Ngủ muộn gây hại gì cho trẻ? 3 bước giúp trẻ đi ngủ sớm
- Thanh Trúc
- •
Vì sao để trẻ đi ngủ sớm lại khó khăn đến vậy? Đây hẳn là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh. Vậy ngủ trễ có những nguy hại nào cho trẻ, và phải làm sao để trẻ mỗi ngày đi ngủ sớm lúc 9 giờ tối? Trước tiên chúng ta hãy cùng xem thử thời gian ngủ của con bạn liệu đã đạt tiêu chuẩn hay chưa.
9h tối là thời gian ngủ của trẻ em được Hiệp hội giấc ngủ quốc gia Mỹ đề nghị. Vì sao phải quy định thời gian ngủ của trẻ? Đầu tiên hãy xem việc ngủ muộn có tác hại gì đối với các bé.
1. Gây tổn hại đến khả năng nhận thức
Giáo sư Amanda Sarker của Đại học London từng tiến hành nghiên cứu đối với hơn 10.000 trẻ 7 tuổi, họ nhận thấy rằng các bé thường xuyên đi ngủ sau 9 giờ tối khá kém về môn đọc và tính toán. Vì thế họ cho rằng việc ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phản ứng và năng lực nhận thức không gian, lâu ngày sẽ không có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ.
2. Ảnh hưởng đến chiều cao
Các nhà khoa học nhận thấy cơ thể chúng ta sẽ tiết ra nhiều hoocmôn tăng trưởng trong trạng thái ngủ nhằm kích thích sụn khớp và xương mềm phát triển, thế nhưng việc tiết ra hoocmôn tăng trưởng này sẽ giảm dần theo tuổi tác, vì thế giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Ngoài ra, từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là khoảng thời gian mà hooc môn tăng trưởng tiết ra nhiều nhất. Hơn nữa, cơ thể cần phải ngủ say 70 phút thì mới bắt đầu tiết hoocmôn. Vì vậy nếu trẻ thường hay đi ngủ muộn hoặc thiếu ngủ khi còn nhỏ thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao trong tương lai.
3. Giảm sức đề kháng
Giấc ngủ là quá trình phục hồi thể lực và các chức năng khác bên trong cơ thể, vì vậy ngủ đủ thì cơ mới khỏe mạnh. Những trẻ ngủ quá muộn sẽ dễ bị nhiễm bệnh, vi khuẩn, chất ô nhiễm từ môi trường do chức năng miễn dịch của cơ thể lâu ngày không được hồi phục.
4. Ảnh hưởng tới tính cách của trẻ
Tính khí của những trẻ thường xuyên ngủ muộn và ngủ không đủ sẽ khá nóng nảy. Biểu hiện cụ thể là dễ tức giận gào khóc, cáu gắt, thích đánh người, thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc… Rất không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Để trẻ đi ngủ sớm liệu có khó khăn không? 3 bước để giúp trẻ đi ngủ sớm
1. Không ra ngoài sau 8 giờ tối
Thời gian ra ngoài của trẻ có thể sắp xếp vào buổi sáng, nếu các bé đi học thì có thể sắp xếp sau khi tan học, trước 8 giờ tối. Sau 8 giờ tối thì nên hạn chế cho trẻ ra ngoài, bởi vì sẽ cần một quá trình để trẻ tĩnh lại, cũng có nghĩa là cần một khoảng thời gian nhất định để tâm trạng hoạt bát như hưng phấn, thích thú, kích động của trẻ dịu lại. Nếu như 8 giờ tối mà trẻ còn ra ngoài chơi thì muốn trẻ đi ngủ lúc 9 giờ tối là điều không thể.
2. Tránh vận động mạnh trước khi ngủ
Trước khi ngủ đừng nên cho trẻ xem TV, không vận động mạnh cũng như những trò chơi kích thích, có thể nghe nhạc nhẹ, chơi những trò chơi không kích thích như lắp ghép gỗ, xếp hình. Cha mẹ kể chuyện, đọc sách cho con nghe cũng là việc rất tốt cho trẻ. Thường xuyên tạo ra bầu không khí yên tĩnh trước khi ngủ sẽ hình thành phản xạ có điều kiện của não rằng: “Bé ơi, đây là nhịp điệu trước khi ngủ, chuẩn bị đi ngủ thôi”.
3. Cả nhà tắt đèn lúc 9 giờ tối
Mọi người phải chú ý là “cả nhà” chứ không chỉ một mình trẻ. Có rất nhiều ông bố bà mẹ nói rằng con mình thường hay chơi đến hơn 11 giờ. Nguyên nhân đó là do 11 giờ hơn mà cha mẹ còn chưa ngủ. Trẻ là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, bạn muốn con ngoan ngoãn đi ngủ sớm mà bản thân thì lại nghịch điện thoại sẽ khiến con cảm thấy ‘không công bằng’. Lúc này nếu muốn trẻ ngủ sớm, trừ phi trẻ đã rất mệt, nếu không thì có thể là trẻ sẽ không chịu lên giường hoặc lén chơi đồ chơi trong chăn hoặc dưới gầm giường.
Thế nhưng nếu đến 9 giờ tối mà cha mẹ vẫn cần phải xem TV, còn cần phải làm việc thì làm thế nào? Vậy thì cha mẹ cần biết về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với các bé. Cha mẹ ngủ sớm cũng có thể dậy sớm làm việc, làm việc nhà, xem phim cũng không phải là không thể. Nếu thật sự cha mẹ không thể ngủ sớm được thì cũng có thể ngồi dậy sau khi trẻ đã ngủ rồi.
Điều cần đặc biệt chú ý đó là trong phòng hoặc trước giường của trẻ tốt nhất đừng bật đèn, bởi vì ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến sự tiết hoocmon tăng trưởng. Nếu dùng cách “cả nhà cùng tắt đèn” thì việc muốn trẻ đi ngủ lúc 9 giờ tối sẽ không còn khó khăn nữa.
Tâm lý học cho rằng kiên trì thực hiện một hành động trong 21 ngày thì sẽ trở thành thói quen, sau 90 ngày sẽ trở thành thói quen ổn định và sau 365 ngày nếu muốn ngừng hành động đó lại đã là rất khó rồi. Sau khi rèn luyện thói quen cho trẻ thì cứ mỗi 9 giờ tối cơn buồn ngủ sẽ kéo đến khiến trẻ chủ động đi ngủ. Vì vậy sở dĩ con của bạn không thể ngủ sớm thì ngoài việc bạn chưa ý thức được tác hại của việc trẻ ngủ muộn ra, nguyên nhân rất lớn là do hành động của bạn chưa đủ mạnh. Ngủ sớm dậy sớm có ích cho cả người lớn và con trẻ.
Thanh Trúc
(Ảnh: Pixabay)
Xem thêm:
Từ khóa giấc ngủ Ngủ sớm Ngủ muộn trẻ em