Gửi các bậc cha mẹ: Ngàn vạn lần đừng dán nhãn cho trẻ
- Vương Hòa
- •
Trong quá trình nuôi dạy con cái, một trong những sai lầm nghiêm trọng mà chúng ta có thể vô tình mắc phải chính là việc dán nhãn cho trẻ. Những nhãn mác như “chậm chạp,” “nhát gan,” hay “ngốc nghếch” không chỉ làm tổn thương tinh thần của trẻ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của chúng. Dù là những lời nói vô tình hay phản ứng trong những tình huống cụ thể, chúng có thể định hình cách trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Thay vì đánh giá trẻ qua những nhãn mác tiêu cực, hãy giúp con phát triển theo cách tự nhiên và tích cực bằng sự thấu hiểu, khích lệ và hỗ trợ.
Cha mẹ ‘dán nhãn’ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ
Con gái tôi ở nhà thường bị coi là “chậm chạp”, mỗi khi gọi cháu ra ngoài, từ lúc yêu cầu đến khi cháu thực sự rời nhà cháu thường mất rất nhiều thời gian, lề mề hàng chục phút. Không chỉ buổi sáng đi học thường xuyên muộn mà ngay cả cuối tuần đi chơi cũng thiếu hứng thú, phải thúc giục mãi mới có thể khiến con bé bắt đầu hành động.
Các công việc hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, ăn cơm cũng cần liên tục được nhắc nhở mới thực hiện được. Vì vậy, mỗi ngày tôi đều phải hỏi con: “Sao con lại chậm chạp như vậy?”
Tuy nhiên, dù tôi có nhắc nhở liên tục, con gái tôi không chỉ không trở nên nhanh nhẹn hơn mà còn càng ngày càng lơ là và không chịu nghe lời tôi. Mãi đến sau này tôi mới nhận ra, tôi đã vô tình dán cho con cái nhãn “chậm chạp”, khiến con càng ngày càng xa rời những kỳ vọng của tôi.
Qua trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy rất nhiều phụ huynh xung quanh cũng mắc phải sai lầm tương tự như tôi. Có rất nhiều phụ huynh làm tổn thương con cái mà không hề nhận ra.
Khu vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư của tôi lúc nào cũng có rất nhiều trẻ em vui đùa. Mỗi khi những đứa trẻ tụ tập chơi cùng nhau, các bậc phụ huynh lại bắt đầu trò chuyện. Một hôm, tôi nghe một bà mẹ nói: “Con trai tôi từ nhỏ đã kén ăn, mỗi lần ăn cơm là tôi lại lo lắng”. Ngay lập tức, một bà mẹ khác lên tiếng: “Con tôi còn kén ăn hơn, chỉ thích ăn cơm, chẳng chịu ăn rau làm tôi tức chết”.
Những đứa trẻ gần đó nghe thấy liền phản bác: “Rau có mùi lạ mà”. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không đồng ý, họ kiên quyết cho rằng con mình kén ăn mà không hề nghĩ rằng có thể do giác quan vị giác của trẻ quá nhạy cảm.
Chẳng bao lâu sau, tôi lại nghe thấy một người bố gọi con: “Sao con lại vô lễ thế, gặp người khác mà không chào hỏi?” Đứa trẻ ngượng ngùng trốn phía sau lưng bố há miệng nhưng không biết nói gì. Đám trẻ nghe thấy những lời của bố mẹ trong lòng cảm thấy uất ức và không phục, nhưng cuối cùng chỉ có thể âm thầm chấp nhận và tự mình đối mặt với những cảm xúc đó.
Việc phụ huynh thường xuyên dán nhãn cho con cái thực sự rất phổ biến. Tôi có một người bạn thân luôn nói con trai mình nhát gan, và còn kể rất nhiều ví dụ về điều này. Con trai cô ấy hồi nhỏ sợ tiếng ồn, lớn lên lại sợ cầu trượt, và khi gặp người quen trong khu dân cư thì phản ứng đầu tiên của cậu không phải là chào hỏi mà là trốn đi. Trong suốt quá trình con lớn lên, cô ấy chỉ đơn giản cho rằng con mình vốn nhát gan mà không có cách hướng dẫn đúng đắn.
Bây giờ, con trai cô ấy đã mười tuổi, trở nên nhút nhát như cô ấy nói, thậm chí không dám thử các thiết bị trong công viên giải trí hay các thiết bị VR có ở các trung tâm thương mại.
Đa số phụ huynh không nhận ra rằng những lời nói thoáng qua này thực sự gây tổn thương rất lớn đến trẻ. Thậm chí khi con phản đối, có những phụ huynh còn nói: “Mẹ nói có sai gì không? Rõ ràng là con như vậy”. Phụ huynh thường cho rằng mình luôn đúng, nhưng người bị tổn thương lại chính là con cái.
