Người có trí tuệ cảm xúc thường không nói 3 điều này!
- Trúc Nhi
- •
Ông bà ta dạy rằng qua cách nói chuyện thể hiện ra nhân phẩm của một người. Từ cách nói năng có thể lộ ra người đó có hàm dưỡng hay không. Muốn biết một người liệu có đáng để chúng ta kết thành thâm giao thì có thể nhìn qua cách nói chuyện của họ.
Trong các mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, có những lời chúng ta không nên nói ra, thậm chí nếu nói ra thì có thể sẽ gây phản tác dụng. Bởi vì mọi người đều thích những lời dễ nghe và tốt đẹp, không ai thích nghe những lời phàn nàn oán trách cả.
1. Phàn nàn về gia đình của mình
Ông bà ta xưa nay vẫn luôn khuyên con cháu rằng việc xấu trong nhà không thể truyền ra ngoài. Chúng ta phàn nàn nào là chồng tôi không tốt, nào là vợ tôi không tốt, con cái thì không ngoan, cha mẹ già thì lẩm cẩm..v.v. Dù sự tình ra sao đi nữa, có chăng chúng ta cũng chỉ nhận được vài lời an ủi động viên từ người khác mà thôi, nhưng lời đã nói ra rồi thì không cách nào thu hồi lại.
Người ta nói ‘’mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’’. Gia đình nào cũng đều có những khó khăn riêng và cũng có những điểm hạnh phúc riêng. Vậy thì tại sao chúng ta nên nhìn nhiều hơn vào ưu điểm và bớt nhìn hơn vào những khuyết điểm của người nhà?
Có câu nói thế này ’Xích hữu sở đoản, thốn hữu sở trường – (Sở từ – Bốc cư)’’ ý nghĩa là thước có sở đoản của thước, tấc có sở trường của tấc. Quả đúng là như vậy, thước cũng có khi ngắn, mà tấc cũng có khi dài. Vì thế nếu như xuất phát điểm nhìn nhận vấn đề đã bất đồng thì tuyệt nhiên không thể một mực mà quả quyết nói chung chung được.
Nếu luôn nhìn vấn đề từ một mặt tối thì trước mắt sẽ đều là bóng tối, nhưng nếu quay lại mà nhìn ở một góc độ khác, góc độ chính diện, thì sẽ có ánh nắng ở khắp mọi nơi. Nhà là chốn về ấm áp, không phải nơi sinh ra những nỗi đau.
Chúng ta không chịu mở lòng, trái tim không biết cảm nhận, không nói những lời tốt đẹp mà chỉ luôn phàn nàn và than phiền, khi nhìn và suy nghĩ về những điều tiêu cực thì tình huống có khi càng trở nên nghiêm trọng hơn, cuối cùng kết quả sẽ là một mớ hỗn độn, rối ren.
2. Phàn nàn về năng lực của bản thân
Một số người thích tự khen ngợi bản thân, nhưng cũng có một số người thích làm tổn thương bản thân bằng việc luôn nghĩ mình thật kém cỏi. Trên thực tế, tốt hay xấu là do chính mình, người khác cũng sẽ không quá quan tâm để ý.
Nếu một người thường xuyên than phiền về những khuyết điểm, không nhìn ra được năng lực và ưu điểm của bản thân, lúc nào cũng nói rằng “tôi không thể”, thì cuối cùng họ có thể sẽ thật sự đánh mất chúng theo thời gian. Quá khiêm tốn cũng như là tự ti, phủ nhận năng lực bản thân, điều này khiến chúng ta đánh mất luôn cả sự tự tin. Kết quả là người khác cũng nghĩ rằng chúng ta thực sự không đủ tốt.
Đã từng có một thí nghiệm thú vị, người ta để cho một cô gái mặc bộ quần áo mà cô ấy không thích trong vòng một ngày. Thật ra trông những bộ đồ đó không khó coi chút nào, nhưng vì sự giằng xé trong lòng nên cô gái ấy đã có một ngày vô cùng chán nản, thậm chí không dám ngẩng đầu lên nhìn vì tự ti.
Tuy nhiên, trong kết quả khảo sát, rất ít người qua đường chú ý đến quần áo của cô, một số lượng lớn người là không để ý đến và không có ấn tượng gì về trang phục mà cô ấy mặc.
Bản thân chúng ta mặc quần áo có đẹp và thoải mái hay không, nếu như không nói ra thì cũng không có ai thực sự để ý tới.
Trong cuộc sống có rất nhiều những chuyện tương tự như thế này, không nói ra thì người khác cũng không quan tâm, nhưng một khi đã nói ra thì sẽ khiến người khác chú ý đến khuyết điểm đó, chẳng khác gì bản thân đang tự tìm rắc rối.
Làm người ai cũng đều có những khuyết điểm, không ai là thập toàn thập mỹ. Chúng ta không nói về những khuyết điểm của bản thân thì người khác cũng sẽ không chú ý đến. Làm mọi việc một cách chăm chỉ, sống một cuộc sống ung dung tự tại, không quá để tâm vào những điều nhỏ nhặt, chỉ cần biết coi trọng bản thân thì không có lý do gì mà người khác lại coi thường mình cả.
3. Phán xét về những thiếu sót của người khác
Một số người luôn chỉ trích người khác, trong lúc tán gẫu với những người quen biết, có thể sẽ nói mãi không dứt về những chuyện thị phi, nhất là khi nói ra khuyết điểm của người khác thì lại càng hăng say cao hứng. Đến khi đối phương không còn gì để nói, thì bản thân lại cho rằng đã tìm được tri kỷ, có thể nói ra mọi suy nghĩ trong lòng mà không cần giấu giếm.
Người xưa nói: “Một hữu bất thấu phong đích tường”, không có tường nào gió không lọt qua được. Một khi lời nói đã xuất ra khỏi miệng, người nói vô tâm người nghe hữu ý, nếu lời này bị lan truyền đi chẳng phải sẽ gây phản tác dụng? Nếu lời lan truyền đi là tam sao thất bản, sai lệch quá nhiều so với ý nghĩa ban đầu, vậy chẳng phải là bản thân đang tự tìm phiền phức?
Lại nói “đánh người không tát vào mặt, mắng người không vạch khuyết điểm”. Lời đến khóe miệng lưu ba phân, dù nói trực tiếp hay gián tiếp thì cũng không nên nói xấu. Bản thân có thể thoải mái được một lúc, nhưng có thể làm tổn thương người khác cả đời.
Nói chuyện phiếm thì chớ bàn về lỗi của người. Càng nói nhiều càng mắc lỗi, họa từ miệng mà ra. Dù có nói gì về bản thân hay người khác, hãy luôn nói những điều tích cực hoặc khách quan bạn nhé.
Từ khóa tự ti Phàn nàn trí tuệ cảm xúc nói xấu sau lưng