Công ty Nhật Bản cho phép nhân viên trẻ tự chọn sếp
- Minh Minh
- •
Để khắc phục tình trạng nhân viên trẻ liên tục nghỉ việc, chủ tịch công ty đã cho phép nhân viên tự chọn sếp. Cách làm này đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Nghe có vẻ thật kỳ lạ nhưng một công ty thiết kế kết cấu ở Hokkaido (Nhật Bản) đã cho phép nhân viên chủ động chọn sếp để xử lý tình trạng nghỉ việc quá nhiều. Các lãnh đạo công ty tin rằng cách làm này sẽ giúp cả cấp trên và cấp dưới có thể phát huy hết thế mạnh của mình.
Công ty kiến trúc Sakura Kozo chuyên thiết kế các kết cấu chống động đất có khoảng 120 nhân viên. Cách đây 5 năm, tỷ lệ thôi việc của nhân viên trong công ty lên tới 11%. Tình trạng luân chuyển công việc đáng báo động ở các nhân sự trẻ khiến ban lãnh đạo công ty không thể nhắm mắt làm ngơ. Năm 2019, họ quyết định cho ra mắt “hệ thống lựa chọn giám sát viên” cho phép nhân viên trẻ tự lựa chọn sếp cho mình. Nhờ sáng kiến này mà tỷ lệ thôi việc ở công ty đã giảm xuống còn 0,9%.
Những nhân viên đã làm việc tại công ty ít nhất một năm có thể chọn một trong bảy người quản lý để làm việc cùng. Sự thay đổi này sẽ diễn ra hàng năm.
Đầu tiên, các quản lý (giám sát viên) sẽ phải tự đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của họ rồi trình bày trong một báo cáo chi tiết gồm 14 tiêu chí, ví dụ như “quan tâm đến những lo lắng của cấp dưới” hay “giúp mọi người nâng cao kỹ năng”. Sau đó, các nhân viên sẽ trình bày quan điểm của họ rồi chủ tịch đưa ra quyết định cuối cùng.
Các bản đánh giá này khá thẳng thắn nên có thể sẽ gây mất lòng nhiều người. Tuy nhiên, các nhân viên tin rằng sự thẳng thắn này là điều cần thiết nếu công ty muốn theo đuổi lợi ích lớn hơn.
Một nhân viên 23 tuổi, đang làm việc năm thứ 2 nhận xét: “Tôi nghĩ chỉ trích người khác là một việc khá khắc nghiệt. Nhưng công ty đang làm điều này vì lợi ích của nhân viên. Có thứ gì đó có thể định lượng sẽ giúp mọi người lựa chọn dễ dàng hơn”.
Một giám sát viên 45 tuổi thừa nhận: “Đây là một việc rất khó khăn. Chúng tôi cần cố gắng hết sức để được nhân viên chọn lựa”.
Trên thực tế, công ty Sakura Kozo đã phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ luân chuyển nhân viên cao từ rất lâu nhưng không ai làm gì để thay đổi cả. Chỉ đến khi sự việc một nhân viên tiềm năng nghỉ việc vì không thể hòa hợp với quản lý xảy ra thì chủ tịch công ty mới quyết tâm đưa ra giải pháp.
Chủ tịch Tanaka Shinichi nói: “Cậu nhân viên ấy rất tiềm năng. Tôi cảm thấy vô cùng đau khổ khi không thể giữ cậu ấy. Quả là một mất mát lớn cho công ty. Ngành này có ít người xin việc nhưng tỷ lệ nghỉ lại cao. Vì vậy, chúng tôi quyết định đã đến lúc phải hành động”.
Thiết kế địa chấn là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác cao nên không có gì bất ngờ khi những người làm việc trong ngành này phải chịu áp lực rất lớn. Ông Tanaka hiểu các giám sát viên trong công ty buộc phải quản lý nhân viên một cách nghiêm khắc để đảm bảo không xảy ra sai sót nhưng ông vẫn muốn họ có một sự thay đổi sâu rộng trong tư duy.
Năm năm trôi qua, ý tưởng “nhân viên chọn sếp” đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho công ty. Các nhân viên mới không chỉ ở lại mà còn làm việc tốt hơn.
Kadota Tabito, 32 tuổi, đã làm việc tại công ty được 7 năm. Sếp hiện tại của anh là Yamamoto Kensuke, 45 tuổi, người được đánh giá cao về khả năng thấu hiểu và nhiệt tình giúp đỡ nhân viên.
“Tay tôi gần như ngừng hoạt động mỗi khi tôi lo lắng”, Kadota nói.
Yamamoto có lợi thế về mặt tình cảm nhưng cách làm việc của anh vẫn còn nhiều thiếu sót. Tuy vậy, Kadota không cảm thấy phiền với điều này. Anh thường chủ động quản lý lịch trình của nhóm và cùng quản lý theo dõi các nhiệm vụ khác.
“Tôi sẽ nghĩ cách để bù đắp cho những điểm yếu của anh ấy. Tôi theo đuổi trách nhiệm và tôi cảm thấy điều đó giúp ích cho sự phát triển cá nhân của tôi”, Kadota nói.
Yamamoto từng cảm thấy vô cùng áp lực vì những điểm yếu của mình. Anh đã cố gắng thay đổi để trở thành một vị sếp hoàn hảo nhưng không thể. Thật may mắn là sau này quan điểm của anh đã dần cởi mở hơn. Anh hiểu rằng các nhân viên đã cân nhắc rất kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu của anh trước khi lựa chọn. Vậy nên, anh không cần trở thành một người sếp toàn năng mà có thể giao những nhiệm vụ phù hợp cho các nhân viên khác. Điều này tốt cho cả anh và sự phát triển của họ.
Thiếu lao động trẻ tài năng là một thách thức mà toàn Nhật Bản đang phải đối mặt. Không chỉ Sakura Kozo mà rất nhiều công ty khác cũng đang phải “vắt óc” nghĩ ra các giải pháp sáng tạo để xử lý tình trạng này. Ví dụ như công ty Nyle (có trụ sở tại Tokyo) cho phép ứng viên chọn một trong số 20 nhân viên của công ty để thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên. Ứng viên sẽ được đọc trước về hồ sơ của người phỏng vấn. Trong đó sẽ có một số thông tin như “khoảnh khắc bổ ích nhất tại nơi làm việc” và sở thích.
Aoshima Ryoto, 22 tuổi, sinh viên năm cuối nhận xét: “Được chọn người phỏng vấn khiến tôi cảm thấy an tâm thể hiện bản thân hơn. Tôi cũng thích được tìm hiểu về công ty một cách tự nhiên như thế này. Sang năm tôi sẽ đến làm việc ở Nyle”.
Nếu những sáng kiến như trên được tận dụng tốt thì chúng có thể tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho cả công ty và nhân viên.
Furuya Shoto, nhà nghiên cứu cấp cao tại Recruit Works Institute, cho biết: “Cho phép người lao động trẻ lựa chọn sếp hoặc người phỏng vấn sẽ khuyến khích họ có suy nghĩ và hành động độc lập hơn. Họ sẽ tự xác định phong cách làm việc và lộ trình phát triển sự nghiệp họ muốn trong tương lai. Sau tất cả, chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực giỏi”.
Từ khóa nhân viên công ty Nhật Bản sếp