Giữa đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động đều phải diễn ra trên mạng Internet, và giáo dục cũng không ngoại lệ. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp phong tỏa, do đó các trường phổ thông, trung học và đại học không thể phát huy được hết nội lực giáo dục của mình.

online learning unsplash(Ảnh: Unsplash)

Đầu tiên là việc xoay sở một cách khó khăn khi phải chuyển đổi từ phương thức dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến trong khoảng thời gian chỉ vài tuần. Đây là những thách thức chưa từng có tiền lệ. Ngay cả các giáo sư cũng phải chật vật chuẩn bị bài giảng trên phần mềm trực tuyến sao cho thân thiện với sinh viên, giúp họ giữ được tập trung vì phải ngồi hàng giờ trước màn hình cho đến khi bài giảng kết thúc.

Tuy nhiên bên cạnh các mô hình dạy học mới thì cũng phát sinh những ‘sáng tạo’ cản trở việc truyền đạt kiến thức qua mạng Internet một cách hiệu quả. Một trong số đó là hiện tượng các em học sinh tại Vũ Hán, Trung Quốc cùng nhau hạ điểm xếp hạng phần mềm quản lý bài tập về nhà nhằm loại bỏ nó khỏi các kho ứng dụng trực tuyến. Mặc dù phần mềm kia vẫn tồn tại nhưng hành động trên cũng cho thấy năng lực phối hợp và ‘sáng tạo’ của các em học sinh trong thời điểm rối ren và dễ sinh ra tâm lý phản kháng này.

Việc các lớp học trực tuyến gia tăng nhanh chóng đi kèm với các phương thức giáo dục mới cũng tạo ra những ảnh hưởng xấu đến hoạt động dạy và học. Các dịch vụ hội thoại trực tuyến đã phải bổ sung và sửa đổi nhiều tính năng khác nhau nhằm đối phó với những hành vi không phù hợp của sinh viên, ví dụ như sinh viên tự đổi tên của mình và gây mất tập trung trong lớp học. Các em học sinh cũng truyền nhau ‘mẹo’ sử dụng hình nền ảo sáng tạo để giả vờ có mặt trong lớp – nhưng thực tế là người học chỉ bật những video được quay sẵn từ trước. Các ‘mẹo’ vặt nhằm tìm ra những cách mới để chống lại việc học cả trên lớp và trên mạng Internet như vậy thường được coi là sự phản kháng ‘thông minh’. Tuy nhiên việc các em học sinh ngụy tạo sự có mặt trong lúc giáo viên điểm danh là một hành vi lừa dối và không nên được cổ vũ.

Ngay từ đầu khi phát sinh hình thức giảng dạy trực tuyến, an ninh và quyền riêng tư cũng trở thành những lĩnh vực gây tranh cãi. Lần đầu tiên, cả học sinh và giáo viên đều có thể tiếp cận không gian cá nhân của người khác (trên mạng máy tính) liên tục như vậy. Tùy chọn tắt micro hoặc video được học sinh sử dụng thường xuyên, đây không phải là một hành vi mới lạ nhưng chắc chắn là một hành vi phản tác dụng. Hãy hỏi bất kỳ một giáo viên nào xem họ cảm thấy gì khi phải giảng bài trước một chiếc màn hình máy tính và không nhận lại được bất kỳ một phản hồi nào!

Hình thức học từ xa cũng mở lối cho một hành vi phản giáo dục khác: đó là gian lận. Việc nới lỏng các ràng buộc, cả về thể chất và tâm lý, tạo điều kiện cho học sinh tự do hơn khi áp dụng những hình thức gian lận trong học tập. Thông thường, sự gò bó sẽ thúc đẩy sáng tạo và theo một cách nào đó, sinh viên trong các lớp học ảo lại có khả năng ‘sáng tạo’ những phương thức gian lận theo cách mà họ muốn, có thể là trả tiền cho ai đó làm bài tập, làm bài chung với người khác hoặc thậm chí là đạo văn.

Sự phản kháng này bắt nguồn từ việc các trường học thuê những tổ chức bên thứ ba để giám sát quy trình làm bài kiểm tra của học sinh. Xuất phát từ tâm lý ưa giám sát người khác một cách cao độ và sự thiếu tin tưởng, học sinh (ở gần như tất cả mọi cấp học) được yêu cầu phải làm các bài kiểm tra trong môi trường ảo nhưng vẫn căng thẳng như kỳ thi thật, ngay cả khi đang ở nhà. Đôi lúc các bài thi trực tuyến đòi hỏi học sinh phải bật camera máy tính để kết nối với một giám khảo hoàn toàn xa lạ, người được giao nhiệm vụ theo dõi hành vi của các em trong kỳ thi. Sự ‘sáng tạo’ này thường được xem là một giải pháp ‘coi thi’ hiện đại và thuận tiện. Tuy nhiên khi các giám thị từ xa là những kẻ săn mồi tình dục thì đây chính là công thức cho một thảm họa mới.

Các nữ sinh tại trường đào tạo quản lý ở Ấn Độ đã trở thành nạn nhân của những bình luận khiếm nhã từ các giám thị bên thứ ba trong kỳ thi trực tuyến của họ. Suy thoái đạo đức nghiêm trọng đến mức một số ‘kẻ săn mồi’ đã lợi dụng việc có được thông tin cá nhân của học sinh để tìm cách liên lạc với họ sau giờ thi. Rõ ràng là những sáng kiến này để lại ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người học. Có phải chúng ta đã quá vội vàng trong việc áp dụng các công cụ trực tuyến? Có thể chúng được tạo ra với mục đích mang lại sự thuận tiện và để thích nghi với thời điểm dịch bệnh, nhưng việc lạm dụng hình thức giáo dục trực tuyến không chỉ thực sự làm giảm chất lượng giảng dạy mà còn đe dọa đến tâm lý và hạnh phúc của cả người học lẫn người dạy.

Tìm ra giải pháp cho các lớp học trực tuyến mà gần đây đã được đưa vào hoạt động chính thức trong trường học là một nhiệm vụ khó khăn cho tất cả các bên liên quan. Khi chúng ta thúc đẩy sự phát triển của hình thức giáo dục này như một cách đối phó linh hoạt với đại dịch, thì điều quan trọng là phải lường được việc phát sinh những ‘sáng tạo’ không lành mạnh, cần suy nghĩ xem chúng có thể phát triển theo chiều hướng đáng ngạc nhiên như thế nào. Không thể phủ nhận lợi ích của giáo dục trực tuyến nhưng các nhà làm chính sách cần phải lưu tâm hơn nữa đến hệ quả của những quy định dạy học mập mờ và thiếu thận trọng.

An Nhiên (Theo Psychology Today)

Xem thêm: