Hòn đảo “Tây Lương nữ quốc” ở Estonia
- Thanh Bình
- •
Trên một hòn đảo ở quốc gia Estonia thuộc châu Âu được ví như một “Tây Lương nữ quốc” thứ hai, người ta rất ít khi nhìn thấy nam giới. Hòn đảo này duy trì xã hội mẫu hệ, phụ nữ quán xuyến tất cả mọi việc.
Đây hoàn toàn không phải là người dân nơi này phân biệt đối xử với nam giới, mà là bởi vì nam giới đa phần đều làm việc ở ngoài, vì vậy phụ nữ không thể không gánh vác những trọng trách này, chế độ xã hội này cũng đã trở thành một truyền thống rất đặc trưng.
Hòn đảo có tên là Kihnu này nằm ở biển Baltic, cách bờ biển Estonia 11 km, dân số chỉ có 400 người.
Do nam giới trên đảo thường xuyên đi đánh bắt cá để kiếm sống và thường xa nhà những mấy tháng trời, nên phụ nữ trên đảo trở nên hết sức kiên cường và độc lập. Họ phải đảm đương và xử lý hầu như tất cả mọi việc, bao gồm nuôi dạy con gái, trồng trọt, thậm chí là quản lý đảo.
Cư dân nữ trên đảo này đặc biệt để tâm làm một việc, đó là giữ gìn truyền thống và văn hóa địa phương.
“Đảo chủ” Mare Matas sống hơn nửa đời trên đảo Kihnu nói với trang Great Big Story rằng cách sinh hoạt của họ hoàn toàn khác với quốc gia Estonia, rất nhiều truyền thống vẫn còn tồn tại. Ví dụ như nam giới đi xa đánh cá, mọi người mặc trang phục truyền thống hàng ngày…
Bà Matas cho biết dân ca và các điệu múa cổ truyền đến nay vẫn còn được gìn giữ. Những khúc ca và truyền thống kết hôn ở đây đã có hơn 2.000 năm lịch sử.
Bà còn chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng lo rằng văn hóa đặc trưng của chúng tôi sẽ bị mất đi. Nếu những điều này vẫn còn được gìn giữ đến ngày hôm nay thì thật sự là vô cùng quý giá, quả thật là kỳ tích.”
May mắn thay, văn hóa đảo Kihnu, đặc biệt là truyền thống hôn lễ ở đây đã được UNESCO xếp vào danh sách “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Viện bảo tàng Kihnu cũng đã được tu sửa, có thể giữ gìn lịch sử và văn hóa của hòn đảo này tốt hơn để truyền cho đời sau.
Thanh Bình
Xem thêm:
Từ khóa Nữ quyền Tây Lương nữ quốc Estonia Đảo Kihnu