Làm sao để thoát khỏi sự ‘thao túng tâm lý’ (Phần 1)?
- Chu Mộ Tư
- •
Trong những mối quan hệ đầy cảm xúc, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra mình đang bị thao túng. Đôi khi, sự đồng ý không xuất phát từ mong muốn thật sự mà từ áp lực và nỗi lo lắng dồn nén trong lòng. Thiết lập ranh giới cảm xúc không chỉ là hành động bảo vệ bản thân mà còn là bước đầu tiên để bạn học cách lắng nghe chính mình. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện chu kỳ thao túng cảm xúc và hướng dẫn những bước thiết thực để bắt đầu hành trình khôi phục sự tự chủ trong các mối quan hệ.
Sau khi đã chuẩn bị tâm lý, chúng ta sẽ bắt đầu luyện tập. Khi bạn tương tác với người thao túng cảm xúc (là một hình thức thao túng tâm lý, trong đó một người dùng cảm xúc — thường là cảm giác tội lỗi, sợ hãi, nghĩa vụ hay tình thương — để ép buộc người khác làm theo ý mình) và muốn rèn luyện việc thiết lập ranh giới cảm xúc cho riêng mình, hãy nhớ khẩu quyết quan trọng sau: Dừng, Quan sát, Ứng phó.
Dừng: Dừng cuộc trò chuyện, chuyển hướng cảm xúc, rời khỏi tình huống
Khi tương tác với người thao túng cảm xúc, mỗi khi họ đưa ra yêu cầu, thường sẽ kèm theo giọng điệu, cảm xúc và những cách biểu đạt đặc trưng khiến bạn cảm thấy áp lực rất lớn. Áp lực này tạo ra sự lo âu mạnh mẽ, khiến bạn phản xạ một cách vô thức để đáp ứng yêu cầu của họ.
Có lẽ bạn đã từng trải qua tình huống sau: Khi đối phương liên tục gây áp lực bằng lời nói, họ nhấn mạnh rằng vấn đề này vô cùng quan trọng đối với họ, đồng thời tạo ra một bầu không khí khẩn cấp như thể “bạn phải đồng ý ngay lập tức”. Mọi thứ được thổi phồng lên thành một vấn đề sống còn cần được xử lý và phản hồi tức thì. Vì thế, dù trong lòng bạn không muốn đồng ý, bạn vẫn có thể buột miệng chấp nhận chỉ vì cảm giác căng thẳng và lo lắng dâng lên khi phải đối mặt với áp lực đó.
Chính những cảm xúc này khiến bạn chủ quan tin rằng “mình cần phải giải quyết chuyện này ngay” hoặc “mình phải an ủi người này lập tức”. Điều đó khiến bạn mất đi sự bình tĩnh để đánh giá tình huống một cách khách quan, và dễ lầm tưởng rằng vấn đề thật sự nghiêm trọng. Trong khi trên thực tế, nó có thể chẳng hề cấp bách hay nghiêm trọng như bạn nghĩ.
Bạn có nhận ra không? Mô thức tương tác này khiến bạn không thể nói “không”. Nó hoạt động theo cách sau:
Áp lực từ người thao túng cảm xúc → Lo âu bên trong → Sự lo âu khiến bạn phớt lờ cảm xúc của chính mình → Bạn đồng ý với yêu cầu của đối phương.
Việc xử lý lo âu bên trong không phải là chuyện có thể giải quyết ngay lập tức, nhưng chúng ta vẫn cần phải tương tác với người thao túng cảm xúc. Vì vậy, khi đối mặt với họ, bạn cần tự xây dựng cho mình một nền tảng tâm lý quan trọng: Mình có thể chưa cần từ chối, cũng chưa cần đồng ý, mình có thể không làm gì cả.
Trong cuốn “Emotional Blackmail” (Tạm dịch: Sự thao túng cảm xúc) của Susan, bà đặc biệt nhấn mạnh: “Bạn không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người thao túng cảm xúc.”
Đây là một nhận thức và sự chuẩn bị tâm lý vô cùng quan trọng.
Bạn không cần phải phản hồi ngay lập tức, thậm chí càng không cần đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào từ người thao túng cảm xúc — đặc biệt là khi bạn cảm thấy dù chỉ một chút không thoải mái hoặc không sẵn lòng. Hãy trân trọng cảm giác đó của bạn.
Hãy nhớ lời nhắc nhở của tôi: Nếu bạn muốn đồng ý với điều gì đó, không phải vì bạn muốn, mà là vì bạn sợ hãi hoặc lo lắng, vậy thì hãy tạm dừng lại. Hãy cho mình một chút thời gian để suy nghĩ trước.
