Hồng Lâu Mộng: Hỏi thế gian tình là gì khiến người ta ‘thề non hẹn biển’?
- Trần Tịnh
- •
Ngay từ đầu tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Tào Thuyết Cần đã mượn lời Không Không đạo nhân nói ra chủ đề của cuốn sách: Chủ đề chính là về tình. Chữ “tình” này, vốn dĩ khiến lòng người mê loạn, có người đọc xong toàn bộ cuốn sách cũng chưa chắc đã hiểu, có người trải qua cả một đời cũng chưa chắc đã tỏ tường.
Giống như trong bài thơ đã nói: [Từ khi] khai thiên lập địa, ai là kẻ si tình? Tình ấy từ đâu mà có, vì sao mà sinh ra? Do đâu mà kết thúc? Thật ra, trong sách tác giả đã trả lời hết rồi. Chỉ là chúng ta chưa hiểu mà thôi.
Bởi vì chúng ta quá chú ý đến câu chuyện tình yêu của họ, chìm đắm trong những bi hoan ly hợp của họ, mà quên đi căn nguyên của tất cả những điều đó.
Điều động lòng người nhất trong Hồng Lâu Mộng chính là tình yêu. Đây là một chủ đề vĩnh hằng nhưng lại vô cùng bình dị, vậy mà Tào Thuyết Cần đã viết ra vô vàn ý vị. Tình yêu của Bảo Ngọc và Đại Ngọc chắc chắn là thứ lay động lòng người nhất, trong đó có đẹp đẽ, cũng có phiền não; có hy vọng, cũng có thất vọng; có tấm lòng sống chết không rời, nhưng lại chẳng thể tránh khỏi sinh ly tử biệt. Muôn vàn hương vị, vạn mối dây dưa, thật giống như nhân sinh. Sau một lần biệt ly, phồn hoa lụi tàn, chẳng còn dấu vết, lại càng giống như một giấc mộng.
Bởi vì là một giấc mộng, cho nên cần phải nhìn thấu, buông bỏ, đây có lẽ mới là chủ đề thực sự của Hồng Lâu Mộng. Giống như số mệnh cuối cùng của Bảo Ngọc, buông bỏ hết thảy sự đời để xuất gia.
Bi kịch tình cảm của Bảo Ngọc và Đại Ngọc khiến người ta khó nguôi ngoai nhất
Bi kịch tình cảm của Bảo Ngọc và Đại Ngọc, là điều khiến người đọc Hồng Lâu Mộng khó nguôi ngoai nhất. Mà đây lại chính là nhân duyên của hai người.
Ngay từ hồi đầu, tác giả đã mượn lời Chân Sĩ Ẩn để nói rõ nàng vốn là một cây Giáng Châu Tiên Thảo trên trời, và mối nhân duyên nợ ơn tưới tắm của Bảo Ngọc. Để báo ân trả nợ, nàng tự nguyện theo Bảo Ngọc đầu thai xuống nhân gian, hóa thân thành em họ của Bảo Ngọc là Lâm Đại Ngọc. Đây chính là điều mà tác giả đã nói rõ từ trước.
Bởi vì những nét chấm phá về nhân duyên này trong tác phẩm, so với câu chuyện đồ sộ, thì lại quá sơ lược, dường như không đáng kể, thêm vào đó bản thân câu chuyện lại quá sinh động, cảm động lòng người, người ta thực sự khó tin rằng, nước mắt chảy cạn, lại là bản nguyện của Đại Ngọc ở kiếp sau; và cái bản nguyện “trả lệ” này, thực sự là sợi chỉ đỏ mà tác giả Tào Tuyết Cần đã an bài cho cả cuộc đời nàng.
Mà vở kịch này, càng chấp thì càng thê thảm, cũng có thể nhắc nhở người đời về sự đáng sợ khi con người chìm đắm trong ảo tình hồng trần. Hy vọng mọi người cuối cùng sẽ giống như Bảo Ngọc, nhìn thấu những giả tượng hư ảo trong hồng trần, phản bổn quy chân, thoát khỏi bể khổ.
“Vị muội muội này hình như đã gặp ở đâu rồi vậy”
Sau khi Đại Ngọc đến Giả phủ, vừa trông thấy Bảo Ngọc nàng đã vô cùng kinh ngạc: “Sao người này lại quen mắt đến thế, như thể đã gặp ở đâu đó rồi”. Mà Bảo Ngọc cũng vậy, vừa mở miệng đã nói rằng mình từng gặp muội muội này trước đây. Những lời miêu tả ấy chính là để nhắc nhở người đọc rằng tiên thảo Giáng Châu đã hóa thân thành tiểu thư họ Lâm — Lâm Đại Ngọc, và ước nguyện theo Bảo Ngọc đầu thai xuống trần gian đang bắt đầu thành hiện thực. Sợi dây nhân duyên ấy đã được nối lại.