Điều đau lòng là mặc dù đã làm tổn thương con nhưng nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy mình hoàn toàn đúng. Vậy những đứa trẻ bị “dán nhãn” ấy đang nghĩ gì? Tôi từng xem một đoạn video ngắn và điều đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Cha mẹ dùng lời nói dịu dàng và yêu thương sẽ khiến trẻ thay đổi từ bản chất
Một giáo viên trong một buổi thực hành giáo dục gia đình đã dán chữ “Đáng yêu” lên trán của hai đứa trẻ mà chúng không biết mình bị dán gì. Khi vào lớp, giáo viên yêu cầu các phụ huynh và các bạn học sinh khác phải làm ra vẻ khinh thường và coi thường hai đứa trẻ này. Dưới thái độ của mọi người, hai đứa trẻ dần cảm thấy buồn hơn. Khi giáo viên yêu cầu chúng đoán chữ dán trên trán mình, chúng đoán là “Ghét” và “Đồ ngốc”. Tuy nhiên, khi nhìn thấy chữ “Đáng yêu” trên trán mình, chúng cuối cùng đã mỉm cười.
Từ góc độ tâm lý phát triển của trẻ em, khả năng nhận thức của trẻ còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, và sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh có tác động quyết định đến trẻ. Thái độ của người khác có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ. Dù bản chất trẻ em là đáng yêu nhưng chúng vẫn có thể nghi ngờ liệu mình có bị ghét bỏ hay liệu mình có phải là “đứa ngốc”.
Trong chương trình ‘Thiếu niên thuyết’ có một cậu bé lớp năm, khi bắt đầu đã lớn tiếng nói: “Mình rất muốn xé bỏ cái nhãn ‘học sinh nghịch ngợm’ trên người mình”. Cậu bé đã từng đánh nhau vì không chịu để người khác chen ngang, và thậm chí dẫn dắt nhóm “đội thám hiểm” đi khám phá trong bãi đậu xe. Mỗi khi cậu có mâu thuẫn với bạn bè, giáo viên lại luôn chỉ trích cậu ngay lập tức dù đó không phải là lỗi của cậu. Cậu cảm thấy mình đã cố gắng sửa chữa nhưng cái nhãn đó vẫn không thể xóa đi.
Cuối chương trình, giáo viên đã thành thật xin lỗi cậu bé và thừa nhận rằng cậu đã thay đổi rất nhiều. Khi đứa trẻ nghe thấy lời xin lỗi này nó đã khóc vì uất ức.
Những đứa trẻ sống trong những cái nhãn tiêu cực mà người khác gán cho sẽ bị tổn thương về niềm tin và sự tự trọng khiến chúng nghi ngờ bản thân. Chúng bắt đầu tự hỏi liệu mình có thật sự như những gì người khác đã mô tả. Những ‘nhãn mác’ này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không thể lường trước.
Cách cha mẹ đánh giá con cái có thể ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả cuộc sống của chúng. Trên mạng xã hội, một người dùng chia sẻ rằng từ khi còn nhỏ, mẹ cô luôn chỉ trích cô, nói rằng cô “thậm chí còn không bằng người đi nhặt ve chai”. Điều đáng tiếc là cô ấy rất ngoan, và thực sự tin rằng mình rất tệ, thậm chí đã từng nghĩ đến việc tự sát.
Cô cảm thấy cha mẹ là những người có quyền lực lớn và là những người gần gũi nhất với mình, vì vậy cô rất quan tâm đến những gì họ nghĩ về mình. Do không bao giờ nhận được sự khẳng định từ cha mẹ, cô thường tự nói thầm “Mình thật tệ” hoặc “Mình quá tệ”. Những cảm xúc tiêu cực này theo cô suốt quá trình trưởng thành và ăn sâu vào tâm trí cô.
Hầu hết những đứa trẻ lớn lên với sự đánh giá tiêu cực từ cha mẹ đều mang trong mình sự tự ti. Chúng hiểu rằng cha mẹ không phải không yêu mình mà chỉ vô tình nói ra những lời đó. Tuy nhiên, chính những “nhãn mác” vô thức này lại khiến trẻ mãi nhớ mãi và cảm thấy buồn bã.
Một giáo sư tâm lý học ở Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm. Ông lấy một danh sách ngẫu nhiên trong lớp học và nói rằng những đứa trẻ trong danh sách này có IQ cực cao, hoặc sẽ thành công muộn, hoặc đã đạt được thành tựu từ rất sớm. Sau một học kỳ, tất cả những đứa trẻ trong danh sách đều cải thiện kết quả học tập, trong khi những đứa học giỏi trước đây nhưng không có trong danh sách lại trở nên kém đi.
