Ngày của mẹ: Nguồn gốc và phong tục ở các quốc gia
- Thủy Mộc
- •
Ngày của mẹ năm nay đúng vào Chủ nhật 8/5, đây là dịp để cả gia đình quây quần cùng nhau và gửi lời tri ân đến mẹ. Do đó, dù bạn không có những món quà như hoa cẩm chướng hay thiệp mừng thì cũng đừng quên gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng đến mẹ của mình nhé!
Nguồn gốc Ngày của mẹ
Nói đến nguồn gốc của ngày lễ đặc biệt này không thể không nhắc đến nhà hoạt động xã hội người Mỹ Ann Reeves Jarvis (30/9/1832 – 9/5/1905). Bà sinh được 11 người con, nhưng thật không may, vào thời điểm đó, do vấn đề vệ sinh môi trường kém nên chỉ có 4 người sống sót đến tuổi trưởng thành, còn những đứa trẻ khác đều chết vì bệnh sởi, thương hàn, bạch hầu… May mắn thay, người mẹ này đã không để nỗi đau mất con làm gục ngã. Thay vào đó, bà biến nỗi đau thành sức mạnh và tổ hợp nhiều phụ nữ chăm sóc thương binh trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Bà Ann khởi xướng phong trào mang tên Ngày Các Hiền Mẫu Làm Việc (Mothers’ Work Days) vào năm 1858 để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, hy vọng giảm thiểu bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Con gái của bà Ann, cô Anna Maria Jarvis (1/5/1864 – 24/1/1948) là người đã thành công trong việc thiết lập Ngày của mẹ (Mother’s Day) hay Ngày hiền mẫu.
3 năm sau khi mẹ qua đời, cô Anna cuối cùng đã phát động một sự kiện để tưởng nhớ mẹ cô vào ngày 10/5/1908 và tiếp tục thúc đẩy việc thành lập Ngày của mẹ. Trời cao đã không phụ lòng người, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của những nỗ lực không ngừng của cô Anna, Quốc hội Hoa Kỳ đã chính thức chỉ định ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng Năm là Ngày của mẹ theo luật định vào năm 1914.
Lý do chọn ngày này là vì Chủ nhật là ngày nghỉ, mọi người có nhiều thời gian hơn để quây quần bên nhau, hơn nữa, ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 rất gần ngày giỗ của mẹ cô, bà Ann Reeves Jarvis – 9/5.
Bởi vì ý tưởng này của Hoa Kỳ rất có thiện chí, nó nhanh chóng lan rộng và vượt qua ranh giới dân tộc và quốc gia. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của văn hóa từng nơi, các quốc gia không nhất định dùng ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm để ấn định là Ngày của mẹ.
Phong tục Ngày của mẹ ở các quốc gia
Có ít nhất 96 quốc gia đã ấn định Ngày của mẹ vào tuần thứ 2 của tháng Năm, bao gồm: Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Úc, Canada, Brazil, Đức, Malaysia, v.v.
Đài Loan: Ở quốc gia này, loài hoa được lựa chọn nhiều nhất vào Ngày của mẹ là hoa cẩm chướng. Đây chính là loài hoa yêu thích của bà Ann, đó là lý do tại sao hoa cẩm chướng trở thành biểu tượng của Ngày của mẹ.
Trung Quốc: Trong truyền thống Trung Quốc, hoa Hiên (còn gọi là hoa Kim châm), được xem là hoa của mẹ. Điều này bắt nguồn từ việc những người con tha hương thường trồng hoa Hiên gần nơi ở của mẹ để tỏ lòng hiếu thảo trước khi đi xa. Họ hy vọng rằng mẹ có được chỗ dựa tinh thần khi chăm sóc và ngắm hoa. Đồng thời, hoa Hiên phát triển mạnh cũng tượng trưng cho sự an toàn và sức khỏe của những đứa con xa quê, giúp mẹ có thể có thể giải tỏa những lo lắng về con mình. Vì lý do này, người Trung Quốc cũng có phong tục gửi hoa tặng mẹ của họ vào ngày lễ.
Nhật Bản: Ngày của mẹ ở quốc gia này ban đầu được quy ước lấy là sinh nhật của nữ hoàng Kojun, mẹ của vua Akihito, và được kỷ niệm bắt đầu từ năm 1931. Kể từ năm 1949, chính phủ Nhật Bản đặt định Ngày của mẹ vào Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm. Vào Ngày của mẹ, trẻ em sẽ vẽ những bức tranh về mẹ ở trường, giúp mẹ làm việc nhà và nấu ăn. Những đứa trẻ cũng sẽ tặng mẹ những bông hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình mẫu tử.
Khá nhiều quốc gia khác cũng có Ngày của mẹ nhưng không phải là ngày Chủ nhật tuần thứ 2 của tháng Năm, cụ thể như:
Ethiopia: Người dân ở đây rất coi trọng Ngày của mẹ và dành trọn 3 ngày, bắt đầu từ Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm để kỷ niệm. Vào ngày lễ hội, một “bữa tiệc Antrosht” được tổ chức, con gái dâng gia vị và các sản phẩm từ sữa, trong khi con trai dâng thịt như cừu hoặc bò. Sau đó, mọi người hát và nhảy múa để chào mừng lễ hội trong thời gian này.