Mà khi đã nối lại, cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu hành trình ‘trả ân bằng nước mắt’. Vì thế ngay sau đó liền xảy ra cảnh Bảo Ngọc đập ngọc, khóc lóc ầm ĩ. Chàng hỏi Đại Ngọc có mang theo món đồ nào từ khi sinh ra không, ví như một viên ngọc như chàng hay không. Khi biết nàng không hề có thứ “Ngọc thông linh” ấy, Bảo Ngọc lập tức nổi giận, muốn đập vỡ mảnh ngọc đang đeo bên mình — vật được xem là mệnh căn, gắn bó từ thuở nhỏ.
Mảnh ngọc ấy chính là viên đá hóa thân mà thần tăng trong giấc mộng của Chân Sĩ Ẩn ở hồi đầu tiên từng nói là sẽ đầu thai xuống trần gian. Vậy nên thân thế thật sự của Lâm Đại Ngọc và Bảo Ngọc đã được hé lộ rõ ràng — cả hai đều đến từ cõi tiên, mang theo sứ mệnh riêng biệt. Đồng thời, câu chuyện cũng gắn liền chặt chẽ với mối nhân duyên ‘trả nợ bằng nước mắt’ của Đại Ngọc. Ngay từ lần đầu gặp Bảo Ngọc, nàng đã phải rơi nước mắt vì chàng — vì trò quậy phá của chàng khiến nàng tự trách mình lỡ lời, gây ra chuyện muốn đập vỡ ngọc của chàng.
Đúng là mọi lúc, mọi chi tiết trong truyện đều đang thể hiện mối nhân duyên sâu kín khó ai biết được. Từ ngày gặp gỡ ấy, nàng đã phải vì Bảo Ngọc mà khóc, khóc cho đến tận ngày cuối cùng trong đời, khi chính nàng nói rằng hình như nước mắt đã cạn. Và cuối cùng, vì quá đau khổ trước hôn sự giữa Bảo Ngọc và Bảo Thoa, nàng đã khóc đến giọt lệ cuối cùng, rồi thổ huyết mà qua đời.
Chính vì vậy mà tác giả mới nói: ai có thể thấu hiểu được vở đại kịch tưởng chừng hoang đường này, thì người ấy sẽ buông bỏ được sự chấp mê vào công danh hư ảo và tình duyên thế tục, từ đó ngộ đạo mà quay về cõi tiên. Giống như nhân vật Không Không đạo nhân vậy, nhờ sao chép lại cuốn Hồng Lâu Mộng (tức Thạch Đầu Ký – Chuyện hòn đá) mà cuối cùng ngộ được chân lý.
Sự tỉnh ngộ sau cùng của Bảo Ngọc, thực chất là kết quả từ nỗi khổ tâm và sự ‘khuyên răn’ của Đại Ngọc. Cả đời nàng dùng nước mắt để thức tỉnh trái tim mê muội của chàng, giúp chàng nhớ lại nơi mình từng đến — vốn dĩ chỉ là khách qua đường nơi phú quý mộng mị nhân gian một lần, cuối cùng vẫn phải quay trở về nơi chốn ban đầu của mình.
Giấc mộng Hồng Lâu trong và ngoài màn ảnh giờ đã ‘tỉnh’
Gần 30 năm rồi, đó là thời điểm bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng” phiên bản 1987 khởi quay, một nhóm các cô gái trẻ tụ họp lại, dùng 3 năm để diễn giải một giấc mộng Hồng Lâu. 30 năm trôi qua, họ gặp lại nhau, cảnh vật và con người đều đã đổi thay, những trải nghiệm cuộc đời khiến họ rơi lệ, càng thêm xót thương cho nàng Đại Ngọc (Hiểu Húc) bạc mệnh. Hóa ra giấc mộng Hồng Lâu trong và ngoài màn ảnh giờ đã tỉnh. 30 năm trước, đó là độ tuổi xuân sắc của họ, còn giờ, trong tâm của những diễn viên đó như có một cảm nhận rằng: nhân sinh ngắn ngủi, hồng nhan dễ phai tàn. Và khoảnh khắc này, thứ có thể diễn tả hết tâm sự của họ, tôi nghĩ vẫn là bài “Táng Hoa Ngâm”.
Lời Táng Hoa Ngâm thấm đẫm lệ của Đại Ngọc, nhìn thấu cuộc đời hư vọng
Đại Ngọc chôn hoa là một đoạn rất đặc sắc trong Hồng Lâu Mộng, nhưng sự đặc sắc thực sự của nó, từ lâu đã bị chúng ta bỏ qua. Đối với những miêu tả tuyệt vời về cảnh Đại Ngọc chôn hoa, người ta thường chỉ nhìn vào ý nghĩa bề ngoài, giống như lời Đại Ngọc hát: “Nông kim táng hoa nhân tiếu si” (Nay ta chôn hoa người cười ta dại), quả thực, rất nhiều người đối với hành động chôn hoa của Đại Ngọc, chỉ cười nhạo nàng là ngốc nghếch mà thôi.
Lẽ nào chỉ là sự si tình của Đại Ngọc thôi sao? Thực ra không phải vậy. Tào Tuyết Cần dùng một bài “Táng Hoa Ngâm” để giải thích ý nghĩa sâu xa hơn của sinh mệnh.