Bởi vì điều đó có nghĩa là bạn đồng ý với việc này không phải vì ý muốn thật sự của bản thân, mà là do áp lực từ đối phương khiến bạn lo âu, thậm chí cảm thấy sợ hãi. Nhưng khi đối mặt với áp lực này, cảm giác lo âu trong ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Vậy làm sao để thoát khỏi nó? Nhất là khi ta vẫn chưa thể xoa dịu sự lo âu một cách hiệu quả?
Hãy “rời khỏi hiện trường”!
Hãy chủ động tránh xa mọi tình huống khiến bạn cảm thấy căng thẳng dù đó là một cuộc trò chuyện trực tiếp hay qua điện thoại.
Ví dụ, nếu đang nói chuyện qua điện thoại, bạn có thể bình tĩnh nói: “Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi cần thời gian để suy nghĩ. Tôi không thể đưa ra câu trả lời ngay bây giờ”.
Nếu đối phương tiếp tục gây áp lực, hãy lặp lại câu này nhiều lần. Sau đó, bạn có thể kết thúc cuộc gọi bằng cách nói bạn có việc bận và cần cúp máy.
Còn nếu tình huống xảy ra trực tiếp, khi bạn cảm thấy đang bị đối xử không công bằng hoặc bị ép buộc làm điều gì đó bạn không sẵn sàng đồng ý, hãy chú ý đến cảm xúc của mình và nói: “Tôi cần thời gian để suy nghĩ về chuyện này”. Sau đó, hãy tìm lý do hợp lý để rời khỏi như đi vệ sinh hoặc có việc cần giải quyết gấp.
Bạn cũng có thể viết ra sẵn một số câu giúp trì hoãn phản ứng và luyện tập chúng thường xuyên. Việc này sẽ giúp bạn ghi nhớ chúng một cách tự nhiên, để khi gặp tình huống tương tự bạn có thể phản ứng mà không phải lúng túng và dần thay đổi thói quen đồng ý một cách vội vàng.
Khi mới bắt đầu thực hành những kỹ năng này, điều quan trọng nhất là: Sau khi nói lời trì hoãn hãy rời khỏi tình huống đó càng sớm càng tốt.
Bởi vì trong giai đoạn đầu thay đổi hành vi, việc tách mình khỏi nguồn gây căng thẳng và dành thời gian suy nghĩ lại những gì vừa xảy ra là bước vô cùng cần thiết.
Ngay cả khi bạn đã sử dụng chiến thuật trì hoãn, kẻ thao túng cảm xúc vẫn có thể “ra đòn” mạnh hơn để gây áp lực buộc bạn phải khuất phục, đặc biệt nếu lần này bạn phản ứng khác với thói quen trước đây.
Đây là một phản ứng rất điển hình. Bởi vì với kẻ thao túng cảm xúc, bất kỳ sự thay đổi nào trong cách bạn phản ứng đều là mối đe dọa nghiêm trọng. Nó khiến họ cảm thấy bất an, lo sợ mất quyền kiểm soát, và họ sẽ cố dùng mọi lý lẽ mạnh mẽ hơn, khẩn thiết hơn để kéo bạn trở lại trạng thái cũ: Người luôn đồng ý với họ.
Đối với những người đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi, sự tấn công này có thể gây ra lo lắng lớn và khiến bạn cảm thấy chưa đủ vững vàng để chống đỡ.
Trong tình huống đó, bạn có thể bị cuốn vào cuộc trò chuyện một cách ngoan ngoãn, trả lời từng câu hỏi, hoặc cố gắng giải thích cho đối phương hiểu. Nhưng càng trả lời bạn càng dễ bị dẫn dắt vào “bẫy ngôn ngữ” của họ và cuối cùng bạn có thể miễn cưỡng đồng ý. Điều này thường sẽ khiến bạn cảm thấy hối tiếc sau đó.
Đừng để điều đó xảy ra
Hãy luôn ghi nhớ: bạn không cần phải đưa ra quyết định ngay lập tức, và bạn không cần lý do để giữ vững lập trường của mình. Bạn không cần phải thuyết phục người kia chấp nhận rằng bạn “chưa thể quyết định”.
Việc bạn nói “Tôi chưa thể quyết định bây giờ” chính là quan điểm của bạn, là ranh giới bạn đã thiết lập. Bạn không cần sự cho phép của bất kỳ ai để giữ vững giới hạn của mình. Một khi bạn đã lựa chọn thì điều đó đã đủ. Bạn hoàn toàn có quyền làm chủ bản thân, đưa ra quyết định mà không phải xin phép hay biện minh với bất kỳ ai.
Vì vậy, hãy luôn nhớ lập trường của mình và luyện tập cách bảo vệ nó. Nếu bạn cảm thấy mình chưa đủ mạnh mẽ để chịu được áp lực, thì cách tốt nhất là rời khỏi hiện trường, cúp máy và không để đối phương có thêm cơ hội thuyết phục bạn. (Còn tiếp)
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Từ khóa thao túng tâm lý ranh giới cảm xúc
