“Kẻ phản bội” trong Thế chiến II
Trong Thế chiến II, một trại tập trung của Đức đã giam giữ gần 1.000 tù binh người Anh, trong đó có Roddick. Lính Đức đối xử với tù binh như súc vật, thường xuyên hành hạ họ, bắt họ lao động khổ sai hàng ngày.
Một hôm, người Đức thông báo muốn tìm một tù binh biết lái xe. Không người lính Anh nào sẵn sàng nhận nhiệm vụ này, vì họ biết sẽ phải vận chuyển thi thể của các đồng đội đã chết ra khỏi trại. Chỉ có Roddick đứng dậy nhận việc ấy.
Trở thành lái xe của trại tập trung, Roddick ít bị giám sát hơn và được hưởng “chế độ đãi ngộ” tốt hơn các tù binh khác. Điều này có vẻ như dần khiến Roddick thay đổi tâm tính, anh trở nên thô lỗ và tàn nhẫn, thường xuyên quát tháo, đấm đá các đồng đội cũ.
Chẳng bao lâu, các tù binh trong trại đều thù ghét Roddick, coi anh là kẻ phản bội. Còn lính Đức thì ngày càng hài lòng với Roddick. Lúc đầu, mỗi khi anh lái xe tải, luôn có lính Đức đi theo giám sát, nhưng sau đó, họ cho phép anh tự do ra vào trại.
Các đồng đội cũ của Roddick đã vài lần “dằn mặt kẻ phản bội” bằng những trận đòn hội đồng. Nhưng Roddick vẫn “chứng nào tật nấy”.
Vào một ngày mưa, lính gác tìm thấy Roddick chết gục trong góc trại, toàn thân bầm dập – dấu vết của trận đòn trả thù tàn nhẫn…
60 năm sau, một tờ báo Anh đăng một bài viết với tựa đề: “Người đã cứu tôi là người tôi ghét nhất”. Tác giả viết: “Có một kẻ phản bội tên Roddick trong trại tập trung sẵn sàng làm việc cho Đức Quốc xã. Ngày đó, tôi bị bệnh nặng nhưng chưa chết, hắn vẫn ném tôi vào xe tải và nói với lính Đức rằng hắn sẽ chôn sống tôi.
Tuy nhiên, khi chiếc xe tải đi được nửa chặng đường, Roddick dừng xe, bế tôi vào rừng, đặt tôi dưới một gốc cây lớn. Để lại cho tôi vài mẩu bánh mì và một nồi nước, anh ấy bảo: ‘Nếu anh sống sót thì hãy quay lại cái cây này nhé’. Sau đó, anh ấy vội vã lái xe đi…”
Ngay sau khi câu chuyện được đăng, tờ báo lần lượt nhận được 12 cuộc gọi. Tất cả đều là cựu chiến binh Thế chiến II, những người từng bị bắt làm tù binh và đều từng bị nhốt cùng trại tập trung nơi Roddick phục vụ.
Những câu chuyện mà 12 cựu binh kể lại gần giống với câu chuyện được đăng trên báo. Tất cả đều trốn thoát và được Roddick đặt dưới một gốc cây lớn, rồi dặn rằng hãy quay lại đó khi có cơ hội.
Biên tập viên của tờ báo đoán rằng cái cây này hẳn chứa đựng một bí mật nào đó, nên đã lập tức tổ chức cho 13 cựu binh đi tìm.
Khi họ đến nơi, cây đại thụ vẫn còn. Một cựu chiến binh lao tới ôm cây mà khóc. Bất ngờ, ông tìm thấy một chiếc hộp sắt gỉ trong cái lỗ trên thân cây. Trong hộp có một cuốn nhật ký rách nát, cùng nhiều bức ảnh đã ố vàng.
Họ cẩn thận mở cuốn nhật ký và đọc: “Hôm nay tôi đã giải cứu một đồng đội khác. Anh ấy là người thứ 28. Tôi hy vọng anh ấy có thể sống sót. Hôm nay, 20 binh sĩ khác đã chết. Đêm qua, đồng đội lại đánh tôi. Nhưng tôi sẽ nhẫn chịu và không bao giờ nói ra sự thật. Bằng cách này, tôi có thể giải cứu nhiều người hơn nữa. Các bạn thân mến, tôi chỉ có một hy vọng. Nếu các bạn sống sót, hãy quay lại cái cây này”.
Đôi mắt của những người cựu chiến binh đẫm lệ. Không ai có thêm chút manh mối nào về Roddick. Họ chỉ biết rằng Roddick đã cứu sống 36 tù binh Anh.
Theo Web Sống Đẹp
Xem thêm:
Từ khóa cứu người trại tập trung Câu chuyện suy ngẫm Phản bội Thế chiến II Đức quốc xã