‘Nhà giao tiếp vĩ đại’ Ronald Reagan và 5 bí quyết tạo nên một thiên tài hùng biện
- Minh Minh
- •
Bắt đầu từ bài phát biểu trên bục gỗ trường đại học, Ronald Reagan đã dần trau dồi tài năng hùng biện của mình để trở thành vị tổng thống được toàn nước Mỹ yêu mến.
Nhiều người cho rằng vị tổng thống thứ 40 của Mỹ – Ronald Reagan – đã học được cách diễn thuyết trước đám đông nhờ công việc làm phát thanh viên cho đội Chicago Cubs hoặc nhờ kinh nghiệm thời còn là diễn viên màn bạc. Nhưng trên thực tế, ông đã tìm thấy tài năng hùng /biện của mình khi đứng trên một chiếc bục gỗ cũ ở trường đại học Eureka, bang Illinois.
Năm 17 tuổi, khi còn là một sinh viên và cầu thủ bóng đá, Reagan đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy nhằm sa thải hiệu trưởng của trường. Nguyên nhân là bởi thầy hiệu trưởng đã cắt bỏ nhiều khóa học quan trọng với lý do hạn chế về tài chính. Trên bục gỗ ngày hôm đó, Reagan đã có bài phát biểu đầu tiên.
“Khi tôi nghe thấy tiếng reo hò và vỗ tay đáp lại bài phát biểu của mình, tôi chợt nhận ra sức mạnh của tài hùng biện. Ngôn từ của bạn có thể lay động đám đông”, ông kể lại với phó trợ lý của mình.
Ngay cả khi đã trở thành tổng thống, Reagan vẫn luôn ghi nhớ ngày hôm đó. Các bài phát biểu của ông luôn tập trung vào một mục tiêu cụ thể kèm theo các giá trị và niềm tin. Ông tin chắc rằng cách tiếp cận này của mình có thể mang lại kết quả tốt đẹp. Sau cuộc nổi dậy, hiệu trưởng của trường Eureka đã từ chức. Nhiều thập kỷ sau, Reagan tiếp tục sử dụng tài năng của mình để kêu gọi Mikhail Gorbachev chấm dứt chế độ chuyên chế của một nước Đức bị chia cắt. Cuối cùng, bức tường Berlin đã sụp đổ.
Nếu bạn cũng muốn trở thành một nhà hùng biện tuyệt vời như Ronald Reagan, dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn:
1. Kể một câu chuyện
Kể chuyện là một cách hiệu quả giúp mọi người dễ dàng liên tưởng đến những gì bạn muốn truyền tải. Reagan rất thích kể câu chuyện về bức tranh vẽ George Washington đang quỳ gối cầu nguyện bên con ngựa của mình trong trận chiến ở thung lũng Forge. Reagan cố tình tránh miêu tả việc cầu nguyện theo cách nặng nề. Ông chỉ muốn cho mọi người thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo vĩ đại đã hạ mình khiêm tốn như thế nào và từ đó người nghe có thể tự thay đổi suy nghĩ của họ.
Câu chuyện của bạn sẽ thuyết phục hơn nếu nó nói về một người đàn ông hoặc phụ nữ bình thường. Những câu chuyện về các anh hùng cũng rất dễ vào lòng người vì chúng dạy chúng ta về những tấm gương sáng. Nếu bạn không nghĩ ra câu chuyện nào của chính mình thì hãy kể chuyện của người khác.
Kể chuyện giúp bạn trở thành một người thuyết trình thân thiện. Một khi đã bị thu hút bởi câu chuyện rồi, khán giả sẽ rất dễ thuận theo những tuyên bố quan trọng và nghiêm túc mà bạn chia sẻ sau đó. Chỉ cần mở đầu bằng một câu chuyện có sức nặng là bạn đã nắm được đám đông trong lòng bàn tay.