“Bản chất vốn trong sạch, thanh cao, chẳng để bùn nhơ vùi đáy ao”

Người đời vẫn luôn cho rằng, bài thơ đó chẳng qua chỉ là tiếng rên rỉ của một Đại Ngọc đa sầu đa cảm, nào biết rằng trong từng câu chữ kia, thấm đẫm máu và nước mắt, thể hiện sự cảm nhận về ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc đời.
Đại Ngọc từ vận mệnh ngắn ngủi của hoa tàn liên tưởng đến sự ngắn ngủi của đời người, có lẽ đây đã là một số mệnh không thể tránh khỏi, nhưng dù là kết cục mà ai cũng phải đối mặt, lại có mấy người có thể nhìn thấu:
“Nay ta chôn hoa người cười ta dại, năm sau người chôn ta biết là ai? Thử xem xuân tàn hoa rụng dần, ấy là lúc hồng nhan tàn lụi”.
Trong một chốn phồn hoa đô hội, rất nhiều người sống cuộc sống hưởng lạc, không ai nghĩ rằng sự phồn hoa của Hồng Lâu chỉ là một giấc mộng vô cùng ngắn ngủi.
Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.
Xem ra, trong Hồng Lâu Mộng, vai diễn của Đại Ngọc là vai người tỉnh táo nhất, trong khi những người khác đang mê mờ trong vai diễn, mà nàng lại giống như một nhà tiên tri, sớm đã nhìn thấu bản chất của nhân sinh.
Đại Ngọc tỉnh táo biết rằng, trong thế gian ô trọc, trong biển tình hận thù, giữ gìn sự trong sạch của bản thân mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là tình yêu như chúng ta vẫn tưởng.
Chúng ta chỉ thấy được nỗi buồn của Đại Ngọc, mà không thấy được khí tiết của nàng: “Bản chất vốn trong sạch, chẳng để bùn đất vùi đáy ao”. Đời người có thể không còn, nhưng sinh mệnh không thể bị vấy bẩn. Khí tiết như vậy ngay cả những bậc nam nhi trong ‘tứ đại gia tộc’ cũng không sánh bằng.
Tác giả trong bài “Táng Hoa Ngâm” đã nhiều lần than thở, miêu tả sự thương tiếc đối với hoa tàn, đây là một tâm cảnh mà chỉ người có tấm lòng thiện lương mới có được, cũng là phần mà tác giả dùng ngòi bút tài hoa của mình để khắc họa hình ảnh của Đại Ngọc, độc giả dường như chỉ thấy được sự “hẹp hòi” của cô, mà bỏ qua bản tính thuần khiết của nàng.
Nhân sinh chẳng qua chỉ là một giấc mộng, phản bổn quy chân mới là chân lý
Khi thưởng thức kỹ bài “Táng Hoa Ngâm”, độc giả sẽ cảm nhận rõ hơn về tâm nguyện của Đại Ngọc là ‘không chịu bị vấy bẩn’ và dường như nàng thấy được ý nghĩa của nhân sinh:
“Hoa tàn hoa rụng khắp trời,
Hương tan sắc úa ai người xót thương?
Đài xuân tơ rủ la đà
Rèm thêu hoa khẽ đập rơi bên ngoài
Một năm ba trăm sáu mươi ngày
Gươm sương đao gió vẫn chờ đâu đây.
Tốt tươi xuân được mấy ngày?
Chốc đà phiêu dạt bèo mây thêm sầu
Nở rồi lại rụng đi đâu?
Trước thềm ôm nỗi người sầu chôn hoa.
Tựa hoa lệ bén nhạt nhòa
Trên cành cây trụi còn là máu vương.
Thân này nguyện vẫy vùng đôi cánh
Theo hoa bay đến tận cuối trời.
Nơi chân trời, nơi nào có đồi hương?
Sẵn túi gấm ta đành nhặt lấy
Chọn nơi cao che đậy hương tàn
Thân kia trong sạch muôn vàn.
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!”
Cuối cùng, Bảo Ngọc được đánh thức bởi nước mắt của Đại Ngọc. Đại Ngọc biết rằng người ta đến thế gian này, không phải để hưởng thụ vinh hoa phú quý, mà là để không quên sơ tâm và bản tính thiện lương của mình, trả xong nợ tình, để trở về nơi mình đã đến, chứ không phải quên đi lời thề ban đầu, một khi rơi vào chốn phong nguyệt phù hoa mà không thể dứt ra được.
Đại Ngọc dùng nước mắt của mình thực hiện lời thề, từ đó đánh thức bản tính của Bảo Ngọc, nhân sinh chẳng qua chỉ là một giấc mộng, đừng quên rằng mình chỉ đang đóng kịch mà thôi, cho nên nhất định không được nhập vai quá sâu, mà quên đi mục đích khi đến thế gian, trả nợ xong, rồi trở về quê hương thực sự của mình, tức là nơi sinh mệnh mình bắt đầu, chốn thiên giới tốt đẹp kia.
Từ khóa Hồng Lâu Mộng
