Các nhà khoa học chỉ có một hạt giống duy nhất và đã giúp nó nảy mầm thành công. Họ nghi ngờ đây chính là loài cây đã tuyệt chủng được nhắc đến trong Kinh thánh.

Du an moi 71
Loài cây đã tuyệt chủng nảy mầm từ hạt giống 1000 năm. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trong một cuộc khai quật khảo cổ học tại một vùng sa mạc phía bắc Jerusalem cách đây 40 năm, người ta đã phát hiện ra một loại hạt giống tồn tại từ hàng ngàn năm trước. 

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do O23 Productions (@o23productions) chia sẻ

Hiện nay, dù đã rụng khỏi cây mẹ 1.000 năm, hạt giống này vẫn có khả năng phát triển thành một cây trưởng thành khỏe mạnh. Các nhà thực vật học cho rằng đây là hạt giống của một loài cây dùng cho mục đích y học đã bị tuyệt chủng. Theo một số giả thiết, nó cũng chính là loại cây cổ được nhắc đến trong Kinh thánh.

Cả các nhà thực vật học Israel lẫn Tiến sĩ Sarah Sallon (một bác sĩ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu y học tự nhiên Louis L. Borick tại Trung tâm y tế Đại học Hadassah ở Jerusalem) đều không thể xác định được hạt giống này thuộc loài nào nếu chỉ dựa vào lớp vỏ hạt. Vì vậy, họ đã đem trồng nó.

Tiến sĩ Sallon phải sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để trồng hạt giống cổ này. Cô ngâm hạt trong hormone, phân bón dạng lỏng và nước, sau đó trồng nó trong một chậu hạt giống vô trùng rồi chờ đợi. Kỹ thuật này đã từng được áp dụng thành công giúp hạt quả chà là 2.000 năm tuổi nảy mầm.

Mặc dù mã di truyền của hạt đã tiếp xúc với nhiều tác nhân gây căng thẳng môi trường trong hơn 1.000 năm nhưng nó vẫn nảy mầm sau 5 tuần. Chồi của cây được bảo vệ bởi một chiếc nắp. Khi chồi phát triển, nắp bong ra, để lộ ra một phần cây mà nhóm nghiên cứu phải xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ. Phát hiện này đã thu hẹp độ tuổi của hạt giống gần 10 thế kỷ xuống còn từ năm 993 đến năm 1202.

Tua nhanh 14 năm và bây giờ hạt giống nhỏ bé đã trở thành một cây cao 10 feet (3 mét). Tiến sĩ Sallon đã chia sẻ hình ảnh của cây với các nhà thực vật học trên khắp thế giới. Một chuyên gia cho rằng cây thuộc chi Commiphora, được tìm thấy trên khắp Bán đảo Ả Rập và một số vùng của Châu Phi. Một phân tích di truyền sau đó cho rằng điều này là có thể nhưng vẫn chưa phải là kết luận trùng khớp hoàn hảo.

Tiến sĩ Sallon và nhóm của cô cho rằng đây là một loài đã tuyệt chủng có tên gọi là Judean Balsam. Để chứng minh điều này, họ cần phải tìm thấy nhựa thơm từ cây giống như nhựa cây myrrh vì hai loài cây này có họ hàng với nhau. Tuy nhiên, họ không tìm thấy chút nhựa thơm nào như vậy cả. 

Thay vào đó, phân tích hóa học của lá đã tìm thấy nhóm hóa chất thực vật guggulterols. Hóa chất này đã được quan sát thấy trong Commiphora wightii – loài thực vật mang một số đặc tính chống ung thư trong nhựa.

“Tsori” là một loại dầu thơm không rõ nguồn gốc được nhắc đến trong nhiều văn bản lịch sử, bao gồm cả Kinh thánh. Tiến sĩ Sallon và nhóm của cô tin rằng họ đã tìm thấy loại tsori này thay vì dầu thơm Judean Balsam.

Họ phải đợi cho đến khi cây ra hoa hoặc kết trái để biết chắc chắn liệu đó có phải là loài đã tuyệt chủng hay không. Và nếu nó thực sự là loài cây vốn đã tuyệt chủng thì họ cần phải làm gì tiếp theo để giữ nó sống sót?

Tiến sĩ Louise Colville, trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao về hạt giống và sinh học ứng suất tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew, London, cho rằng nhóm của Tiến sĩ Sallon đã đạt được một thành tựu lớn khi trồng thành công một hạt giống lâu đời như vậy. Câu chuyện sẽ càng tuyệt vời hơn nếu kết quả cuối cùng là họ có thể hồi sinh loài thực vật được đề cập trong Kinh thánh.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất trong câu chuyện này là họ chỉ có một hạt giống duy nhất. Thật may mắn khi nó thực sự có thể nảy mầm”, cô nói.