2. Thấu hiểu khán giả
Đừng cố nói chuyện vô nghĩa với những người làm sale khi bạn biết họ vừa có một năm doanh số thê thảm. Đừng giả vờ nói chuyện với một nhóm lãnh đạo cộng đồng khi bạn không biết họ đang nghĩ gì. Đừng làm CEO của một công ty khi bạn không biết thông cảm cho nỗi đau mất đi người thân của nhân viên. Không thấu hiểu khán giả là một sai lầm lớn khiến bạn phải trả một cái giá vô cùng đắt. Nếu muốn trở thành một nhà hùng biện giỏi, bạn cần phải tìm hiểu nỗi lòng thực sự trong tâm trí của người nghe. Hãy thấu hiểu cho những sợ hãi và lo lắng của họ! Hãy biết đồng cảm!
3. Kết nối với khán giả
Bạn hãy tỏ ra là một người đáng tin cậy, thân thiện, thấu hiểu để khán giả cảm thấy có thể kết nối với bạn. Nếu bạn lạnh lùng, thờ ơ, cáu kỉnh thì khán giả (vốn đang hoài nghi về những gì bạn nói) cũng sẽ thấy chán nản và chuyển sang chế độ mất tập trung. Họ sẽ thể hiện sự phản đối với bài phát biểu của bạn bằng cách chơi game, gửi tin nhắn cho bạn bè. Nếu bạn không thích khán giả của mình thì đừng đòi hỏi họ phải yêu thích bạn.
Bạn hãy hiểu rằng khi diễn thuyết, bạn đang phải trải qua một cuộc chiến tinh thần với 65% hoạt động trong đó là phi ngôn ngữ. Người nghe có thể cảm nhận được những gì diễn giả đang nói là đáng tin cậy hay không thông qua từng cử chỉ và lời nói. Bạn hãy truyền đạt cảm xúc tới khán giả thông qua ngôn ngữ cơ thể và những nụ cười hạnh phúc. Khi bắt đầu bài phát biểu, bạn hãy nói với khán giả rằng bạn rất vui và biết ơn khi họ đã dành thời gian ở bên bạn. Cách tiếp cận khiêm tốn sẽ khiến mọi người muốn lắng nghe bạn hơn.
4. Giọng điệu
Reagan hiếm khi cao giọng hay la hét. Ông hiểu rằng giọng nói trầm, ngắt nghỉ đúng chỗ sẽ giúp người nghe dễ dàng hiểu được những điểm quan trọng của bài phát biểu. Giọng nói của Reagan là vũ khí bí mật góp phần khiến người dân cảm thấy tin tưởng, tôn trọng ông với tư cách một nhà lãnh đạo.
Ví dụ, khi phát biểu câu nói mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ trước: “Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này đi” (Mr. Gorbachev, tear down this wall) – Reagan đã không cao giọng để nhấn mạnh nó. Thay vào đó, ông nói với giọng trầm hơn hẳn so với cả bài phát biểu. Lời kêu gọi của ông thực sự ấn tượng và có sức nặng.
5. Bám sát các giá trị
Khi nói đến tình yêu đối với nước Mỹ và người dân Mỹ, Reagan có một niềm tin cực kỳ vững chắc. Ông không ngại nhắc lại điều đó nhiều lần trong ngày, vậy nên người Mỹ cũng rất yêu mến ông. Trong suốt những năm làm chính trị, có rất nhiều người muốn thay đổi quan điểm của Reagan nhưng niềm tin của ông chưa bao giờ lay chuyển. Ông không cố gắng làm hài lòng mọi người vì bản thân ông không quan tâm mọi người nghĩ gì về mình. Bám sát với lý tưởng, tạo dựng niềm tin, thấu hiểu con người, đó là cách Reagan giành được danh hiệu “Nhà giao tiếp vĩ đại”.
Từ khóa giao tiếp Ronald Reagan nhà hùng biện tài hùng biện