi nhận ra rằng chữ “Hiếu” trong tôi vẫn chưa trọn vẹn. Cha mẹ chỉ có thể dạy con bằng những gì họ biết, vì vậy, là một người mẹ, tôi không chỉ cần học cách dạy con, mà còn phải học lại cách làm con cho đúng. Tôi mời bạn cùng con khám phá “Đệ Tử Quy” – với những vần thơ ngắn gọn truyền tải hành vi cụ thể và những câu chuyện sâu sắc – biết đâu bạn sẽ có những khám phá bất ngờ.
Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Thu Trà
Từ khóa Giáo dục Dạy con Lòng hiếu thảo