Người già sợ điều gì nhất? Trong cuộc sống của người cao tuổi có hai nỗi sợ lớn nhất chính là: té ngã và cô đơn. Cả hai đều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ theo cách khác nhau nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong khi té ngã có thể gây ra những tổn thương về thể chất, thì cô đơn lại tác động sâu sắc đến tinh thần và sức khỏe tinh thần của người già. Vậy đâu là cách để giúp người cao tuổi vượt qua những nỗi sợ này và sống một cuộc sống ý nghĩa hơn? 

New Project 22 1
Người già sợ điều gì nhất? Câu trả lời khiến ai cũng phải suy nghĩ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Té ngã – nỗi sợ thầm lặng của người già 

Cô Lý, một người sống gần nhà chú Trương, kể lại với vẻ mặt buồn bã: “Hôm qua chú Trương bị té trong nhà vệ sinh. Không ai biết nên chú phải nằm đó cả đêm…”

Cô nói tiếp: “Chú vẫn tỉnh nhưng không thể tự đứng dậy được. Thật là đáng thương quá!”

Những chuyện như vậy xảy ra khá thường xuyên trong các khu nhà có nhiều người già sinh sống.

Khi con người bước vào tuổi già, các chức năng cơ thể dần suy giảm. Một cú ngã tưởng như không nghiêm trọng, nhưng với người cao tuổi nó có thể dẫn đến gãy xương — thậm chí làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống sau đó. 

Cô đơn – “sát thủ thầm lặng” của tuổi già

Ít ai biết rằng “nỗi sợ thứ hai” của người già không phải là bệnh huyết áp cao, tiểu đường hay ung thư, mà lại là nỗi cô đơn âm thầm.

Điều này khiến nhiều người bất ngờ. Nếu như tai nạn do ngã gây hậu quả rõ ràng, thì sự cô đơn lại là một “dòng nước ngầm” lặng lẽ nhưng có thể bào mòn tinh thần, ý chí và chất lượng sống theo cách không dễ nhận thấy. Nó không gây ra cơn đau thể xác như gãy xương, cũng không tạo nên những biểu hiện rõ rệt như ho hay sốt. Tuy nhiên, tác động của nó lại sâu sắc và đáng lo ngại không kém.

Theo y học, cô đơn được xem là một dạng “tổn thương tâm lý” nghiêm trọng, với hậu quả đôi khi còn đáng sợ hơn cả những cú ngã. Các nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi sống trong cảnh cô đơn lâu dài có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp ba lần, và nguy cơ mắc Alzheimer cũng tăng hơn 50%. Đáng lo ngại hơn, cô đơn còn thúc đẩy quá trình lão hóa hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.

Trên thực tế, té ngã là một tai nạn xảy ra trong khoảnh khắc, thường được nhìn thấy và xử lý ngay. Nhưng cô đơn thì khác — nó là một dạng “ngã” âm thầm, không gây tiếng động, không để lại vết bầm nhưng lại khiến tâm hồn hao mòn từng ngày. Người cao tuổi có thể phục hồi sau một cú ngã nếu có người bên cạnh chăm sóc, nhưng khi sống trong cô đơn kéo dài, họ dần đánh mất niềm vui sống, ý chí và cả sức khỏe.

Nhiều người còn cho rằng mua thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tốt nhất hay sắp xếp những gói khám sức khỏe toàn diện cho cha mẹ là đã làm tròn bổn phận. Thực tế, điều người già cần không phải là những món quà vật chất hay các dịch vụ chăm sóc đắt tiền, mà là sự hiện diện của một người sẵn sàng trò chuyện, lắng nghe và cùng họ tận hưởng những khoảnh khắc giản dị trong cuộc sống như những bữa cơm hằng ngày. Bởi lẽ, mâm cơm dù đầy đủ đến đâu cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng người khi họ phải ăn trong cô đơn.

Trong thực hành lâm sàng, mặc dù người già không mắc bệnh nghiêm trọng và các chỉ số sức khỏe nhìn chung ổn định nhưng lại luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém và thiếu sức sống. Nguyên nhân không phải do vấn đề thể chất mà xuất phát từ sự trống vắng trong tâm hồn — họ đang sống trong cô đơn.

Biểu hiện của sự cô đơn không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng bằng những lời nói như “Tôi cô đơn”. Nó thường bộc lộ qua những thay đổi trong hành vi: người già ít nói, mất đi sự hứng thú với những sở thích trước đây, ít giao tiếp với bạn bè, và thậm chí bắt đầu nghi ngờ về ý nghĩa cuộc sống. Một bà lão 86 tuổi từng chia sẻ với sự bất lực: “Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi làm là đếm xem hôm nay tôi có thể gọi được bao nhiêu cuộc điện thoại. Nếu không ai gọi, tôi thậm chí không còn động lực để ra khỏi giường”.