Hà Lan: Ngày của mẹ ở Hà Lan là vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Năm. Phong tục đặc biệt nhất trong ngày này là các bà mẹ, người luôn phải dậy sớm để nấu ăn cho gia đình, sẽ được nghỉ ngơi thêm vào hôm đó. Điều này có nghĩa là, những đứa trẻ sẽ dậy sớm chuẩn bị bữa sáng thịnh soạn cho mẹ vào Ngày của mẹ, để mẹ có thể thưởng thức ngay trên giường bữa sáng do bọn trẻ chuẩn bị.
Mexico: Ngày của mẹ của quốc gia này được ấn định vào ngày 10/5. Khác với phong tục ăn sáng ở Hà Lan, vào ngày này, người Mexico sẽ cùng mẹ thưởng thức bữa trưa. Vì vậy Ngày của mẹ có thể nói là ngày bận rộn nhất trong năm của các nhà hàng Mexico.
Pháp: Ngày của mẹ ở Pháp được ấn định vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Năm. Khi lễ hội đến, trẻ em Pháp làm dây chuyền mì với nhiều hình dạng khác nhau từ mì ống, sau đó tặng và đeo cho mẹ của mình. Trong ngày này, hoa là dường như không thể thiếu. Người Pháp thường mời mẹ đến nhà hàng ăn tối và cùng mẹ xem TV để mẹ có được một Ngày của mẹ thảnh thơi ở nhà.
Nga: Năm 1998, chính phủ Nga chính thức chỉ định ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 11 là Ngày của mẹ. Ngày lễ này được tổ chức trên khắp nước Nga, đặc biệt tôn vinh những bà mẹ có nhiều con. Chính phủ Nga khuyến khích phụ nữ sinh con và những bà mẹ có nhiều con có thể nhận được trợ cấp của nhà nước, chủ yếu được sử dụng để tăng lương hưu hoặc cải thiện điều kiện nhà ở.
Ai Cập: Nước này kỷ niệm Ngày của mẹ vào ngày 21/3 hàng năm. Trong xã hội Ai Cập, người mẹ đóng một vai trò quan trọng, vì vậy, vào ngày lễ này, thanh thiếu niên Ai Cập sẽ tặng hoa và quà cũng như tổ chức các buổi âm nhạc dành cho mẹ của mình. Các tầng lớp xã hội cũng không quên chọn ra người mẹ lý tưởng nhất ở Ai Cập và trao danh hiệu “người mẹ tốt nhất”, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chăm sóc của xã hội đối với những người mẹ.
Thái Lan: Quốc gia này chỉ định ngày 12/8 là Ngày của mẹ. Người Thái Lan cũng có bài hát dành riêng cho mẹ, thông qua đó ca ngợi sự vĩ đại của những người mẹ. Để kỷ niệm ngày lễ này, các trường học ở Thái Lan thường tổ chức các buổi biểu diễn múa hát hoặc ca kịch có chủ đề về tình mẫu tử.
Hàn Quốc: Cũng có những quốc gia đặc biệt không thực sự có Ngày của mẹ, chẳng hạn như Hàn Quốc. Lý do là Hàn Quốc đã hợp nhất Ngày của Cha và Ngày của mẹ từ năm 1973, do đó, ngày 8/5 hàng năm được chỉ định là “Ngày của Cha mẹ” hay còn gọi là “Ngày của Song thân”. Nguyên là trước năm 1972, Hàn Quốc cũng kỷ niệm “Ngày của mẹ”, nhưng vì mọi người dần nhận ra rằng “Ngày của Cha” cũng rất quan trọng nên chính phủ đã chính thức đổi tên “Ngày của mẹ” thành “Ngày của Cha mẹ” theo luật định vào năm 1973. Vì Hàn Quốc rất coi trọng đạo đức và phép xã giao nên vào ngày lễ này, con cái sẽ cúi đầu trước cha mẹ và người lớn tuổi theo cách truyền thống để cảm ơn công ơn dưỡng dục, chăm sóc của cha mẹ.
Vương quốc Anh: Quốc gia này gắn ngày lễ này với tôn giáo. Ngày của mẹ ở Anh có nguồn gốc từ thế kỷ 16, trước lễ Phục sinh, Vương quốc Anh sẽ tổ chức Mùa chay kéo dài 40 ngày. Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay, vốn là Ngày của mẹ (Mothering Sunday) truyền thống của Anh, sau này chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ, ngày lễ này cũng được gọi là “Mother’ s Day”.
Việc thành lập Ngày của mẹ ở nhiều quốc gia khác nhau, mục đích chính là để cảm ơn những người mẹ đã nỗ lực vất vả đồng thời khiến thế giới chú ý hơn đến địa vị của những người mẹ. Thật đáng tiếc khi bà Ann, người đã cố gắng lập nên Ngày của mẹ, đã không kịp chứng kiến ước mong của mình được thực hiện.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về nguồn gốc của Ngày của mẹ và cách tổ chức ngày lễ này ở các quốc gia khác nhau. Hãy nhớ nói lời chúc mừng và cảm ơn với mẹ của bạn vào Ngày của mẹ hôm nay nhé.
Từ khóa ngày của mẹ Mother's day hoa cẩm chướng ngày hiền mẫu