Kết luận của thí nghiệm là: Khi một người bị dán nhãn, họ dễ dàng tiếp nhận thông tin tâm lý đó và bắt đầu thay đổi hành vi để phù hợp với nhãn mác đó.
Những đứa trẻ bị dán nhãn tiêu cực sẽ dễ dàng nghi ngờ và phủ nhận bản thân. Chúng sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình và phụ thuộc vào những đánh giá của cha mẹ. Chúng sẽ nghĩ rằng, nếu mình bị coi là như thế này thì mình chính là như thế.
Dần dần, những “nhãn mác” đơn giản từ cha mẹ sẽ trở thành nhận thức về bản thân ăn sâu vào tâm trí trẻ. Dự đoán tự thành sự thật này đôi khi sẽ khiến đứa trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn, cố gắng thể hiện hành vi phù hợp với nhãn mác đó để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Hành vi này lại càng củng cố nhận thức của chúng, khiến chúng tin rằng mình đúng như những gì cha mẹ đã nói.
Yêu thương con cái thực sự bắt đầu từ việc nói chuyện một cách tử tế. Trong tâm lý học trẻ em có một khái niệm quan trọng gọi là “dự đoán tự thành sự thật”. Nó chỉ ra rằng những gì chúng ta tự nghĩ về bản thân thường sẽ trở thành hiện thực. Khi cha mẹ dán nhãn cho con, đứa trẻ có thể phát triển theo hướng đó, vì chúng tin rằng nếu mình bị coi là như thế này thì mình chính là như thế.
Khi con phạm lỗi, cha mẹ nên làm gì để giúp con khắc phục và phát triển tốt hơn? Quan trọng là cha mẹ cần sử dụng ngôn ngữ khách quan khi đối diện với vấn đề, thay vì chỉ trích tính cách của con.
Nhiều cha mẹ khi giáo dục con thường phóng đại vấn đề. Tuy nhiên, nếu con không dọn dẹp sách vở, điều đó không có nghĩa là con lôi thôi. Nếu điểm thi không cao cũng không có nghĩa là con ngốc nghếch. Khi con gặp vấn đề, cha mẹ có thể chỉ ra vấn đề cụ thể và giúp con nhận ra nơi cần cải thiện thay vì hạ thấp bản thân con. Thay vì dán nhãn con, cha mẹ nên tập trung vào việc tìm cách giải quyết vấn đề.
Trước đây, tôi đọc một bài viết của một người cha có con là học sinh giỏi. Ông kể rằng con gái ông không giỏi tính toán. Tuy nhiên, ông không vội vã đánh giá con là “ngốc”, mà kiên nhẫn tìm hiểu sở thích của con. Ông nhận thấy con gái thích tô màu, vì vậy ông tự tạo ra các tờ giấy tô màu có phép cộng và trừ để con học toán qua việc tô màu. Mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm riêng, và thay vì dán nhãn khi con không đáp ứng kỳ vọng, cha mẹ nên suy nghĩ cách giúp con phát triển theo cách phù hợp.
Chuyển ngôn ngữ tiêu cực thành tích cực cũng rất quan trọng. Khi nói “Đừng nghĩ đến một con mèo đen”, hình ảnh con mèo đen chắc chắn sẽ xuất hiện trong đầu mọi người. Điều này liên quan đến cách bộ não xử lý ngôn ngữ: khi tiếp nhận ngôn ngữ từ bán cầu trái, bán cầu phải sẽ tạo ra hình ảnh tương ứng. Việc lặp đi lặp lại ngôn ngữ sẽ củng cố hình ảnh trong bộ não. Khi chúng ta nói với con “Đừng chậm chạp nữa”, con sẽ chỉ nghĩ đến việc chậm chạp, chứ không phải việc cần phải làm nhanh hơn. Vì vậy, thay vì nói “Đừng chậm chạp nữa”, cha mẹ nên nói “Nhanh lên, tiết kiệm thời gian hơn”. Thay vì nói “Quá cẩu thả”, hãy nói “Lần sau làm cẩn thận hơn”. Những ngôn từ tích cực này sẽ giúp con hình dung ra hành động đúng đắn mà cha mẹ mong muốn.
Đánh giá và kỳ vọng của cha mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức về bản thân và sự phát triển của con. Không thể tùy tiện dán nhãn con, mà cha mẹ cần hiểu thế giới nội tâm của con, nắm bắt những suy nghĩ thực sự của con, và luôn hỗ trợ, khích lệ con để hướng con đi theo con đường tích cực và lành mạnh. Nếu bạn đã từng bị người khác dán nhãn, hãy nhớ đừng để điều đó xảy ra với con mình.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
Từ khóa cha mẹ dán nhãn cho trẻ