Chìa khóa giúp người già thoát khỏi cô đơn

  1. Xây dựng mạng lưới xã hội

Việc mang lại cảm giác được hòa nhập có thể giúp người già thoát khỏi sự cô đơn. Điều này không chỉ đơn giản là yêu cầu con cái về thăm thường xuyên. Quan trọng hơn là giúp họ xây dựng một vòng tròn xã hội, nuôi dưỡng sở thích, thói quen và duy trì nhịp sống đều đặn. Sau khi nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi chuyển từ cuộc sống công việc bận rộn sang một cuộc sống đơn điệu, lặp đi lặp lại các hoạt động như xem TV, ăn uống và ngủ. Nếu không thay đổi, dù sức khỏe thể chất tốt, tinh thần của họ cũng có thể trở nên cằn cỗi.

Những người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội và duy trì một mạng lưới bạn bè thường có chất lượng cuộc sống cao hơn và hồi phục nhanh chóng sau bệnh tật. Dù là chơi cờ vua ở công viên hay trò chuyện với bạn bè, những hoạt động này có thể giảm bớt sự cô đơn và nâng cao tâm trạng. Cảm xúc tích cực cũng có thể kích thích hệ miễn dịch và tăng cường chức năng não bộ.

  1. Sự chủ động

Để chống lại sự cô đơn liệu họ có thể chỉ chờ đợi con cái đến thăm không? Câu trả lời là không. Cuộc sống khỏe mạnh ở tuổi già không chỉ phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài mà còn cần sự chủ động từ chính người cao tuổi.

Hãy mạnh dạn ra khỏi nhà: tham gia lớp học sở thích tại các trung tâm dành cho người cao tuổi hoặc tham gia tình nguyện. Nhiều người cao tuổi e ngại học những điều mới mẻ vì tuổi tác, nhưng thực tế, bộ não càng được sử dụng thì càng trở nên linh hoạt. Nếu không được kích thích, nó sẽ dần thoái hóa.

  1. Kết nối thông qua Internet 

Việc sử dụng các công cụ hiện đại như điện thoại di động và Internet cũng có thể giúp giảm bớt sự cô đơn. Một giáo viên nghỉ hưu 72 tuổi chia sẻ rằng bà cảm thấy không cô đơn khi trò chuyện với cháu qua video mỗi ngày dù cháu không sống gần bà.

  1. Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống cũng có mối liên hệ mật thiết với sự cô đơn. Người cao tuổi cô đơn có xu hướng ăn uống không cân bằng hoặc chán ăn, nhưng khi ăn cùng người khác họ sẽ duy trì một chế độ ăn uống tốt hơn.

  1. Chính sách cộng đồng

Nhật Bản đã triển khai chính sách “Sắc lệnh phòng ngừa cái chết cô đơn”, thông qua các chuyến thăm cộng đồng và hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu các tai nạn người cao tuổi gặp phải khi sống một mình. Đây là một mô hình rất đáng học hỏi. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm mô hình “ngân hàng thời gian”, nơi người trẻ tham gia tình nguyện để tích lũy thời gian, giúp chăm sóc người già khi họ cần.

  1. Sự kết nối của con cái

Tất nhiên, vai trò của con cái là không thể thiếu. Ngay cả khi không thể ở bên mỗi ngày, những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn thoại hay gọi video thường xuyên sẽ giúp người già cảm thấy được quan tâm và cần thiết. Đó là “dinh dưỡng tâm lý” quan trọng nhất.

  1. Chủ động thăm khám tâm lý

Các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi không chỉ khám sức khỏe định kỳ mà còn nên “khám tâm lý”. Ngoài các chỉ số sinh lý, chúng ta cần chú ý đến cảm xúc, khả năng nhận thức và tình trạng xã hội của họ.

Tuổi già không phải là “hoàng hôn” của cuộc đời mà là một khởi đầu mới. “Sống đến già, học đến già, chơi đến già, yêu đến già” chính là bí quyết của “lão hóa khỏe mạnh”. Thay vì thu mình lại vì cảm giác yếu đuối hay sợ hãi, người cao tuổi có thể xem quãng thời gian này như một cơ hội để sống chậm, sống sâu và sống thật với chính mình hơn bao giờ hết. Đây là lúc họ có thể quay về với những đam mê đã từng bỏ lỡ, làm những điều từng ấp ủ, và tận hưởng từng khoảnh khắc với tâm thế nhẹ nhàng, không còn bị cuốn vào vòng xoáy của trách nhiệm và áp lực. Hạnh phúc tuổi già không đến từ sự đầy đủ vật chất mà đến từ việc duy trì kết nối, giữ tinh thần tươi trẻ và biết yêu thương bản thân đúng cách.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang